Doanh nghiệp không dễ lên sàn Amazon
Từ Rạng Đông đến bài học chuyển đổi số cho các doanh nghiệp / Việt Nam - Nhật Bản tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số, thúc đẩy hợp tác công nghệ thông tin
Chi phí mở gian hàng "ngốn" hàng trăm triệu đồng
Tại diễn đàn đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu ngày 23/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, người mua online nhiều hơn và thường xuyên hơn, còn người bán tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Theo đó, phát sinh ra nhiều mô hình bán hàng mới, trong đó đáng chú ý là các sàn TMĐT. Trong bối cảnh TMĐT phát triển nhanh hiện nay đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên các sàn, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp (DN) cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.
Thêm vào đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các sàn TMĐT, không bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Nhận thức của cả người mua hàng và người bán hàng chưa tốt nên cản trở TMĐT phát triển bền vững.
Dù tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam luôn ở mức từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay nhưng số lượng gian hàng phát sinh đơn hàng lại giảm, có những địa phương giảm tới 60%.
Nhiều doanh nghiệp (DN) không bán được hàng mặc dù đã xây dựng gian hàng trên các sàn TMĐT từ rất lâu.
“Tức là không phải cứ lên sàn TMĐT là bán được hàng. Yếu tố này liên quan đến vấn đề cạnh tranh và chi phí xử lý đơn hàng. Các DN phản ánh chi phí xử lý đơn hàng vào khoảng 20% giá trị đơn hàng.
Nếu DN không làm tốt, không tối ưu hoá gian hàng, quảng bá thì rất khó để phát sinh đơn hàng”, ông Thành nêu.
Nói thêm về khó khăn của doanh nghiệp khi tham gia bán hàng trên các nền tảng xuyên biên giới, ông Thành cho biết, nhiều DN Việt đã tham gia các nền tảng xuyên biên giới như Alibaba, Amazon.
Với Amazon, DN rất khó lên và thậm chí tạo gian hàng được rồi vẫn rất dễ bị đóng cửa hàng nếu vấp phải một vài phản ánh tiêu cực.
“Chúng tôi có 1 thoả thuận hợp tác với Amazon Global Selling hỗ trợ từ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn tư vấn 1-1 để DN lên bán hàng. Suốt hơn 1 năm qua, đến thời điểm này chúng tôi mới đưa được hơn chục DN lên Amazon”, ông Thành chia sẻ.
Ngoài ra, DN phải đóng một khoản phí không nhỏ để mở gian hàng. Chẳng hạn với sàn Alibaba, mỗi năm DN phải trả 52 triệu cho 1 gian hàng. Không những thế, DN phải trả tiền trước mới được mở.
Thậm chí có mức thành viên cao nhất phải đóng tới hơn 233 triệu đồng/năm. Những DN đã, đang phát sinh đơn hàng, lấy tiền từ doanh số bán hàng để trang trải đóng phí gian hàng thì có thể bảo đảm được. Tuy vậy, mức phí này với DN nhỏ và vừa thực sự là khó.
Trong khi đó, bà Đặng Thuý Hà - Giám đốc nghiên cứu, NielsenIQ Việt Nam nêu một loạt khó khăn mà DN phải đối mặt trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
Đó là hàng tồn kho khi sản phẩm không được tiêu thụ như kỳ vọng. Người tiêu dùng luôn đòi hỏi những sản phẩm mới, trải nghiệm mới. Người tiêu dùng đã chuyển dịch kênh mua sắm mới mà DN chưa kịp triển khai.
Ngoài ra, một số thời điểm bán được hàng mà không sản xuất kịp hay sản phẩm chỉ bán được ở một số khu vực cũng là những thách thức với doanh nghiệp, khiến cung - cầu không gặp nhau.
Dán nhãn cho gian hàng uy tín
Theo bà Hà, kết nối cung - cầu trong thương mại điện tử là hướng đi cần thiết để đáp ứng nhu cầu người dùng. Để kết nối cung cầu hiệu quả cần sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Trong đó, trước hết rất cần sự nỗ lực của DN trong việc tìm hiểu thị trường, có giải pháp thích ứng trước xu hướng mới. DN cần tìm cơ hội trong thách thức.
“Thấu hiểu thị trường và người tiêu dùng là chìa khoá cho các quyết định của DN”, bà Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, sự phối kết hợp giữa các đơn vị liên quan và hiệp hội cũng rất quan trọng để có thể giúp DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, những hộ kinh doanh cá thể ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về TMĐT.
“Hiện bán hàng trên sàn TMĐT rất dễ. Chỉ cần 1 số điện thoại là có thể tạo nhiều gian hàng. Nhưng cũng cần nói thêm rằng, hôm nay khởi tạo gian hàng nhưng ngày mai cũng có thể đóng gian hàng”, ông Thành nói.
Thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách quản lý phù hợp hơn. Cần thiết phải quản lý tới từng gian hàng, đánh giá xem gian hàng có đạt tiêu chuẩn, đạt các tiêu chí mà Bộ Công Thương cũng như các đơn vị liên quan đề ra hay không.
“Chẳng hạn, số lượng đơn hàng phát sinh, không giả mạo hàng hoá cũng như thời gian xử lý đơn hàng và giải quyết tranh chấp nhanh sẽ được dán nhãn gian hàng uy tín. Đồng thời phát triển hạ tầng thanh toán, logistics để thúc đẩy TMĐT Việt Nam phát triển hơn nữa”, ông Thành gợi ý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo