Dụ dỗ, lôi kéo người tham gia đầu tư Forex sẽ bị xử lý hình sự
Cảnh báo ứng dụng thanh toán đa cấp MyAladdinz có dấu hiệu lừa đảo, “hút máu” người dùng / Nhận diện chiêu thức lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao
Đầu tư Forex là gì, có dấu hiệu lừa đảo không?
Forex là một kênh đầu tư hấp dẫn trên thế giới. Tại Việt Nam, bên cạnh chứng khoán và tiền điện tử, Forex là thị trường được các nhà đầu tư quan tâm chú ý. Với những người mới tiếp cận, họ thường đặt ra những nghi vấn như Forex có lừa đảo không? Đầu tư Forex có hợp pháp không?
Đầu tư Forex hiểu đơn giản là một hình thức tham gia vào thị trường Forex với mục đích kiếm lời. Với những cách đầu tư khác nhau như: đầu tư truyền thống, đầu tư thông qua hợp đồng tương lai, hợp đồng chênh lệch… Được biết đến nhiều nhất và phổ biến nhất vẫn là đầu tư Forex thông qua hợp đồng chênh lệch (CFD) tại Việt Nam. Thay vì cố gắng kiếm lời dựa trên xu hướng tăng giá dài hạn của thị trường thì hợp đồng chênh lệch cho phép bạn kiếm lợi nhuận dựa trên cả hai chiều tăng giảm trong biến động.
Với thị trường Forex (CFD) thì các bên tham gia gồm có Trader và Broker. Trader nói chung là những người trực tiếp thực hiện các lệnh giao dịch mua/bán để tìm kiếm lợi nhuận thông qua biến động của các tài sản tài chính/công cụ tài chính trong ngắn hạn. Broker: Là sàn môi giới, sàn giao dịch Forex, đóng vai trò là đại lý, là trung gian giữa người mua và người bán các cặp tiền tệ. Để có thể tham gia giao dịch, trước tiên các trader phải tìm tới một nhà môi giới uy tín và có tính pháp lý rõ ràng.
Đối với thị trường Forex truyền thống thì nhà đầu tư chỉ có thể tham giới với một số cặp tiền tệ cơ bản như USD/VND, EUR/VND. Tuy nhiên, khi tham gia vào thị trường Forex (CFD) thì nhà đầu tư có thể tiếp cận với tất cả các cặp tiền tệ quốc tế khác nhau, các cặp tiền hot như USD/EUR, USF/JPY...
Tại Việt Nam, bên cạnh chứng khoán và tiền điện tử, Forex là thị trường được các nhà đầu tư quan tâm chú ý(Ảnh minh họa: Internet)
Bản thân Forex là một hoạt động đầu tư tiền tệ lành mạnh và không mang tính lừa đảo. Thế nhưng, do các giao dịch ngoại hối hiện nay đều được thực hiện trực tuyến nên rất dễ dàng để các cá nhân/đơn vị thông qua công nghệ tiếp cận nhà đầu tư Forex để lừa đảo và trục lợi. Cần lưu ý là các hoạt động Forex lừa đảo chỉ nhắm vào những người mới gia nhập thị trường và không có kiến thức.
Một số biểu hiện về lừa đảo trên thị trường ngoại hối:
Nhà môi giới tự xưng uy tín, lâu năm nhưng không đưa ra bằng chứng về lý lịch, địa chỉ pháp lý rõ ràng.
Nhà môi giới tiếp cận nhà đầu tư với các báo cáo giao dịch ảo với số lượng trade lớn.
Nhà môi giới tiếp cận nhà đầu tư bằng những nội dung quảng bá “phi thực tế” về cam kết lợi nhuận, tỷ lệ đòn bẩy không tưởng với rất nhiều ưu đãi.
Nếu nhà đầu tư muốn rút tiền từ tài khoản FX, nhà môi giới thường viện cớ xảy ra trục trặc.
Để tránh bị rơi vào hoạt động Forex lừa đảo, các nhà đầu tư mới tham gia thị trường dành thời gian tìm hiểu rõ về các sàn giao dịch chuẩn bị tham gia; Cảnh giác với những tô vẽ về lợi nhuận; Cảnh giác với những lời quảng cáo về các phần mềm “công thức bí mật”… Thực tế thì những trò lừa đảo đến từ các sàn Forex thiếu trung thực, họ thực hiện các phần mềm giao dịch không chính xác nhằm đánh cắp tiền đầu tư hoặc dẫn dụ nhà đầu tư tham gia vào mô hình ponzi đa cấp bằng cách ủy thác khoản đầu tư của mình cho họ.
Thực trạng các sàn giao dịch Forex tại Việt Nam
“Lợi nhuận 1%/ngày, 28-32%/tháng, chỉ cần lập tài khoản, nạp tiền, kênh đầu tư an toàn ổn định” là nội dung trên các bài đăng quảng cáo của nhân viên môi giới sàn giao dịch Forex trên các nhóm đầu tư với hàng chục nghìn thành viên.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng cho rằng, hiện tượng các sàn giao dịch Forex lôi kéo nhiều người tham gia thời gian gần đây có thể xuất phát từ thực trạng dịch bệnh khiến nhiều người giảm thu nhập. Do đó, muốn tìm đến các sàn giao dịch để kiếm tiền nhanh chóng. Đánh trúng tâm lý này, các sàn Forex tung ra quảng cáo rất hấp dẫn. Lãi suất được hứa hẹn lên tới vài phần trăm ngay trong ngày và thậm chí hàng trăm phần trăm mỗi năm. Đây là những cam kết “trên trời” bởi kể cả những nhà đầu tư Forex chuyên nghiệp cũng không thể đảm bảo luôn thắng. Đã có nhiều ngân hàng lỗ trong hoạt động Forex.
Thực trạng đáng buồn là phần lớn hoạt động của các sàn Forex ở Việt Nam hiện tại thiếu minh bạch và mang tính chất núp bóng, lừa đảo nhiều hơn kênh đầu tư chính thống. Hầu hết người tham gia các sàn Forex không hiểu về nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối. Những nền tảng giao dịch ngoại hối của các định chế tài chính chuyên nghiệp không hoạt động như những sàn Forex đang quảng cáo rầm rộ trên Facebook, sử dụng mạng lưới cộng tác viên như bán hàng đa cấp.
Một lý do khiến nhiều người “đâm đầu” vào các sàn Forex là sở thích tham gia trò chơi may rủi. Với các kênh đầu tư như chứng khoán, sản phẩm phái sinh, bất động sản đòi hỏi nhà đầu tư cần thời gian học hỏi, nắm tin tức thị trường. Trong khi đó, các sàn Forex cử nhân viên liên hệ trực tiếp, hướng dẫn từng thao tác giao dịch nên nhiều người dễ dàng nhảy vào.
Theo các chuyên gia, một số người chơi Forex nói rằng họ thật sự có lãi. Nhưng không có cơ sở bảo đảm đó là lợi nhuận phát sinh thật sự từ giao dịch Forex hay một chiêu lừa của các sàn? Bởi khi nhà đầu tư đặt lệnh mua bán ngoại tệ, sàn Forex thông báo đã thực hiện giao dịch nhưng người tham gia không thể nắm được cụ thể sàn giao dịch thế nào. Lợi nhuận thời gian đầu sàn trả cho người tham gia có thể là bẫy để kích thích nhà đầu tư tiếp tục đổ thêm nhiều tiền, sau đó, người tham gia có thể mất hết tiền khi sàn Forex sập.
Các luật sư cũng nhấn mạnh rủi ro khi tham gia sàn Forex tại Việt Nam. Do hoạt động của các sàn chưa được cơ quan quản lý Nhà nước công nhận, khi xảy ra tranh chấp pháp lý do tổ chức giao dịch vi phạm nghĩa vụ, người tham gia sẽ không được pháp luật bảo vệ quyền lợi. Hành vi tham gia sàn Forex của nhà đầu tư không vi phạm quy định hiện hành do khung pháp lý chưa quy định cụ thể về hoạt động này. Tuy nhiên, khi tham gia các sàn Forex, nhà đầu tư có thể vi phạm quy định về việc chuyển tiền ra nước ngoài.
Có thể bị xử lý hình sự nếu tham gia một số sàn Forex
Mô hình hoạt động của một số sàn Forex tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về tài chính, pháp lý. (Ảnh minh họa: Internet)
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng mới đây cho biết đã thu thập được nhiều thông tin quảng cáo, kêu gọi đầu tư tài chính thông qua các sàn đầu tư tài chính, đặc biệt là hình thức đầu tư thị trường ngoại hối (Foreign Exchange hay Forex) và đầu tư quyền chọn nhị phân (Binary Options hay BO).
Cơ quan này nhận thấy mô hình hoạt động của một số sàn đầu tư tài chính này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về tài chính, pháp lý cho người tham gia. “Mọi giao dịch của người tham gia đều thông qua tài khoản được mở trên hệ thống Internet mà không có cơ quan quản lý tại Việt Nam cấp phép. Trong trường hợp nếu có các vấn đề rủi ro liên quan đến hệ thống thì kết quả đầu tư của người tham gia đều không được đảm bảo”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo.
Cục cũng nhấn mạnh tiền người tham gia nộp vào hệ thống là tiền thật trong khi những lợi ích hay hoa hồng được ghi nhận trên hệ thống là các loại tiền ảo hay ví điện tử không được cơ quan quản lý Nhà nước thừa nhận là công cụ thanh toán hợp pháp. Mặt khác, nhà đầu tư còn đối diện những rủi ro khác khi tham gia các sàn đầu tư tài chính như lộ bí mật thông tin cá nhân, bị lừa đảo do một số sàn huy động tài chính sửa lệnh hệ thống. Cụ thể, nhà đầu tư nghĩ rằng đang đầu tư theo lệnh thị trường, nhưng thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua. Thậm chí có trường hợp khi số người tham gia nộp tiền đủ nhiều, sàn sẽ biến mất.
Đồng thời, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết nhiều sàn như Forex Liber, AFGold, Bitomo có dấu hiệu lôi kéo người tham gia bằng hình thức trả thưởng, hoa hồng cho việc mời thêm thành viên tham gia đầu tư theo nhiều cấp, nhiều nhánh. Đây là dấu hiệu của việc kinh doanh theo phương thức trái phép. Theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Các sàn đầu tư tài chính trên đều không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
Do đó, các tổ chức, cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua những sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, mức xử phạt lên tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam theo Điều 217a Bộ Luật Hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Top 10 chiêu trò Forex lừa đảo phổ biến nhất năm 2020
10. Sàn Forex lừa đảo Các sàn Forex lừa đảo, sàn Forex chui thường thu hút các nhà giao dịch bằng những lời hứa về lợi nhuận cao, chênh lệch 0% hoặc các ưu đãi không thực tế khác. Nếu mở tài khoản ở những sàn này, khách hàng sẽ bị lừa mất tiền hoặc bị thủ thuật làm hao hụt tiền trong tài khoản. Trước khi chọn sàn giao dịch, nên kiểm tra địa chỉ công ty và xác minh nó có đáng tin cậy không theo các cách sau: - Chọn sàn Forex được quy định bởi các tổ chức chính thức: Bạn có thể tra cứu thông tin này trên trang wikifx bằng cách gõ tên nhà môi giới. Kết quả kiểm tra sẽ cho biết thông tin về đơn vị quản lý, điểm đánh giá, lịch sử hoạt động… - Chọn sàn Forex có địa chỉ https thay vì http: Các sàn môi giới có địa chỉ https giúp bảo mật dữ liệu về thông tin giao dịch của nhà đầu tư tốt hơn là http. - Kiểm tra thông tin nhà môi giới trên website của đơn vị quản lý: Nếu nhà môi giới đưa ra bằng chứng về đơn vị cấp phép, quản lý. Hãy truy cập trang web của đơn vị quản lý và tra cứu mã số cấp phép của sàn giao dịch xem nó có hoạt động không.
9. Phần mềm giao dịch lừa đảo Phần mềm giao dịch lừa đảo sẽ tạo ra cơ chế giao dịch không công bằng, từ đó ngăn chặn khách hàng đặt giao dịch thắng và rút sạch quỹ giao dịch của nhà đầu tư. Ví dụ như gần đây trên thị trường xuất hiện phần mềm MT6 lừa đảo tiếp cận nhà đầu tư mới hoặc nhà đầu tư vùng sâu vùng xa, sử dụng tên gọi tương đồng với tên phần mềm nổi tiếng như MT4, MT5. Việc này khiến nhà đầu tư hiểu nhầm Metatrader 4 lừa đảo và ảnh hưởng đến thị trường Forex chân chính. Để tránh các phần mềm giao dịch lừa đảo, trước khi cài đặt vào máy, nhà đầu tư nên tìm hiểu các đánh giá của người đi trước về phần mềm. 8. Nhái thương hiệu công ty môi giới uy tín Lợi dụng mức độ uy tín và phổ biến của các nhà môi giới hàng đầu, một số công ty môi giới có thể tìm cách lách luật sở hữu trí tuệ, sử dụng một cách viết hơi khác hoặc một biến thể của tên nhà môi giới đã đăng ký để “ăn theo”. Việc này chủ yếu xảy ra ở các sàn môi giới nhỏ, yếu kém và năng lực hạn chế.
7. Liên kết đến trang quản lý giả mạo Một nhà môi giới ngoại hối giả mạo có thể thuyết phục trader rằng họ hợp pháp bằng cách liên kết đến trang quản lý giả mạo. Trang web này là bản sao hoàn toàn giống với trang web của cơ quan quản lý nhưng có thể xuất hiện tên của sàn môi giới giả mạo khi trader nhập tên công ty vào. Để tránh rơi vào cái bẫy này, nhà đầu tư cần truy cập vào trang web chính thống của cơ quan quản lý thực tế thay nhấp vào liên kết từ trang web của nhà môi giới. 6. Lừa bán tín hiệu Người bán tín hiệu có thể là các công ty hoặc cá nhân. Tín hiệu là thông tin phân tích kỹ thuật độc quyền hoặc đặc quyền tiếp cận các tin tức ảnh hưởng đến hướng đi của thị trường, giúp xác định cơ hội giao dịch tốt nhất và có lợi thế nhất cho nhà đầu tư. Với các đối tượng lừa bán tín hiệu, họ thường hứa hẹn lợi nhuận nhanh chóng và dễ dàng. Nếu một nhà giao dịch muốn sử dụng tín hiệu, hãy kiểm tra và xác minh độ tin cậy của người bán tín hiệu trước khi tiến hành giao dịch. 5.Robot giao dịch lừa đảo
Robot giao dịch là các hệ thống giao dịch tự động dựa trên lập trình sẵn. Các phần mềm robot giao dịch được quảng cáo có thể kiếm 20-50% lợi nhuận mỗi tháng mà không cần theo dõi thị trường là hoàn toàn lừa đảo. Thực tế, robot giao dịch chỉ sao chép các giao dịch trước đó một cách ngẫu nhiên, không thể tự kiểm tra sự biến động giá cả bất thường và các yếu tố khác để đánh giá thời điểm tốt nhất để tham gia hoặc thoát khỏi thị trường. 4.Đa cấp Forex hoặc mô hình ponzi Các mô hình Forex đa cấp ponzi là một trong những chiêu trò lừa đảo nổi tiếng nhất và phổ biến trong thời gian trước đây. Theo đó, khoản tiền đầu tư của người đến sau sẽ được dùng để trả cho các khoản hứa hẹn về lợi nhuận đặc biệt cho các nhà đầu tư trước đó. Chu kỳ diễn ra liên tục cho đến khi nó sụp đổ và kẻ lừa đảo biến mất với tiền của mọi người. 3. Ủy thác đầu tư gian lận/lừa đảo
Giao dịch ngoại hối hấp dẫn nhưng có thể sẽ rất phức tạp, đặc biệt đối với những người lần đầu tiên tham gia vào thị trường. Vì vậy, nhiều người tự xưng là trader có kinh nghiệm và dụ dỗ những người mới ủy thác tiền cho họ đầu tư với triển vọng hấp dẫn về lợi nhuận cao và rủi ro tối thiểu. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhà đầu tư có thể trắng tay vì tài khoản ủy thác mất sạch hoặc người nhận ủy thác biến mất cùng với tất cả tiền của nhà đầu tư. 2. Chương trình đào tạo quá đắt và không có hiệu quả thực tế Các nhà đầu tư mới nên cảnh giác với những chương trình đào tạo với lời hứa giúp họ trở thành chuyên gia ngay lập tức và đưa đến lợi nhuận cao. Các chương trình đào tạo này thường được bán với mức phí không phù hợp và kết quả đạt được không như lời hứa ban đầu. Có rất nhiều thông tin miễn phí có sẵn, thậm chí hữu ích hơn một chương trình đào tạo tốn kém như các video trên YouTube; các diễn đàn forum hoặc các tài khoản demo giúp nhà đầu tư trực tiếp kiểm tra khả năng của họ trước khi giao dịch bằng tiền thật. 1. Dùng tài khoản Cent để lừa nhà đầu tư mới
Tài khoản Cent là một loại tài khoản được thiết kế cho những người mới tham gia thị trường Forex, giúp nhà đầu tư giao dịch với mức tiền nạp thấp hơn và không muốn mạo hiểm quá nhiều. Nếu bạn nạp tiền vào tài khoản Cent 1 USD, nó sẽ mặc định coi đó là 100 USD, nếu bạn nạp 100 USD, nó sẽ hiển thị số tiền là 10.000 USD và có thể giao dịch như các tài khoản lớn. Tuy nhiên, nhiều kẻ lừa đảo sau khi dụ khách đưa tiền đã không nạp tiền vào tài khoản thường mà nạp vào tài khoản Cent một số tiền chỉ bằng 1%. Nếu tài khoản bị cháy sau khi giao dịch, nhà đầu tư nghĩ rằng mình đã bị thua lỗ hết, nhưng thực chất đã bị kẻ lừa đảo bỏ túi riêng hầu như toàn bộ số tiền. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo