Dùng giải pháp truy xuất nguồn gốc để ngăn chặn đường nhập lậu
Không còn đường lùi cho ngành mía đường Việt Nam / Diện tích mía đường Việt Nam tiếp tục sụt giảm mạnh
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đường nhập lậu vào Việt Nam bắt đầu được ghi nhận từ năm 1999. Đường nhập lậu có nguồn gốc từ Thái Lan, vào Việt Nam qua biên giới Tây Nam giữa nước ta với Campuchia.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cho biết đường nhập lậu được xuất khẩu sang Việt Nam thông qua các hình thức cửu vạn mang vác hoặc tận dụng mùa nước nổi dùng ghe vận chuyển qua biên giới Tây Nam của Việt Nam vào địa phận của các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp. Lượng đường này được tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh biên giới Tây Nam. Trong suốt giai đoạn này, hoạt động nhập lậu đường có lúc tăng, lúc giảm do hoạt động kiểm soát của các lực lượng chức năng, nhưng xu hướng chung là tăng dần.
Cũng theo ISO, từ 2008 - 2019, mỗi năm, ước tính được lượng đường nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới với Campuchia từ 100.000 - 749.805 tấn, qua biên giới với Lào từ 120.000 - 268.503 tấn đường. Tính chung cả 2 nguồn đường xuất khẩu không rõ nguồn gốc của Campuchia và Lào, từ 2008 - 2019, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam hàng năm ước tính từ 100.000 - 890.661 tấn. Trong đó, 5 năm gần đây (2015 - 2019), lượng đường nhập lậu ước tính đã tăng đột biến lên mức từ 490.000 - 890.000 tấn/năm, tương đương với từ 30% đến trên 100% so với lượng đường sản xuất trong nước.
Ngoài 2 con đường nhập lậu chính qua biên giới đường bộ với Campuchia và Lào, gần đây còn xuất hiện thêm một “con đường nhập lậu mới” từ nguồn đường tạm nhập tái xuất ở các cảng, cửa khẩu. Đường nhập lậu đã đe dọa nghiêm trọng đến cung - cầu đường và sự tồn tại của ngành mía đường Việt Nam, cũng như gây thất thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Điều đáng lo ngại là nếu như trước năm 2015, phạm vi tiêu thụ đường nhập lậu tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung, miền Bắc, thì trong những năm gần đây, phạm vi tiêu thụ đường lậu đã mở rộng ra toàn quốc.
Từ 2015 - 2019, lượng đường nhập lậu ước tính đã tăng đột biến lên mức từ 490.000 - 890.000 tấn/năm, tương đương với từ 30% đến trên 100% so với lượng đường sản xuất trong nước (ảnh minh họa).
Xu hướng nhập lậu đường vẫn đang tăng không thể kiểm soát được dù Bộ Công An đã triệt phá 2 vụ án buôn lậu đường lớn là vụ bắt trùm buôn lậu Vi Ngươn Thạnh (Tỷ đường) năm 2015 và Vi Hoàng Minh (con trai của Vi Ngươn Thạnh) năm 2019.
Thông tin từ VSSA cho thấy, đầu năm nay, đường nhập lậu tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam bất chấp mức độ kiểm soát đường biên giới gia tăng để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Lượng đường nhập lậu từ các khu vực Lao Bảo (Quảng Trị), Bình Phước, Long An, An Giang, Đồng Tháp đã tràn về khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần của các nhà máy mía đường trong nước.
Xây dựng hệ thống truy xuất để ngăn đường nhập lậu
Theo VSSA, ngoài nỗ lực ngăn chặn đường nhập lậu từ các cơ quan chức năng, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc là một giải pháp rất quan trọng để ngăn đường nhập lậu. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, do chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc của các nhà máy mía đường, mỗi khi bắt được đường nhập lậu, các lực lượng chức năng phải lấy mẫu đem đi phân tích rất mất thời gian và cũng rất khó khăn trong việc xác định nguồn gốc.
Trong Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 14/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao VSSA và các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi buôn lậu đường.
Trên cơ sở đó, VSSA đã có công văn gửi các hội viên về việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm chống gian lận thương mại ngành mía đường Việt Nam. Theo đó, Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đường phải là một hệ thống chung quy mô quốc gia để có thể quản lý, đánh giá và nhận diện được các loại đường sản xuất và đóng gói trong nước cũng như đường nhập khẩu và xuất khẩu để có cơ sở nhận diện và mặt hàng đường nhập lậu và gian lận thương mại lưu hành trên thị trường.
Hệ thống cũng phải bảo đảm có sự tương thích và kết nối được với hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ NN-PTNT và cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia trong tương lai. Hệ thống cần giúp các cơ sở trong ngành đường (bao gồm doanh nghiệp sản xuất mía đường, cơ sở sang chiết đóng gói và các công ty thương mại cấp 1, cấp 2) thiết lập được hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của tiêu chuẩn ISO 22000:2018 và tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc cần có tính năng chống hàng giả 100% (bao gồm chống được việc làm giả tem chống hàng giả, chống lại sự làm giả từ chính nhà sản xuất hoặc cơ sở sang chiết đóng gói) bao gồm hệ thống cấp mã QR code chống giả cho từng sản phẩm đường kết hợp truy xuất cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng kiểm tra/ thanh tra trong vận chuyển, lưu thông. Hệ thống cũng bao gồm cung cấp tiện ích app kiểm tra hàng giả bằng smart phone trên nền tảng Android và IOS để có thể cho ngay kết quả kiểm tra hàng giả tại hiện trường…
End of content
Không có tin nào tiếp theo