Kinh tế số

Khó khăn lớn nhất khi tiếp cận công nghệ là phải chấp nhận thay đổi, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau

DNVN - Theo anh Nguyễn Ngọc Bính, Giám đốc công ty Go Asia Day Trip, khó khăn đối với doanh nghiệp khi tiếp cận đến công nghệ 4.0 là phải chấp nhận thay đổi, để tiếp thu và học hỏi những tiến bộ của công nghệ, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Nền tảng FPT.AI đoạt ngôi vô địch cuộc thi trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản / Nhà đầu tư Nhật Bản: Xây dựng Đà Nẵng trở thành như một Silicon Valley

Khởi nghiệp là một công ty du lịch kinh doanh hoàn toàn áp dụng công nghệ và kỹ thuật mới, công ty Go Asia Day Trip của anh Nguyễn Ngọc Bính sau 5 năm đã đạt được những thành công nhất định, và trong thời gian dịch bệnh, doanh nghiệp của anh đã có những bước chuyển mình để tồn tại và thích nghi với hình hình thực tế.

Doanh nhân trẻ Nguyễn Ngọc Bính đã trao đổi riêng với Doanh nghiệp Việt Nam về quá trình áp dụng công nghệ 4.0 thực tế trong kinh doanh du lịch.

Thưa anh, được biết công ty anh đã thành lập được 6 năm, anh khởi nghiệp với công ty du lịch từ khi còn khá trẻ nhưng anh đã lựa chọn hình thức phi truyền thống là bán hàng online, xây dựng website bán hàng chuyên nghiệp ngay từ đầu. Anh có thể cho biết lý do nào đưa anh tới quyết định này?

Anh Nguyễn Ngọc Bính: Tôi nghĩ đây không phải là quyết định táo bạo mà là cơ hội. Tại thời điểm tôi khởi nghiệp, mô hình bán tour du lịch online còn khá mới mẻ đối với các công ty du lịch ở Việt Nam. Trong khi đó khách hàng ở các quốc gia phát triển họ đã được tiếp cận với mô hình này từ lâu. Vì vậy đây là cơ hội tốt để đưa các chương trình tour của việt nam tiếp cận trực tiếp đến khách hàng lẻ mà không cần qua công ty trung gian, điều đó cũng giúp khách hàng tiết kiệm chi phí và được làm việc với nhà cung cấp địa phương.

Anh Nguyễn Ngọc Bính, Giám đốc công ty Go Asia Day Trip.

Anh Nguyễn Ngọc Bính, Giám đốc công ty Go Asia Day Trip.

Anh có thể chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi khi áp dụng mô hình online vào kinh doanh du lịch?

Hầu hết các công ty phát triển mô hình trực tuyến đều gặp khó khăn về vốn, và Go Asia Day Trip cũng không ngoại lệ. Bởi để tiếp cận và xây dựng nhận thức cho khách hàng thì cần nhiều vốn để quảng bá và tiếp thị trên các kênh truyền thông.

Khó khăn tiếp theo là cuộc chơi online là “chơi bài ngửa”. Khách thấy giá chấp nhận được với giá thành và dịch vụ thì đặt và thanh toán luôn, công ty gần như bị động trong việc bán hàng. Thay vì chủ động tư vấn cho khách hàng như mô hình gửi yêu cầu để được tư vấn theo cách truyền thống.

Anh có thể chia sẻ thêm về dự định thay đổi của anh và công ty trong bối cảnh trong và sau đại dịch Covid-19?

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề cho ngành du lịch đặc biệt là các công ty du lịch và khách sạn làm thị trường inbound và outbound. Trong kỳ đại dịch này công ty chúng tôi đang chuyển hướng sang làm thị trường nội địa, đây là thị trường rất tiềm năng bởi lượng dân số đông, dân số trẻ, mức thu nhập và nhu cầu du lịch của người dân Việt Nam ngày càng gia tăng. Các điểm thăm quan, khách sạn đều đồng loạt giảm giá do nguồn cung đang dư thừa so với nguồn cầu. Khách hàng cũng là người được lợi hơn. Vì vậy sẽ hứa hẹn thị trường nội địa sẽ sôi động hơn bao giờ hết trong thời gian sau dịch đợt 2.

Đánh giá của anh về xu hướng áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch và lữ hành hiện nay và xu hướng tương lai? Khó khăn và thách thức nào cho các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số, kinh doanh online là gì?

Xu hướng áp dụng công nghệ vào lĩnh vực du lịch sẽ có 2 hướng. Một là, hướng đến người tiêu dùng. Người đặt các dịch vụ du lịch trong tương lai sẽ được chủ động hơn trong việc tùy biến một chương trình tour du lịch theo sở thích của mình. Chi phí sẽ được công khai minh bạch giống như mô hình mà các công ty vận chuyển đã áp dụng công nghệ vào như Grab. Khách hàng chỉ đơn giản là chọn điểm khởi hành, điểm đến, số lượng người là ứng dụng có thể tính chi tiết, chi phí minh bạch từng khoản như: Vé thắng cảnh là bao nhiêu, phí vận chuyển bao nhiêu, vé máy bay và phòng khách sạn là bao nhiêu...

Hai là, công nghệ hướng đến doanh nghiệp lữ hành, là sự tích hợp của hệ thống dữ liệu dùng chung liên kết giữa các nhà cung cấp với nhau để sử dụng chung tài nguyên. Tương tự như marketplace nhưng ở một phiên bản cao hơn, không chỉ dừng lại ở việc hiển thị nhà cung cấp và giá các chặng hay giá phòng. Mà bao gồm danh sách khách sạn, giá bán, tình trạng phòng, danh sách vé các điểm đến, danh sách các hướng dẫn viên, giá do hướng dẫn viên tự đề ra, danh sách các tuyến đường, cước phí vận chuyển và nhà cung cấp. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí quản lý, vận hành và tính chính xác cao. Và người tiêu dùng sẽ được hưởng bởi chi phí là tối ưu. Những nhà điều hành tour du lịch chỉ cần lựa chọn và tính toán phương án tối ưu. Hệ thống sẽ xuất ra một chương trình chi tiết gồm đầy đủ giá, lịch trình, tính chính xác cao, thay vì con người làm sẽ có rủi ro lỗi đánh máy, cẩu thả...

Khó khăn đối với doanh nghiệp khi tiếp cận đến công nghệ là phải chấp nhận thay đổi, để tiếp thu và học hỏi những tiến bộ của công nghệ nếu không muốn bị bỏ lại.

Xin cảm ơn anh!

Minh Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm