Kinh tế số

Mua bán trực tuyến tăng nhiều tại các điểm có dịch Covid-19

DNVN - Với tình hình dịch bệnh Covid 19 đang xảy ra, các nguồn hàng nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, khẩu trang y tế và các nguồn hàng thiết yếu khác luôn cần thiết với người dân. Với nỗ lực bình ổn giá và kiểm soát thị trường, trước Tết, trong Tết không xảy ra khan hiếm hàng và bình ổn giá trên thị trường.

10 sự kiện tiêu biểu ngành Công Thương năm 2020 / Bộ Công Thương: Thị trường đầu năm bình ổn về giá

Theo Bộ Công Thương, tại Hà Nội toàn bộ hệ thống thương mại trên địa bàn đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với diễn biến mới. Việc kinh doanh trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh, 100% hệ thống phân phối và siêu thị trên địa bàn. Tại Hà Nội, các đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức các điểm bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh; các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng nhu yếu phẩm.

Cũng theo Bộ Công Thương, tại thành phố Hồ Chí Minh, tình hình mua sắm trên địa bàn thành phố không sôi động như các năm trước, người dân hiện nay hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người và chuyển sang hình thức mua sắm thực phẩm trực tuyến của các siêu thị và cửa hàng tiện lợi như Coop Mart, Bách hóa xanh,…

Trước tình hình dịch Covid -19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử được đề nghị tạm dừng. Ngoài ra các trung tâm tiệc cưới, phòng trà, sân khấu kịch, rạp chiếu phim, cơ sở kinh doanh thể thao cũng ngừng mở cửa. Các nghi lễ tôn giáo và hoạt động 20 người trở lên ở cơ sở thờ tự cần tạm ngừng cho đến khi có thông báo mới. Tại Trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế Quận 10, các điểm kinh doanh trên tuyến đường Nguyễn Giản Thanh, Tam Đảo, các nhà thuốc trên địa bàn quận 10 vẫn mở cửa bán các mặt hàng thuốc, khẩu trang y tế, trang thiết bị, vật tư y tế,... nhu cầu mua khẩu trang y tế vẫn ổn định, không có biến động, chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm găm hàng, bán nâng giá.

Tại Quảng Ninh, tình hình giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cơ bản không biến động, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Tình hình giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hảng giả trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không có điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chưa hoạt động.

Siêu thị luôn đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Tại tâm dịch là tỉnh Hải Dương, tình hình kinh doanh, dịch vụ hạn chế, các siêu thị lượng mua hàng giảm đi nhiều so với những ngày thường, một số cửa hàng hộ kinh doanh đã đóng cửa, một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn được bán tại các cửa hàng và trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng găm hàng và tăng giá đột biến. Mặt hàng thiết yếu vẫn cung ứng đủ cho thị trường, giá cả đa số không tăng so với trước thời điểm công bố dịch. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết lưu thông chậm do dịch bệnh, sức mua giảm.

Tình hình thị trường tính đến ngày 14/2/2021 vẫn bình ổn, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá các mặt hàng phòng chống dịch và mặt hàng phục vụ Tết, không có hiện tượng khan hiếm, giá cả ổn định như khi không có dịch.

Cũng theo Bộ Công Thương, tại một số địa phương khác như Điện Biên, Lai Châu và Sơn La nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas,... cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Thanh Loan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm