Kinh tế số

Mục tiêu 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện trên môi trường số

DNVN - Ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 810/QĐ-NHNN Phê duyệt "Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Ngân hàng BIDV lãi khủng trong quý 1/2021 tăng 88% / Techcombank trở thành ngân hàng có vốn hoá lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán

Ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 810/QĐ-NHNN Phê duyệt "Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ; phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng.

Kế hoạch này bao gồm chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng với người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chiến lược phát triển, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của từng cơ quan, tổ chức; công bố và tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành ngân hàng.

Theo chiến lược này, đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng Internet).

Chiến lược cũng đặt kỳ vọng tối thiểu 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động và tối thiểu 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 của chiến lược này sẽ có ít nhất 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước và đối với tổ chức tín dụng sẽ có ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng phải triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả. Lồng ghép nội dung về thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng trong phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động, vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số.

Đối với phát triển hạ tầng số, ngành ngân hàng phải hiện đại hóa hạ tầng thanh toán, nâng cao khả năng kết nối, liên thông; triển khai mở rộng hạ tầng kết nối, cung cấp thông tin; nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.

Toàn ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước làm nền tảng triển khai Chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm