Sau 4 năm thanh toán di động tăng trưởng hơn 1.000%
Sàn đầu tư chứng khoán Forex hoạt động trái luật / Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế có làm lộ bí mật cá nhân hay không?
Thông tin tại Họp báo Ngân hàng Nhà nước ngày 24/12/2020 cho biết, tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt tốc độ ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu. Đến cuối tháng 10 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).
Đặc biệt thanh toán qua điện thoại di động có mức tăng trưởng ngoạn mục. So cùng kỳ năm 2016, trong 10 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 83,67% về số lượng và 135,04% về giá trị; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet tăng 276,4% và 343%; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 1.037% và 972,5%.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được đẩy mạnh, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời. Đến nay, 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 98,6% trên tổng số thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) của cơ quan hải quan được thực hiện qua phương thức điện tử; doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%... Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển TTKDTM.
Năm 2020 chứng kiến nhiều tổ chức tín dụng chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/ học máy, Blockchain, eKYC,… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng; kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng công nghệ thông tin, khiến số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số của nhiều ngân hàng Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc.
Trao đổi tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, Covid-19 là cơ hội để thúc đẩy thanh toán điện tử, không chỉ các ngân hàng, trung gian thanh toán tăng tốc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, mà nhiều đơn vị không trong lĩnh vực ngân hàng cũng đẩy mạnh thanh toán điện tử. Chính điều này đã kích thích tăng trưởng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy kinh tế số.
Liên quan đến chính sách cho phép mở tài khoản ngân hàng cá nhân qua phương thức điện tử (eKYC) theo Thông tư 16 vừa được Ngân hàng Nhà nước ký ban hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, để đảm bảo an ninh bảo mật cho khách hàng Thông tư 16 đã có những quy định cụ thể với nhiều chính sách để bảo đảm an toàn kể từ khi mở tài khoản người làm thủ tục phải qua các bước xác thực, rồi thêm các quy chế của mỗi ngân hàng về hạn mức giao dịch hàng tháng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo