Tiểu thương chia sẻ nhau cách lách luật trốn thuế
Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế có làm lộ bí mật cá nhân hay không? / Từ ngày 5/12 ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán cho cơ quan thuế
Nghị định 126/2020 về quản lý thuế chính thức có hiệu lực ngày 5/12/2012 vừa qua. Theo đó, tại khoản 2 Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.
Trước thông tin này, giới tiểu thương, bán hàng online đã khuyên nhau những chiêu trò để có thể lách luật việc đóng thuế cho nhà nước. Thay vì nhận tiền của khách hàng vào một tài khoản như trước đây, nhiều chủ shop online cũng chuyển sang ưu tiên thu tiền mặt hoặc phân bổ tài khoản nhận tiền cho nhiều cá nhân khác nhau trong gia đình, tránh trường hợp dồn cả vào 1 tài khoản để đỡ bị cơ quan thuế để ý.
"Cũng chưa rõ là ngân hàng liên thông với cơ quan thuế thì có bị thu thuế kinh doanh online hay không, nhưng hiện mình ưu tiên ship COD (giao hàng trực tiếp và có các shipper thu hộ tiền), khách hàng yên tâm nhận hàng rồi mới thanh toán mà cũng đỡ lo bị thu thuế", chị L.A., bán hàng mỹ phẩm online bật mí.
Không những thế, những nội dung ghi đầy đủ thông tin chuyển khoản thông báo thanh toán tiền hàng như trước đây cũng được thay bằng việc khách hàng sẽ chỉ cần ghi các nội dung như “chuyển tiền”, “trả nợ”, “chuyển khoản” “cho, tặng em”… rồi chụp màn hình chuyển khoản qua chứ tuyệt nhiên không được nhắc đến các từ như “thanh toán” hay “hàng hóa”…
Khi Nghị định 126 có hiệu lực giới tiểu thương rủ nhau tung chiêu lách luật trốn thuế.
Theo quy định của pháp luật, công dân Việt Nam (cư trú tại Việt Nam) có hoạt động kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế và nếu doanh thu bán hàng hoá trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Hiện nay việc quản lý thuế, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, Nghị định 126 được xem là chế tài giúp cơ quan quản lý thuế có thể theo dõi các giao dịch ngân hàng, thông qua đó có cách quản lý thuế hiệu quả, ngăn chặn các hành vi trốn thuế.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết một nguyên tắc chấp hành thuế của các cá nhân, tổ chức là phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Theo đó, mọi trường hợp, nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế sẽ tìm ra dựa trên các "dấu vết" thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên thương mại điện tử.
"Nếu một cá nhân đã thanh toán, hồ sơ thanh toán vẫn lưu dấu vết, cơ quan thuế sẽ có biện pháp khác nhau để thu và sẽ thu được. Nếu anh là người giao dịch mạnh mẽ và giao dịch nhiều trên môi trường thương mại điện tử, anh không thể nào mãi ẩn danh được, rồi chúng tôi sẽ tìm ra", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo