Góc nhìn

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Giá điện làm méo mó cả nền kinh tế

Trước thông tin tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị Chính phủ tiếp tục cho tăng giá điện, ở mức hơn 1.533 đồng/kWh trong 2014, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng việc đó hợp lý nhưng cũng có vấn đề.

Về phía EVN, nếu làm sai thì phải sửa, chi phí chỗ nào không hợp lý thì phải giải trình. Chính phủ có trách nhiệm giám sát những cái EVN làm có đúng không, cũng là vai trò của các bộ ngành hữu quan.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào việc EVN lại xin tăng giá điện?

Ông Bùi Kiến Thành: Theo chủ trương của Chính phủ thì giá cả phải theo quy luật của thị trường, tất cả các mặt hàng có tính chất bao cấp trước đây bây giờ phải theo giá thị trường. EVN phải tính ra cấu thành của giá thành, trình bày cho rõ với các cơ quan chủ quản. 

Chênh lệch giá thành và giá thị trường, làm nên giá chuẩn. Điều quan trọng là như Chính phủ nói phải minh bạch, những thành phần cấu thành của giá điện. Nhà nước phải xem xét, EVN phải tiến đến giá thành thật sự, bởi giá điện của ViệtNam hiện nay rất thấp so với giá trong khu vực. Vì vậy nếu EVN điều chỉnh giá là phù hợp thôi.

PV: Ông thấy việc này là hợp lý và không có vấn đề gì?

Ông Bùi Kiến Thành: Nó hợp lý nhưng mà có vấn đề.

Hợp lý ở chỗ, với giá điện thấp, có những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, đem theo công nghệ tiêu hao điện, họ sản xuất và xuất khẩu ra ngoài, thậm chí cạnh tranh với chính sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.

Việc điều chỉnh giá điện (tăng) có thể làm mất thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong một thời gian nào đó, nhưng không thể tiếp tục dùng điện ở mức không phải giá thành thật sự của EVN.

Vì sao? EVN muốn xây nhà máy điện thì phải có tích lũy tiền vốn. Với báo cáo tài chính năm nào cũng lỗ, thì EVN khó đi vay. Với cả nền kinh tế thì ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.

Đáng chú ý, với vấn đề chính sách xã hội, Nhà nước cần làm rõ có bao nhiêu triệu người có thu nhập thấp, các hộ vùng sâu vùng xa thì bao thẳng cho các hộ đó, chứ đừng qua thang giá điện. Có những ông, những bà đi nhậu một buổi hết 50-70 triệu đồng mà vẫn được hưởng giá điện thấp với 50 số đầu. Như thế là làm sao, phải điều chỉnh lại.

PV: Vậy việc EVN tăng giá điện có vấn đề gì thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: Chính phủ cho phép EVN mỗi quý tăng giá không quá 5% mấy năm qua, vì giá ban đầu quá thấp. EVN phải giải trình vì sao tăng.

Nhưng vấn đề ở chỗ, tôi không nói riêng EVN, mà tất cả các sản phẩm phân phối cho nền kinh tế với tính chất độc quyền phải điều chỉnh lại giá cho hợp với tình trạng thật của thị trường. Các cơ quan chức năng phải giám định, kiểm tra giá của các tổ chức đó.

EVN hay Viettel, Vinaphone, Mobiphone, tất cả đều ở trong tình trạng chưa rõ giá thật là gì, lợi nhuận là bao nhiêu, chênh lệch bao nhiêu là hợp lý.

Liệu có phải EVN được nuông chiều, khi khó khăn thì đòi tăng giá, trong 2014 -2015, số nợ treo 16.000 tỷ đồng?

Cái đó thì dân chúng, dư luận có cảm nhận như thế, nhưng không khách quan. Báo chí cần yêu cầu các ông chủ tịch, thanh tra Nhà nước, đề nghị EVN giải trình, cho chúng tôi biết cấu thành giá ra sao, chứ nói theo dư luận thì nên thận trọng.

Về phía EVN, nếu làm sai thì phải sửa, chi phí chỗ nào không hợp lý thì phải giải trình. Chính phủ có trách nhiệm giám sát những cái EVN làm có đúng không, cũng là vai trò của các bộ ngành hữu quan. Chắc chắn cả chục năm nay rồi, chứ không phải giờ, từ những năm 80-90 đến nay, giá điện EVN không hợp lý, không đi sát giá thành của điện. Làm méo mó cả nền kinh tế Việt Nam. Từ chỗ giá điện như vậy thì nó ra giá thành cuối cùng của sản phẩm như vậy. Bây giờ điều chỉnh lại là nền kinh tế vướng vào thế khó.

PV: Trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, cần phải loại bỏ độc quyền, ông nhận định thế nào?

Ông Bùi Kiến Thành: Có những lĩnh vực đặc biệt không có anh thứ hai cạnh tranh, không thể chạy đường dây 500kv từ Bắc vào Nam được. Phải làm sao quản lý sử dụng vị thế độc quyền của tổ chức đó.

Với nền kinh tế, tất nhiên phải chống độc quyền, không để ai khống chế cả nền kinh tế bởi độc quyền của người ta. Ở Mỹ, có lúc có tập đoàn dầu lửa hay viễn thông chiếm đến 90% thị trường, Chính phủ đã phải tách ra làm nhiều công ty cạnh tranh với nhau.

Trong trường hợp như vậy, chúng ta phải đề nghị với Chính phủ, Quốc hội ra một luật chống độc quyền. Có các điều khoản chặt chẽ như thế nào là độc quyền, như thế nào anh biến từ công ty nhỏ thành công ty lớn, biến thành độc quyền. Phải chẻ nhỏ ra, để người tiêu dùng khỏi bị một anh độc quyền khống chế giá.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo SGTT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo