Chuyên gia Bùi Kiến Thành “hiến kế” làm đẹp bức tranh FDI
PV: Việc các DN FDI chiếm vai trò chủ đạo trong thành tích xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013 phản ánh thực tế gì, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Rõ ràng nó thể hiện một sự thật rất đáng lo ngại là doanh nghiệp (DN) Việt Nam không xuất khẩu nổi được 1/3 kim ngạch xuất khẩu trong khi đó, FDI là cái gì mà chiếm tới những 2/3. trong Khi cả đất nước có 90 triệu dân mà không làm được 1/3 đó thì đây chính là sự báo động lớn.
Thực tế đó cho thấy rằng DN VN đang chết, đang mất khả năng phát triển, không đi vào thị trường thế giới được. Còn vì sao thế thì phải nghiên cứu thật kỹ càng.
Vấn đề thứ 2, nên thận trọng với các con số, nói xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013 đạt tới hơn 133 tỷ USD nhưng riêng Samsung đã chiếm hơn 20 tỷ USD rồi. Sản xuất công nghiệp vẫn phụ thuộc rất lớn, với 90% là nguyên liệu nhập khẩu.
Còn các con số khác của FDI thực sự là tạm nhập tái xuất. May mặc, giày dép, linh kiện điện tử, giá trị gia tăng đều không có bao nhiêu. Cho nên dư luận nên tách ra, coi thử trong số 68% đóng góp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp của DN FDI thì bao nhiêu là nguyên liệu nhập vào, bao nhiêu là giá trị gia tăng thật của mình thì mới rõ.
Như vậy mới biết rõ được rằng mình đang phục vụ ai, có phải cho các quốc gia bán nguyên liệu cho mình là chính hay không, hay làm tôi mọi, xuất khẩu dùm cho họ. Các con số tổng quát không phản ánh rõ năng lực thật của xuất khẩu Việt Nam.
Chúng ta không thật sự có vai trò trên thị trường xuất khẩu. DN FDI đã có sẵn thị trường, có sản phẩm đáp ứng được thị trường đó, khi vào Việt Nam thì chỉ sản xuất và nhận sự ưu ái trong vấn đề thuế, lao động để phục vụ cho riêng họ chứ không phải vì cho thị trường trong nước.
DN Việt Nam thua thiệt vì thị trường chưa có, lãi suất lại cao, nếu cứ duy trì như vậy thì nước ngoài sẽ áp đảo trong dài hạn.
PV: Có ý kiến cho rằng DN Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt tín dụng cũng là yếu tố tạo ra sự thiếu công bằng giữa DN FDI và DN trong nước. Ông bình luận sao về điều này?
Ông Bùi Kiến Thành: Cái đó rõ ràng quá rồi. Nếu DN Nhật, Đài Loan…vào Việt Nam thì được miễn giảm thuế trong thời gian dài, được vay vốn từ ngân hàng trong nước với lãi suất chỉ 1-2%. Còn DN Việt Nam phải vay với lãi suất cao hơn mức công bố. Rõ ràng chúng ta bị yếu thế.
Nhà nước phải làm sao ổn định được vấn đề này trong trung và dài hạn để cho DN phát triển. Năm 2014 Nhà nước và DN phải ngồi lại với nhau để xem DN cần cái gì, Nhà nước phải làm gì để phục vụ DN, chứ không phải để “kẹp chết” DN, vì DN là động lực để phát triển kinh tế.
PV: Ông nhận định thế nào về FDI trong năm 2014 và những việc cần làm của Chính phủ Việt Nam?
Ông Bùi Kiến Thành: FDI trong 2014 thì số vốn đăng ký là 1 chuyện, còn đầu tư thật lại là chuyện khác. Mình không nên quan trọng quá vấn đề FDI. Với tôi, vấn đề đầu tư nước ngoài không phải là then chốt cho phát triển kinh tế.
Năm 2014 sẽ không phải làm như hiện nay. Khi FDI vào Việt Nam thì phải nghiên cứu từng dự án, xem những sản phẩm đó có ích lợi gì, tạo ra những lợi thế gì và gây hậu quả gì cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh hưởng của nó là tiêu cực hay tích cực với cộng đồng trong nước, sẽ giúp DN Việt Nam phát triển hay giống con tu hú đẩy hết các con chim ra khỏi ổ để độc quyền?...
Việc xem xét các đóng góp của dự án FDI cho hoạt động kinh tế cũng như mọi mặt của xã hội thì mình chưa làm được. Không cần phải kêu gọi đầu tư quá nhiều trong khi DN trong nước có khả năng làm được, không nên gạt DN Việt Nam ra để cho DN đầu tư nước ngoài ồ ạt vào làm.
Chúng ta cũng không nên ưu đãi DN FDI nhiều hơn DN trong nước, bởi như thế tự mình đã tạo ra thế mất cạnh tranh. DN FDI được sử dụng hàng nghìn ha đất trong khi DN VN không được có 100m2 đất để xây dựng nhà xưởng là thế nào?. Những việc này cần phải xem lại, không thể phân biệt đối xử một cách phi lý giữa DN trong nước với DN nước ngoài như vậy. Và trong nội bộ của chúng ta, sự phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước và DN dân doanh cũng phải xem xét lại.
Mình nên đặt vấn đề tổng quan hơn. Khối DN Việt Nam là con ruột của mình thì phải tạo điều kiện cho phát triển.
Tất cả những chuyện đó phải nghiên cứu chứ không phải nước ngoài họ nói có 1 tỷ USD đầu tư là mở cửa cho vào, đi hát karaoke, ăn nhậu rồi ký giấy cho nhau.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo