Chuyên gia Đức: Các doanh nghiệp phải được đối xử công bằng!
Theo TS. Benno Bunse, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI), một tổ chức tư vấn cấp liên bang, chúng ta không nên có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào giữa các doanh nghiệp.
Ở Việt Nam hiện nay, khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chiếm đến quá 2/3 số lượng nhưng lại đang không nhận được nhiều “ưu ái” như các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). DNTN ở Đức thì sao thưa ông?
Có nhiều sự khác nhau giữa Việt Nam và Đức về khía cạnh này. Sự can thiệp của Nhà nước rất mạnh mẽ vào nền kinh tế là thực sự có vấn đề. Tôi nghĩ ở Việt Nam người ta cũng nhận biết ra được chuyện đó.
Do vậy ở Việt Nam theo tôi biết cũng đã có những tranh luận về việc tái cơ cấu nền kinh tế và tái cấu trúc hệ thống DNNN rất mạnh mẽ.
Sau khi nước Đức thống nhất thì chúng tôi cũng có những kinh nghiệm tương tự như các bạn hiện nay. Các doanh nghiệp ở Đông Đức khi đó chủ yếu là DNNN, sau khi thống nhất các doanh nghiệp đó được cổ phần hóa và phải nói là quá trình đó rất nặng nề.
Qua những hệ quả đã từng diễn ra ở Đức thời điểm cổ phần hóa sau thống nhất, chúng ta có thể tư duy ra tình trạng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, tôi nghĩ, về mặt kinh tế thì các DNTN hoạt động hiệu quả hơn các DNNN. Kinh nghiệm ở Đức cho thấy, DNTN mà đặc biệt các doanh nghiệp ở tầm trung lưu hoạt động rất hiệu quả và thành công.
Vậy đối với khu vực DNTN, Chính phủ Đức đối với họ ra sao, có hỗ trợ gì đặc biệt không, thưa ông?
Kinh nghiệm phát triển của Đức cho thấy, các doanh nghiệp phải có nền tảng khung về mặt pháp lý an toàn và chắc chắn mới mong có thể phát triển mạnh mẽ được.
Do đó, theo tôi, nên tổ chức các cuộc đối thoại về luật pháp giữa 2 nước để tham khảo thêm về việc này. Một cuộc đối thoại tương tự cũng đã được tổ chức khi chúng tôi sang Việt Nam cách đây vài năm.
Đối với doanh nghiệp thì một điều hết sức quan trọng là họ phải có một hành lanh pháp lý vững chắc để hoạt động.
Doanh nghiệp tư nhân không nên bị đối xử bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp nhà nước. Phải có các điều kiện kinh doanh công bằng!
Theo kinh nghiệm của Đức, các DNNN khi đó, so với thị trường nó quá nặng nề và không đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Ngay cả ở Đông Đức khi tiến hành cổ phần hóa các DNNN, đó là một giai đoạn đầy khó khăn trong việc giải thể và phân nhỏ các doanh nghiệp này. Hệ quả là mất nhiều việc làm, có nhiều câu hỏi và khó khăn về vấn đề tài chính được đặt ra.
Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính… Với một tiền đề như vậy, theo ông liệu có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ hơn từ Đức sang Việt Nam trong thời gian tới không?
Tôi nghĩ đấy là một bước đi đúng đắn của Chính phủ Việt Nam. So với các nước đối tác trong liên minh ASEAN thì Việt Nam là một nơi khá hấp dẫn để đầu tư.
Tuy nhiên, việc nó có dẫn đến một làn sóng đầu tư mạnh mẽ hay không thì tôi không biết vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Các làn sóng đầu tư thì tôi nghĩ tương đối hiếm không chỉ với Việt Nam mà các nước khác cũng vậy. Bởi lẽ, trên bình diện toàn cầu, sự cạnh tranh trong môi trường đầu tư giữa các quốc gia là vô cùng lớn.
Tôi nghĩ Việt Nam đang trên con đường đúng đắn và chúng ta nên quan sát một mảng khác cũng liên quan nhiều đến đầu tư, đó là lĩnh vực bán lẻ.
Theo tôi biết thì việc lập ra một doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam thủ tục khá phức tạp. Có thể tư duy của Chính phủ Việt Nam chỉ muốn tập trung thu hút đầu tư vào nhà máy, sản xuất hơn là thu hút đầu tư vào một cửa hàng để bán hàng.
Thế nhưng, chúng ta không thể bỏ quên việc, trong hầu hết trường hợp sản xuất lại đi sau việc đầu tư vào bán hàng.
Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào bán hàng trước để xem sản phẩm của họ có thể tiêu thụ tốt tại thị trường đó không, sau đó họ mới đầu tư vào sản xuất.
Nghĩa là, bình thường các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào bán hàng trước, mối quan hệ này chúng ta không được quên trong quá trình thu hút đầu tư.
Một trong những điểm nghẽn nữa trong thu hút đầu tư là vấn đề thuế, phí có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Vấn đề này ở Đức thì sao, thưa ông?
Tôi nghĩ cấu trúc thuế ở Đức đơn giản hơn so với Việt Nam một chút. Chi phí thuế của chúng tôi chỉ nằm ở mức trung bình trong các nước công nghiệp.
Có nghĩa là hệ thống thu thuế của chúng tôi là tương đối cạnh tranh so với nhiều quốc gia, cũng không phức tạp hơn so với các quốc gia công nghiệp.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nhiều loại thuế, phí khác ở cấp độ tiểu bang và liên bang. Tôi nghĩ là doanh nghiệp có thể chấp nhận được với mức đấy.
Đức là một quốc gia khá thu hút và cạnh tranh ở khía cạnh vấn đề thuế phí trong hoạt động đầu tư và kinh doanh.
Có sự phân biệt nào giữa doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư ở Đức không, thưa ông, như việc nhận ưu đãi đầu tư chẳng hạn?
Các bạn hoàn toàn có thể yên tâm về điều này, ở Đức, các doanh nghiệp nước ngoài khi đến đầu tư kinh doanh thì sẽ được đối xử giống như doanh nghiệp Đức.
Chúng tôi không có bất kỳ sự phân biệt nào giữa doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp nước ngoài, đến từ Việt Nam hay quốc gia nào khác.
Đồng thời, chúng tôi cũng có nhiều công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tốt ở Đức. Đáng chú ý là ở Đức có nhiều tổ chức tư vấn chuyên nghiệp như GTAl chẳng hạn.
Có thể tìm hiểu tất cả các thông tin liên quan ở Đức ví dụ như, các ngành phát triển thế nào, ngành nào có nhiều tiềm năn, các liên kết kinh tế trong ngành.
Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ thông tin về các điều kiện pháp lý trong việc thành lập cơ sở hoạt động tại Đức, trong hoạt động kinh doanh….
Đặc biệt, chúng tôi có một sự hỗ trợ nhất định về mặt tài chính, tuy nhiên sự hỗ trợ này thì không được áp dụng trên phạm vi liên bang mà chỉ cụ thể ở từng tiểu bang. Ví dụ như hỗ trợ khi xin vay vốn, hỗ trợ tìm đất khi xây dựng nhà xưởng, các hỗ trợ về logistic, vận chuyển hàng hóa.
Mặt khác, có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa GTAl (tổ chức hỗ trợ liên bang) và các công ty hỗ trợ tiểu bang trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo