Góc nhìn

Chuyên gia kinh tế ADB nói về xử lý nợ xấu Việt Nam

Việc thành lập VAMC là một bước đi rất tích cực, song thành công của VAMC phụ thuộc vào việc cải thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý các tài sản bảo đảm, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ.

Trao đổi về vấn đề xử lý nợ xấu của Việt Nam trong thời gian qua, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, ông cảm thấy lo ngại trước tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng.

Ông đánh giá như thế nào về các chính sách xử lý nợ xấu của Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Dominic Mellor: Về tình hình nợ xấu của Việt Nam thời gian qua có một thực trạng chung đó là: các ngân hàng không đủ vốn, các chuẩn mực an toàn chưa đầy đủ. Các tổ chức tín dụng báo cáo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 4,5% trên tổng số cho vay trong 6 tháng đầu năm, so với 4,1% cuối năm 2012. Nhưng các nhà phân tích độc lập lại cho rằng con số này phải cao hơn ba đến bốn lần so với công bố. Nếu áp dụng các chuẩn mực kế toán và trích lập dự phòng quốc tế.

Trước thực trạng trên, vừa qua chính phủ đã thực hiện một số biện pháp để giải quyết một số vấn đề của hệ thống ngân hàng, tập trung chủ yếu vào vấn đề nợ xấu.

 

 Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Châu Á ADB

Cụ thể, vào tháng 5/2013, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt chương trình xử lý nợ xấu, trong đó có quyết định thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) với chức năng mua lại và sau đó bán nợ xấu. Và chính phủ Việt Nam cũng đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành vào hồi tháng 3, nhằm cải thiện sự phối kết hợp giữa các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương trong việc thực hiện chương trình tái cơ cấu ngân hàng. SBV đang xúc tiến tái cơ cấu một số ngân hàng nhỏ và yếu kém.

Theo ông việc thành lập VAMC có giải quyết được vấn đề nợ xấu?

Ông Dominic Mellor: Chúng tôi đánh giá cao những bước đi tích cực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng, đặc biệt là việc thành lập VAMC. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, thành công của VAMC còn phụ thuộc vào các quy định luật pháp để xử lý các tài sản bảo đảm, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ. Đặc biệt, nếu thực hiện được các chuẩn mực mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng thì có thể giảm bớt được rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư.

Việc thành lập VMAC đã có tác dụng gì đối với nền kinh tế chưa, thưa ông?

Ông Dominic Mellor: Nói về tác dụng đối với nền kinh tế thì chưa nhiều. Mặc dù lãi suất chính sách đã giảm, song tăng trưởng tín dụng vẫn bị hạn chế bởi các bản cân đối tài sản yếu kém của các ngân hàng thương mại, những mối quan ngại về tình hình tài chính của người vay, thị trường bất động sản vẫn èo uột và cầu tín dụng thấp. Nếu đạt được mục tiêu đặt ra trong xử lý nợ xấu sẽ cho phép tiếp tục hạ thấp lãi suất và tăng thêm nguồn vốn cho khu vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

 

 Ảnh minh họa.

Nếu việc xử lý nợ xấu được cải thiện thì sẽ phục hồi được lòng tin của doanh nghiệp. Khi đó, các biện pháp kích thích chính sách, bao gồm việc cắt giảm lãi suất trong năm nay sẽ tạo động lực cải thiện hoạt động tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Theo ông tình hình xử lý nợ xấu của Việt Nam trong thời gian sắp tới sẽ như thế nào?

Ông Dominic Mellor: Theo tôi, vấn đề củng cố hệ thống ngân hàng trong thời gian tới sẽ không ổn định. Mức độ cấp vốn cho VAMC chắc hẳn sẽ không đủ để xử lý một lượng nợ xấu khổng lồ. Hiện nay vẫn chưa rõ liệu chính phủ có bổ sung thêm vốn cho công ty quản lý tài sản, hay tái vốn hóa cho các ngân hàng thương mại quốc doanh hay không. Thành công của chương trình xử lý nợ xấu còn phụ thuộc vào việc tăng cường khuôn khổ pháp luật về phá sản và thiết lập cơ chế định giá và đấu giá nợ xấu.

Nhận định của ông về tình hình tăng trưởng kinh tế đầu năm 2014?

Ông Dominic Mellor: Tăng trưởng được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2014. Nếu việc xử lý nợ xấu tiến triển tốt sẽ cải thiện lòng tin của doanh nghiệp. Khi đó các biện pháp kích thích chính sách, bao gồm việc hạ thấp lãi suất trong năm nay sẽ tạo đà cho tăng trưởng. Một số biện pháp kích thích tài khóa cũng sẽ được áp dụng. Bộ Tài Chính dự kiến sẽ nâng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách lên 5% GDP trong năm sau, trong bối cảnh giảm nguồn thu. Cuối cùng tình hình thương mại toàn cầu dự báo cũng sẽ cải thiện phần nào trong năm tới.

Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo