Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Hãy giàu trước khi già”
Buổi Hội thảo với chủ đề “Thanh niên với lập thân, lập nghiệp” diễn ra vào ngày 22/10 thu hút đông đảo ý kiến đóng góp của đội ngũ đoàn viên thanh niên. Trong phần trao đổi, bà Phạm Chi Lan đã có lời khuyên chân thành tới những người trẻ. Nhận định về tình hình chung trong điều kiện hiện nay, bà Chi Lan cho rằng kinh tế nước ta vẫn còn khó khăn, khó nói là đã thoát đáy.
Ngay từ đầu năm, Thủ tướng liên tục đề ra chính sách cải thiện, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Năm nay ổn định kinh tế, lạm phát ở vào ngưỡng 6%, nhưng ngay cả lạm phát thấp cũng cảnh báo rằng kinh tế đang trì trệ, đơn giản là giá cao thì không thể bán được hàng. Bấy lâu nay cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên cơ sở giá rẻ nhưng vẫn phải hạ hơn nữa. Lạm phát thấp về mặt vĩ mô nhưng cũng phản ánh sự khó khăn nhất định.
Số doanh nghiệp phá sản tiếp tục tăng lên thể hiện rất rõ những khó khăn đó. 9 tháng đầu năm ghi nhận 48.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 12% so với cùng kỳ. Nếu vẫn với nhịp độ này, tính chung trong năm 2014, sẽ có hơn 60.000.tuyên bố ngừng hoạt động. Nếu cộng trong vòng bốn năm gần đây thì con số đó lên tới 200.000 doanh nghiệp, chiếm 1/3 số doanh nghiệp Việt.
“Tất nhiên cái chết của doanh nghiệp không giống như cái chết của con người, bởi từ đây có thể nảy ra nhiều doanh nghiệp khác. Số doanh nghiệp đăng ký mới vẫn tăng lên cũng là tín hiệu vui cho nền kinh tế”, vị chuyên gia này nhận định.
Trong bức tranh chung như vậy thì Chính phủ đã và đang làm gì? Thông điệp đầu năm của Thủ tướng được cho rằng quyết liệt, mạch lạc và đầy cương quyết, trong đó cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Ngày 18/3, Nghị quyết 19 được Thủ tướng ký duyệt đã đưa ra một loạt biện pháp mà tập trung mạnh vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, giảm số giờ nộp thuế, thủ tục hải quan, đăng ký kinh doanh, những vấn đề thời gian qua đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Lấy dẫn chứng cụ thể về thời gian nộp thuế, vị này cho biết mỗi doanh nghiệp phải tiêu tốn tới 872giờ/năm là vượt quá sức tưởng tượng. "Trong khi các nước Asean tiên tiến chỉ mất 171giờ/năm nhưng Việt Nam lên tới hơn 800 giờ là rất nghiêm trọng. Bằng mọi biện pháp, Bộ Tài chính đang phải nỗ lực để giảm về mức 171giờ/năm trong năm 2015 nhưng năm nay cũng sẽ giảm chỉ còn hơn 200 giờ”, bà Chi Lan bày tỏ.
Những tồn tại tương tự trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội cũng đang là một nghịch lý lớn, gây nhức nhối trong xã hội. Một mặt hạn chế nữa, theo bà Chi Lan đó là công nghệ. Doanh nghiệp Việt kém cạnh tranh so với các nước khu vực là do công nghệ lạc hậu, sản phẩm không có chất lượng cao, tiêu tốn rất nhiều tài nguyên.
Vấn đề đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cần được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là điều Chính phủ mong muốn nhất, khi doanh nghiệp thúc đẩy năng lực công nghê, đổi mới ngay trong doanh nghiệp mình, nâng cao chất lượng sản phẩm thì cũng góp phần tiết kiệm nguyên liệu đầu vào. Hơn nữa còn tạo ra làn sóng khởi nghiệp cho người trẻ Việt Nam.
Nói về nguồn nhân lực Việt, bà Chi Lan cho rằng con số 162.000 cử nhân thất nghiệp thực sự gây chấn động, trong khi chúng ta luôn kêu ca rằng thiếu nhân lực chất lượng cao. Còn một số có việc làm nhưng có đúng ngành nghề được đào tạo hay không lại là việc hoàn toàn khác.
Vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng những người trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp cần mở rộng tầm nhìn.
“Khởi nghiệp, xin các bạn trẻ cố gắng đi vào những kỹ năng quản trị, biết được thị trường, công việc của mình tốt hơn. Đừng vì cho có việc mà làm đại một công việc không hề liên quan với khả năng của mình. Xã hội hiện nay, còn tồn tại một tiền lệ mất tiền mới xin được việc, có gia đình sẵn sàng chi hàng trăm triệu để chạy cho con em mình vào làm ở một nơi nào đó. Tư duy này nên bỏ, số tiền đó thay vì xin việc thì đầu tư cho một công việc khác, vừa làm vừa trải nghiệm sẽ thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích hơn”,
Đi sâu vào câu chuyện này, bà cho rằng, với số tiền bỏ ra để xin việc lớn như vậy, mà lương lại thấp thì mỗi người lại nảy sinh suy nghĩ làm thế nào để thu hồi vốn đầu tư, và như vậy tự biến mình thành kẻ tham nhũng. Chưa biết cống hiến cho xã hội bao nhiêu nhưng đã góp phần đẩy tình trạng tham nhũng tăng lên.
Mốc gần nhất mà người trẻ nên quan tâm là năm 2015 Cộng đồng kinh tế Asean chính thức được thành lập, tạo ra sự háo hức xen lẫn lo lắng trong tương lai. Cơ chế lần này khác với AFTA, hội nhập sẽ toàn diện hơn, giảm thuế cho tất cả hàng hóa trong Asean, cũng như dỡ bỏ hàng rào thủ tục hải quan …Dịch vụ là mảng mà địa bàn như Hà Nội nên nghĩ tới phát triển hơn là sản xuất vật chất bởi đây là mảng có rất nhiều cơ hội lớn.
Việc tự do di chuyển nguồn vốn, lao động có kỹ năng đặt ra 2 khả năng với người trẻ. Một là có cơ hội xin việc ở các nước Asean khác, tuy nhiên ở khía cạnh thứ hai, nếu nhân lực Việt không đủ kỹ năng thì những lao động tay nghề cao từ Thái Lan, Malaysia…sẽ vào thay thế, nắm giữ các vị trí quản trị, điều hành. “Rồi đến một ngày chúng ta lại làm thuê cho họ ngay tại đất nước mình. Và nếu không nắm bắt kịp thời thì con số 162.000 cử nhân không có việc làm có thể còn tăng cao lên nữa”, bà Chi Lan cảnh báo.
Theo quan sát của vị chuyên gia cao cấp này, 2 năm nay gần đây chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp Thái Lan, Singapore. Mới đây nhất, việc một công ty Thái Lan mua đứt hệ thống Metro tiềm ẩn nguy cơ 90% sản phẩm Thái Lan sẽ chiếm lĩnh.
“Tất cả không còn quá xa, chỉ một năm nữa thôi mọi thứ sẽ ập vào, hiện tại đang gõ cửa, thậm chí tiến vào sân, vận hành ở đất nước mình. Từng doanh nghiệp, từng người trẻ phải cùng chia sẻ, đừng nghĩ đó là việc của riêng Chính phủ. Mỗi cá nhân làm tốt tạo sự thay đổi, nâng sức cạnh tranh để nắm bắt cơ hội mới trong tương lai. Nếu tới năm 2016 mà mọi sự không thay đổi thì cơ hội đổi đời sẽ rất khó khăn”, bà Chi Lan nói.
Thông tin về Dự án “Việt Nam năm 2035” cũng được bà chia sẻ tại buổi hội thảo. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ đề xuất với Chủ tịch Ngân hàng thế giới cách đây ít tháng. Là thành viên trong nhóm nghiên cứu, tìm kiếm dữ liệu, so sánh và lập đề cương sơ bộ, bà cho biết quá trình này đã đưa ra rất nhiều điều thú vị. Vì là dự án dành cho giới trẻ, nên bà cũng mong Chính phủ thành lập một kênh thứ 3, tham vấn, thu nhận ý kiến, ý tưởng của đội ngũ doanh nghiệp, thanh niên, bởi 20 năm nữa, đây chính là lực lượng làm chủ đất nước.
Nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, với những bước đi như hiện nay thì tới năm 2058 Việt Nam sẽ thoát khỏi mức thu nhập trung bình và giàu có. Nguồn nhân lực Việt Nam đang ở trong giai đoạn vàng, nếu đợi tới thời điểm đó thì tất cả đã già.
“Chúng ta chưa mong muốn 20 năm nữa Việt Nam sẽ hóa rồng, kể cả với mức tăng trưởng đều đặn 9%/năm thì điều đó cũng chưa thể thành hiện thực được. Nhưng ít nhất cũng dần phải tiếp cận mức thu nhập trung bình. Các bạn không cần đợi tới năm 2058 mà ngay từ giờ mỗi người nên nghĩ phải làm sao giàu trước khi già. Đừng để già rồi mới giàu”, bà Chi Lan nhắn nhủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo