Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyên người trẻ ‘tiết chế lòng tham’
Nói chuyện với gần một ngàn sinh viên và những doanh nhân trẻ, bà Phạm Chi Lan đưa lời khuyên cần “tiết chế lòng tham, kiên trì, cố gắng và nhẫn nại” khi bắt đầu khởi nghiệp.
Vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng những người trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp cần mở rộng tầm nhìn.
Nói chuyện với gần một ngàn sinh viên và những doanh nhân trẻ, bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam) đưa lời khuyên cần “tiết chế lòng tham, kiên trì, cố gắng và nhẫn nại” khi bắt đầu khởi nghiệp.
Buổi tọa đàm diễn ra cuối tuần trước về chủ đề khởi nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan, TS Lê Đăng Doanh, TS Trần Đình Thiên, TS Lê Xuân Nghĩa.
Trong phần trao đổi, bà Phạm Chi Lan đã có lời khuyên chân thành tới những người trẻ.
“Tôi mong các bạn nghĩ rộng hơn và xa hơn so với cách làm việc mang màu sắc chụp giật. Thất bại của hàng loạt doanh nghiệp vừa qua phần lớn do chộp giật, nghĩ ngắn hạn. Bản thân cách làm ăn như vậy đầy rủi ro. Khi không tiết chế được lòng tham, ham chạy theo phong trào, thì cứ nghĩ mình làm được tương tự. Như vậy mình chết ngay lập tức” – bà Phạm Chi Lan đưa lời khuyên.
Theo bà Lan: “Các bạn phải thay đổi. Có thể có cơ hội, có cha mẹ người quen làm vị trí này cái khác nhưng nếu dám mạnh dạn từ chối và nghĩ đến đường dài thì chấp nhận không nhận lợi ích ngắn hạn. Hãy tìm cơ hội dành riêng cho mình, như thế sẽ thấy chân trời rộng hơn nhiều và còn nhiều dư địa làm.
“Như ngành dệt may, muốn kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 có thể đạt 50 tỉ USD thì không thể chỉ dựa vào người đạp máy khâu, mà có người làm sợi chỉ, phụ kiện liên quan, thêu ren. Các bạn có thể chỉ cần làm 1 khâu, như chỉ tốt cung cấp nhà máy may, có liên kết bền thì thành công rồi. Đừng nghĩ ảo vọng, thật to, thật hoành tráng. Bắt đầu chỉ nên từ nhỏ, như vậy mới vững chắc hơn là đi bước nhảy vọt hơn sức mình” – bà Lan ví von.
Vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng những người trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp cần mở rộng tầm nhìn.
Theo bà không phải khởi đầu ở Việt Nam mới là đóng góp cho nền kinh tế nước nhà. Bạn có thể lập nghiệp ở một nước nào đó cũng đã là đóng góp cho kinh tế nước mình.
Vốn không chỉ là tiền, là đất đai mà quan trọng nhất là con người. Ý chí kinh doanh, sáng kiến, ý tưởng tốt là vốn liếng đầu tiên. Bạn có thể tạo thêm vốn con người bằng cách tìm người cùng cộng tác, làm họ cũng hào hứng, cộng sức với nhau thì sẽ thành công được.
“Hiện nay, hợp lí nhất là trông chờ vào sức mình. Phải kiên trì, cố gắng, nhẫn nại” - bà Phạm Chi Lan khẳng định.
Ngoài ra, công nghệ, ý thức sáng tạo cũng đóng vai trò quan trọng. Các bạn không nhất thiết sáng tạo ra một loại công nghệ mới. Nhiều công nghệ đã được sáng tạo, nhưng từ công nghệ biến thành sản phẩm chưa chắc họ đã làm được. Nếu biến những công nghệ đó thành sản phẩm của mình thì có thể đi lên được, cải thiện cho sản phẩm ngày càng tốt lên. Vốn công nghệ, sáng tạo là vốn vô cùng quan trọng dù nhiều khi nó là vô hình.
Mặt khác, vốn xã hội cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp khi phát triển cần quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Như vậy có thể có chỗ lui lại, ẩn lại khi gặp khó khăn.
“Hãy nhìn rộng ra để thấy có nhiều con đường để phát triển lên” – bà Lan nhắn nhủ đến cộng đồng doanh nhân trẻ cùng hàng trăm sinh viên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo