Chuyên gia kinh tế: Thay vì né tránh, cứ cho ngân hàng phá sản
Việt Nam hoàn toàn có thể cho ngân hàng yếu kém phá sản mà không tạo ra cú sốc, hay đổ vỡ dây chuyền nào trong hệ thống ngân hàng.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng nên có cơ chế để ngân hàng yếu kém phá sản thay vì né tránh bằng các giải pháp kiểu mua bán, sáp nhập như hiện nay.
“Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc cho phá sản các ngân hàng không phải là việc gì quá to tát, không hề tạo ra cú số, hay đổ vỡ dây chuyền nào như chúng ta vẫn lo ngại”, ông Tuấn nói.
Mạnh dạn cho ngân hàng phá sản
- Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, hầu hết các chuyên gia đều đánh giá việc tái cơ cấu ngân hàng còn rất chậm chạp, nhất là việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém chưa đem lại kết quả như kỳ vọng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Việc giảm số lượng các ngân hàng thương mại xuống là một chỉ tiêu định lượng để chúng ta thấy rằng đã giảm được bao nhiêu, cải cách được bao nhiêu ngân hàng nhưng nó không phải là biện pháp để nâng cao chất lượng và năng lực của hệ thống ngân hàng của chúng ta lên.
Hiện nay việc cắt giảm ngân hàng trên tinh thần sáp nhập, hợp nhất thay vì cho các ngân hàng yếu kém phá sản thì nó không chắc tạo ra cái giá trị cộng hưởng.
Thực ra, việc gom hai ngân hàng có vốn 3.000 tỷ đồng với nhau thành một ngân hàng 6.000 tỷ đồng điều đó không đồng nghĩa với việc một ngân hàng 6.000 tỷ đồng mạnh hơn ngân hàng 3.000 tỷ đồng kia. Chúng ta đừng nhầm lẫn điều đó.
Mục đích việc hợp nhất, sáp nhập ngân hàng nó phải hình thành lên giá trị cộng hưởng. Nhưng quá trình hợp nhất của 9 ngân hàng yếu kém của chúng ta thời gian qua chưa thực sự tạo ra giá trị cộng hưởng, nếu không muốn nói rằng giá trị cộng hưởng đó đang âm.
Việc sáp nhập cơ học như vậy không giải quyết được vấn đề, mặc dù nó có thể làm giảm số lượng các ngân hàng xuống theo đúng tinh thần đề án 254 về tái cấu trúc mà Ngân hàng Nhà nước có thể có cơ sở để báo cáo về tiến độ giảm số lượng ngân hàng xuống. Nhưng nó không phải là yếu tố để xem xét đề án tái cấu trúc ngân hàng thành công hay không.
- Vậy theo ông, trong thời gian tới, ngành ngân hàng cần phải chú trọng vấn đề gì để nâng cao chất lượng ngân hàng sau tái cơ cấu?
Có rất nhiều giải pháp cần thực hiện, nhưng tôi nghĩ trước mắt có một số cái khía cạnh chính mà chúng ta cần lưu ý.
Thứ nhất, chúng ta cần đẩy nhanh hơn tiến độ xử lý nợ để nhanh chóng phục hồi chất lượng tài sản của ngân hàng cũng như sự phục hồi về vốn tự có của các ngân hàng.
Thứ hai là tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém, chúng ta cần thay đổi về tư duy.
Hiện nay chúng ta đã “bật đèn xanh” cho khả năng phá sản của một ngân hàng, thay vì trước đây ta cứ nói không để cho ngân hàng nào phá sản. Cái này cũng là một tín hiệu rất tích cực. Điều đó nó có thể tháo gỡ những nút thắt hiện nay trong việc xóa bỏ các ngân hàng yếu kém.
Hiện nay chính các ngân hàng yếu kém là nút thắt, đang lấy đi nguồn lực của các ngân hàng khác, nhưng anh lại không thể chết được để dành nguồn lực đó cho các ngân hàng khác mạnh hơn để có thể tăng trưởng. Vậy rõ ràng chúng ta cần mạnh mẽ hơn trong việc xử lý các NH yếu kém đó trên tinh thần cho phép giải thể, phá sản.
Thứ ba, là khuôn khổ giám sát của chúng ta hiện nay cần thay đổi một cách mạnh mẽ và căn bản hơn nữa. Cái hệ thống giám sát của chúng ta hiện nay theo Thông tư 13, thông tư 19, thông tư 22 nó đã quá bất cập so với cái tiêu chuẩn giám sát hệ thống ngân hàng trên thế giới. Trong khi thế giới đang chuyển từ áp dụng basell 2 sang basell 3 thì chúng ta, ở thông tư 13 vẫn trên tinh thần của basell 1, có hơi hướng basell2 mà thôi. Chúng ta phải thay đổi mô thức giám sát thì mới xử lý được.
Thứ tư, chúng ta phải quyết liệt hơn trong xử lý vấn đề sở hữu chéo. Nói quá nhiều nhưng việc xử lý ngân hàng yếu kém của chúng ta vừa qua vô tình đã làm cho tình trạng sở hữu chéo trở lên trầm trọng hơn, hay nói cách khác là chúng ta đang dùng chính sở hữu chéo để xử lý các yếu kém của ngân hàng và nó làm cho vấn đề sở hữu chéo trầm trọng hơn so với trước đây. Hình dạng sở hữu chéo còn khó nhận dạng hơn, khó phát hiện hơn so với trước đây.
- Ông vừa đề cập đến việc để cho ngân hàng yếu kém phá sản, theo ông, liệu hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đã đủ sức để chịu một cú sốc nếu có một ngân hàng phá sản thời điểm này?
Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, để phá sản một ngân hàng, chúng ta hoàn toàn dàn xếp được một cách rất yên ổn, không đến nỗi tạo ra một cú sốc như tình trạng đổ vỡ các tổ chức tín dụng hợp tác xã cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Ví dụ, đêm trước khi tuyên bố giải thể, chuyển toàn bộ quyền, nghĩa vụ của ngân hàng đó sang một ngân hàng thương mại nhà nước. Những người gửi tiền, những con nợ ở đó sẽ chuyển hết sang một ngân hàng thương mại nhà nước, như vậy hoàn toàn có thể yên tâm. Chắc chắn sẽ không có cú sốc nào hết.
Luật chồng chéo khó xử lý sở hữu chéo
- Có một thực tế là hiện nay tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng đang là trở ngại chính trong việc cho phá sản, giải thể các ngân hàng. Theo ông có giải pháp nào để dung hòa 2 vấn đề này?
Nhóm nghiên cứu Fullbright của chúng tôi từng đưa ra hàng loạt giải pháp gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong đó chúng tôi có một loạt các đề xuất, giải pháp để một phần là xóa bỏ, một phần là giảm sở hữu chéo.
Chúng tôi không theo đuổi mục tiêu là xóa bỏ hoàn toàn sở hữu chéo, bởi vì trong chừng mực nào đó thì sở hữu chéo nó vẫn có lợi, ví dụ như tình trạng sở hữu chéo ở Nhật Bản vào thập niên 50 – 60, thì nó đã giúp cho Nhật bản thành công về chính sách Công nghiệp hóa, hay tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng của Đức thì nó cũng không hề mang đến rủi ro nào cho hệ thống ngân hàng của họ….
Tuy nhiên ở Việt Nam, hầu hết các sở hữu chéo đều gây nguy hại cho hệ thống tài chính này, không hề mang lại lợi ích nào cho hệ thống tài chính, cũng như chính sách công nghiệp hóa mà chúng ta đang theo đuổi. Tuy nhiên xóa bỏ sở hữu chéo cũng đang có rất nhiêu trở ngại.
Một trong những trở ngại lớn trong đó là vấn đề lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm bản thân nó không xấu, vấn đề là cái lợi ích nhóm đó nó có đi ngược lại với lợi ích của quảng đại người dân hay không thôi.
Vấn đề là xử lý sở hữu chéo, xử lý những yếu kém của ngân hàng Việt Nam thì cần phải xử lý vấn đề lợi ích nhóm. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá nhạy cảm.
- Ông có thể đưa ra giải pháp xử lý vấn đề này mà chương trình nghiên cứu của Fullbright cho là hữu hiệu nhất?
Chúng ta thấy rằng hiện nay vấn đề sở hữu chồng chéo có một nguyên nhân từ cái thiết kế luật của chúng ta không chặt chẽ.
Ví dụ như chúng ta quy định 1 cá nhân không được xử lý quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng. 5% của một ngân hàng là con số quá lớn. Thứ 2, trong Luật về công bố thông tin đối với một công ty đại chúng, chúng ta nói rằng, những người sở hữu từ 5% trở lên thì mới phải công bố thông tin. Trong Luật các Tổ chức tín dụng chúng ta nói rằng, một cá nhân không được sở hữu quá 5%. Vậy gộp chung 2 luật này lại, nó thành ra một điều, cá nhân không cần công bố thông tin.
Hiện nay chúng ta thấy nhiều cá nhân lách quy định sở hữu 5% đó bằng cách chỉ sở hữu 4.99%. Như vậy họ đã lách được quy định, họ không sở hữu quá quy định, không phải công bố thông tin. Như vậy nó bỏ sót được rất nhiều các đối tượng không phải công bố thông tin, chính điều đó nó làm cho bức tranh về sở hữu chéo, hay cái nhận diện cuối cùng ấy không rõ ràng, không biết ai là người sở hữu cuối cùng cái ngân hàng đó. Chúng ta không xử lý được.
Khi các ngân rơi vào tình trạng nợ xấu trầm trọng, chúng ta phải bơm vốn vào thì nó chịu sự chống đối rất nhiều của nhóm cổ đông cũ, nhưng nền tảng pháp lý và các luật, chế tài của ta quá kém nên dẫn đến tình trạng không thể xử lý được những cổ đông khi họ mất vốn như vậy.
Trở ngại chính là ở chỗ đó. Nếu ta gỡ được mối trở ngại này, thì chúng ta có thể đẩy nhanh phần nào tiến độ về tình trạng sở hữu chéo.
Theo VTC News
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo