Chuyên gia Úc: Hành động phi pháp đã tố cáo bộ mặt thật của Trung Quốc
Chiều ngày 29/5 tại Hà Nội, tiến sỹ Sally Percival Wood - chuyên gia nghiên cứu về ASEAN thuộc Đại học Deakin (Úc) - đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Ngày hôm nay, 30/5, bà sẽ tham dự hội thảo “Quan hệ ASEAN- Úc" đo Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức, với tư cách là diễn giả chính.
Tiến sỹ Sally Percival Wood trả lời phỏng vấn báo chí chiều 29/5
Bà có bình luận gì về việc Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 trái phép và điều tàu xâm phạm vào vùng biển Việt Nam?
Trong khi Trung Quốc luôn nói đề cao mối quan hệ và cư xử hài hòa, yêu chuộng hòa bình, thì những hành động của họ lại tố bộ mặt thật của họ. Rõ ràng rằng, họ “nói một đằng, làm một nẻo”. Chính điều này đã làm mất uy tín của Bắc Kinh với cộng đồng quốc tế.
Những hành động ngang ngược, khiêu khích của Trung Quốc đã đặt ra những thử thách đối với Việt Nam, đe dọa đến an ninh của Việt Nam. Tốt hơn hết, Trung Quốc nên có những hành động phù hợp với khuôn khổ của luật pháp quốc tế cũng như cam kết của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC).
Việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam vào ngày 26/5 vừa qua thực sự là hành động ngang ngược, khiêu khích và nguy hiểm đối với Việt Nam.
Vậy theo bà, Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không và nếu có thì nên kiện theo hình thức nào?
Tôi cho rằng đó là một giải pháp tốt nhất lúc này, nhưng Trung Quốc có tham gia vào vụ kiện này không, đó là một câu hỏi lớn. Thực sự tôi không thể đưa ra ý kiến của mình cho câu hỏi này. Kinh tế Việt Nam thực tế đang còn phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc, nên tôi chưa thể nói gì thêm. Theo tôi, thời điểm này, Việt Nam hãy tận dụng hết các biện pháp ngoại giao và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để giải quyết căng thẳng.
Theo bà, liệu Việt Nam có thể dựa vào ASEAN để chống lại những hành động sai trái, ngang ngược của Trung Quốc?
Tôi cho rằng, các nước ASEAN hiện nay cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ của họ, chẳng hạn như Thái Lan đang gặp phải vấn đề chính trị phức tạp. Theo tôi, các nước trong ASEAN có liên quan đến vấn đề Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia phải ngồi riêng với nhau để thảo luận, phối hợp trong việc đối phó với hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, hơn là họp chung tất cả các nước trong khối ASEAN.
Các nước ASEAN và Trung Quốc cần phải nhanh chóng đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vì hòa bình, ổn định, tự do thương mại và vận tải trên Biển Đông.
Úc là một trong những đối tác đối thoại của ASEAN, nhưng cũng là nước có lợi ích trong mối quan hệ với Trung Quốc. Vậy vai trò của Úc như thế nào trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến Biển Đông trong khu vực ASEAN?
Cho đến nay, chính phủ Úc chỉ mới có thái độ trung lập trong những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và chưa có tuyên bố thực sự mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Úc rất quan ngại về những hành động làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông hiện nay, bởi chúng tôi có lợi ích ở khu vực này, 60% hàng hóa của Úc lưu thông hàng hải ở vùng biển này nên chắc chắn Úc sẽ không phớt lờ vấn đề này.
Quan điểm của Úc là không can thiệp vào lãnh thổ công việc nội bộ của ASEAN. 40 năm qua là chặng đường dài thử thách quan hệ ASEAN- Úc.
Chính phủ Úc đã từng gợi ý xây dựng cộng đồng Châu Á- Thái Bình Dương, nhưng các nước ASEAN đã không mặn mà với ý tưởng thành lập này vì họ cho rằng đã có khối ASEAN và lý do thứ hai là là phía Úc đã không hỏi ý kiến từng thành viên ASEAN trước đó.
Quan điểm của Úc là muốn giữ vai trò của Mỹ trong khu vực để có sự cân bằng về quyền lực và theo đánh giá của tôi, các nước ASEAN cũng muốn như vậy.
End of content
Không có tin nào tiếp theo