Doanh nghiệp

Chuyển giao các dịch vụ công cho Hiệp hội của các tổ chức kinh tế thực hiện là giảm chi phí ngân sách

Hiệp hội của các tổ chức kinh tế là loại hình tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp. Nhiều năm qua, các Hiệp hội đã đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đối với sự phát triển của từng ngành hàng mà nó đại diện cũng như đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp hội viên.

Đồng chí Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam.

 

Một số Hiệp hội đã tập hợp, đoàn kết được nhiều doanh nghiệp có cùng quy mô, ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... cá biệt ở một số địa phương Hiệp hội DNNVV cấp tỉnh đã tập hợp được đông đảo hội viên, chiếm đến trên 60% năng lực sản xuất của của địa phương. Một số tổ chức Hội đoàn cấp Quốc gia như Hiệp hội DNNVV Việt Nam, VCCI, Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam, Hiệp hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam... đã làm tương đối tốt chức năng đại diện, làm cầu nối giữa hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện cho hội viên đóng góp ý kiến trong xây dựng văn bản pháp luật, tham gia hoạch định chính sách phát triển kinh tế địa phương, phát triển kinh tế ngành và tham gia phản biện, tư vấn, giám định xã hội theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam.


 
Những năm qua, trong xã hội nước ta, về cơ bản mới chủ yếu quan tâm đến các tổ chức chính trị như: Đảng Cộng sản Việt Nam (là tổ chức lãnh đạo, đồng thời với vai trò, chức năng từ khi giành chính quyền tháng 8-1945 đến nay là Đảng cầm quyền); Nhà nước (chức năng chủ yếu là quản lý) và các tổ chức đoàn thể của quần chúng nhân dân, trong đó chúng ta chủ yếu chỉ biết nhiều đến các tổ chức đoàn thể mang tính chính trị - xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Đảng vừa giữ vai trò lãnh đạo vừa là thành viên) và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam. Các tổ chức, đoàn thể này được Đảng, Nhà nước luôn chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng về mọi mặt nhằm phát huy vai trò to lớn trong thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, kế hoạch... của cách mạng, của đất nước, bảo vệ quyền lợi của từng tổ chức, lực lượng, tầng lớp, từng giới...


Trong khi đó các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các Hội trong đó có các Hiệp hội của các tổ chức kinh tế những năm gần đây có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh chóng thì ít được biết đến, vị trí của nó trong xã hội cũng chưa được xác định, công nhận một cách thoả đáng. Do đó, không phát huy được vai trò là đại diện của các doanh nghiệp, đại diện của một ngành kinh tế - kỹ thuật.

 

Nhiều Hiệp hội hoạt động trên danh nghĩa, không đủ bộ máy, không đủ năng lực để thực hiện sứ mệnh đại diện cho hội viên trong đối nội, đối ngoại, xúc tiến thương mại, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhằm giúp doanh nghiệp hội viên nâng cao tính cạnh tranh trong nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.


 
Hiện nay khi đất nước đang trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng vào kinh tế khu vực và toàn cầu, nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu hội nhập sẽ tự bị thải loại, và nếu từng doanh nghiệp tự phải “bươn trải” hoặc lao vào cuộc đua “mạnh ai nấy được” cũng sẽ không tạo được sự chuyển biến tích cực cho một ngành hay cả một nền kinh tế.


 
Trong khi đó với mọi điều kiện thuận lợi hay khó khăn thì thực tế đã chứng minh vai trò của các tổ chức Hiệp hội của các tổ chức kinh tế đã tăng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhiều tổ chức có hiểu biết rất sâu về chuyên môn, về doanh nghiệp nhỏ và vừa, về môi trường, về xoá đói giảm nghèo, về tín dụng ngân hàng, về xuất khẩu …

 

Nhiều tổ chức được các quốc gia, các tổ chức toàn cầu chọn vào tham gia nghiên cứu các Dự án, chương trình cấp toàn cầu. Xu thế chung là các Hiệp hội thường được coi là đối tác hữu dụng của chính phủ trong việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ công, vì thông thường các tổ chức này có thể cung cấp các dịch vụ đó với chất lượng cao hơn và chi phí thấp hơn so với Chính phủ.

 

Nguyên nhân chính của vấn đề này chính là yếu tố tự nguyện của các Hiệp hội, khi Hiệp hội giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội trên cơ sở tự do và tự nguyện thì tiết kiệm được chi phí, cơ chế này tương phản với bộ máy cồng kềnh và tốn kém của khu vực quản lý nhà nước.


 
Cần phải khẳng định ngay, bắt đầu bởi đặc điểm quan trọng nhất là các tổ chức Hiệp hội không được phép phân chia lợi nhuận trong nội bộ giữa các hội viên, hiệp hội không phải là tổ chức thương mại, nên về mặt khoa học hoàn toàn có thể tiếp nhận và thực hiện các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, hay các hoạt động dịch vụ công mà không bị trở ngại bởi các Hiệp định Việt Nam đã ký kết với thế giới.

 

Thành công của các Hiệp hội chính là yếu tố am hiểu thị trường, họ là những đối tượng gần sát nhất với doanh nghiệp, với dân, nên họ hiểu doanh nghiệp cần gì và người dân muốn gì và họ thường tự bắt mình có trách nhiệm khi đáp ứng những nhu cầu đó. Tổ chức mạng lưới của các tổ chức này thuận lợi hơn so với nhà nước.

 

Mỗi khi nhận chuyển giao một dịch vụ công, Hiệp hội sẽ phải chấp hành những điều kiện và nguyên tắc của chương trình, bao gồm: tiêu chuẩn, đối tượng phục vụ, cách thức tiến hành, nguyên tắc giám sát, theo dõi và củng cố… nên vẫn đảm bảo yếu tố cạnh tranh về tính hiệu quả của công việc thông qua chất lượng và chi phí (lợi thế do nhận được nhiều sự tình nguyện về nhân lực) để giành được các dự án của chính phủ các dịch vụ công.


 
Vì thế, việc chuyển giao các dịch vụ công từ phía nhà nước sang các Hiệp hội được hiểu là sự chuyển giao trách nhiệm, Hiệp hội đứng ra tập hợp trí tuệ từ nhiều nguồn lực trong xã hội, trong đó có nhiều lĩnh vực mà Nhà nước không thể làm trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.


 
Mặt khác, nhìn từ góc độ khoa học quản lý với việc điều tiết chuyển dần dịch vụ công sang cho các Hiệp hội kinh tế thực hiện, Nhà nước lúc đó chỉ đóng vai trò đầu mối, vài trò của Nhà nước được chuyển từ chỗ là người cung cấp dịch vụ trực tiếp trở thành nhà tài trợ các dịch vụ, sẽ tiết giảm được nhiều kinh phí cho ngân sách, Nhà nước sẽ có được nhiều điều kiện để tập trung vào công tác quản lý vĩ mô, và các vấn đề trọng tâm của đất nước, tránh được tình trạng phân tán trong sử dụng nguồn lực. 

 

Mặt khác, một trong những nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước là tìm và lấp kín khu vực đang bị khiếm khuyết của kinh tế thị trường, nói rộng ra là của nền kinh tế - xã hội đất nước.

 

Ở những điểm khiếm khuyết đó không thể có bộ máy công quyền mẫn cán nào trên thế giới có thể khỏa lấp được, do tính chất quản lý của bộ máy Nhà nước, trong khi đó nhu cầu của doanh nghiệp, của người dân là rất đa dạng, rất khó lường nên cần có một chủ thể “mền mại” hơn để điều hòa, đây chính là sứ mệnh quan trọng của các Hiệp hội trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.


 
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, với trách nhiệm là tổ chức đại diện cấp quốc gia của các DNNVV Việt Nam, cộng đồng chiếm trên 97% tổng số các doanh nghiệp của Việt Nam. Qua quá trình hình thành và phát triển được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Hiệp hội đã được tham gia phản biện, xây dựng nhiều chính sách pháp luật, tham gia các chương trình dự án của Nhà nước cũng như các tổ chức quốc tế. Đặc biệt là các đề tài dự án, các tài liệu quý về các tổ chức hội đoàn của Việt Nam cũng như thế giới như: Tổ chức phi chính phủ do doanh nghiệp thành lập - BONGO (Business - organized NGO); GONGO: Tổ chức phi chính phủ do Chính phủ tổ chức (Government - organized NGO); NGO: Tổ chức phi chính phủ (Non - governmental Organization); NPO: Tổ chức phi vụ lợi (Nonprofit Organization); PO: Tổ chức nhân dân (Peoples Organization); SHO: Tổ chức tự lực (Self - Help Organization). Hiệp hội cũng là một trong rất ít các tổ chức được thực hiện một số nhiệm vụ trong lĩnh vực dịch vụ công, với kinh nghiệm và những nghiên cứu của mình Hiệp hội khẳng định. 


 
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, với sự đề cao vai trò của doanh nhân trong Hiến pháp nước ta năm 2013 và sự đổi mới trong việc khẳng định quyền tự do kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp Luật doanh nghiệp vừa được quốc Hội thông qua cuối năm 2014, đó là chính là chủ trương cực kỳ đúng đắn, là một đòn bẩy, là điều kiện thuận lợi để khơi dậy, khai thác và phát huy mọi tiềm năng, mọi nguồn lực trong nhân dân, của các tổ chức, hiệp hội xã hội - nghề nghiệp, trong đó đặc biệt các Hiệp hội của các tổ chức kinh tế.

 

Theo đó, việc chuyển giao các hoạt động dịch vụ công trong lĩnh vực kinh tế cho các Hiệp hội kinh tế là rất cần thiết, đủ sức thuyết phục trên cả phương diện lý luận và bằng chứng từ thực tiễn. Để từ đây, vị trí, vai trò của Hiệp hội của các tổ chức kinh tế được khẳng định và phát huy tốt nhất, đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước do Đảng và Nhà nước khởi xướng.

 

Tô Hoài Nam
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASME
Tô Hoài Nam Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASME
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo