Góc nhìn

Chuyện giật mình

Khi dư luận râm ran việc tòa nhà UBND quận 1, TPHCM có thể bị đập phá để xây trụ sở mới thì nhiều người mới giật mình. Đây là công trình kiến trúc cổ trên 140 tuổi nhưng không nằm trong danh sách di tích cần bảo tồn của thành phố. Rất may, dự án vừa manh nha này đã bị hủy bỏ.

Tem kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành Bưu điện trung tâm Sài Gòn. Ảnh Wikipedia

 

Khi Bưu điện TPHCM, công trình kiến trúc cổ, được sơn mới lòe loẹt, mọi người mới bất ngờ vì công trình này cũng không nằm trong danh sách nói trên. Từ lâu, Bưu điện thành phố đã có tên trong sách hướng dẫn du lịch nhiều nước, là một trong những điểm tham quan phổ biến của du khách nước ngoài khi đến TPHCM, cùng với nhà thờ Đức Bà...

Chợ Bến Thành không chỉ là công trình kiến trúc cổ mà còn là biểu tượng văn hóa của người Sài Gòn, nhất là với những người xa xứ, nhưng cũng chưa được xếp hạng di tích. Nghĩa là không nằm trong diện được bảo tồn, có thể bị đập bỏ hoặc thay đổi kiến trúc. Mấy năm trước, từng có dự án cải tạo chợ này thành... trung tâm thương mại.

Đây là số phận chung của các công trình kiến trúc cổ, không chỉ riêng TPHCM mà của cả nước.

Nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn (1698-1998), kiến trúc sư Lê Trọng Ninh, lúc đó là Viện trưởng Viện Thiết kế và Xây dựng thành phố, thống kê được 108 công trình của Sài Gòn cần được bảo tồn. Năm 2014, kiểm tra lại, gần 30 công trình bị xóa sổ hoặc biến dạng, trong đó có Thương xá Tax. Các công trình khác, may mắn còn nguyên vẹn thì bị bủa vây bởi vô số cao ốc rào chắn ngột ngạt.

Năm 1995, một đơn vị nghiên cứu về kiến trúc ở Toulouse (Pháp) thống kê được 1.081 công trình kiến trúc cổ cần được bảo tồn ở Hà Nội. Con số này vào 1955 là trên 5.000! Năm 2005, kiểm kê lại, số lượng chỉ còn hơn 300.

Trên bình diện cả nước, nhân danh trùng tu, một số nhà quản lý công trình tha hồ thực hiện ý tưởng chủ quan, tùy tiện thay đổi cả nội dung lẫn hình thức. Nhiều công trình cổ, dù quy mô khiêm tốn nhưng tinh tế, độc đáo; đúc nén cả tinh hoa dân tộc bị phá bỏ không thương tiếc và thay bằng những kiến trúc mới, hoành tráng nhưng vô hồn, dù được khoe là nhất Việt Nam hay nhất châu Á cũng vậy. Văn hóa không thể đo bằng sự hợm hĩnh bên ngoài, mà phải bằng chiều sâu cảm nhận. Chưa kể, sự vong bản còn thể hiện qua vô số linh vật ngoại lai trên khắp cả nước, tại cơ sở thờ tự, tâm linh đến cơ quan nhà nước, thậm chí cả đơn vị văn hóa và quản lý văn hóa. Dĩ nhiên không thể phủ nhận những công trình kiến trúc hiện đại, tầm cỡ, thiết thực về dân sinh và sáng tạo về kỹ thuật.

Di tích ở Việt Nam chỉ mới chú trọng phần sự kiện lịch sử, mảng kiến trúc lâu nay bị lãng quên. Ít được xếp hạng nên tha hồ bị xâm hại. Quản lý không theo luật định mà chủ yếu dựa vào cảm tính của lãnh đạo. Muộn còn hơn không, phải tổng rà soát, xếp hạng và có quy hoạch bảo tồn. Phải chặn ngay sự vô tình lẫn cố ý phá bỏ các di sản kiến trúc và văn hóa của dân tộc. Paris (Pháp), rạch ròi hai khu cũ - mới, là mô hình tốt để tham khảo về quản lý đô thị. Ngó qua láng giềng, dù nghèo hơn mình nhưng Yangon (Myanmar), Phnôm Pênh (Campuchia), Vientiane và Luang Prabang (Lào) đều giữ được quy hoạch khá tốt.

TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo