Phân tích

Chuyện nghịch lý của ngành công nghiệp Dược

(DNVN) – Việt Nam được cho có nguồn dược liệu vô cùng phong phú chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ khi có 4.000 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển, 75 loài khoáng vật và gần 410 loài động vật làm thuốc.... Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu chế biến thuốc và 50% thuốc, nghịch lý này đang tồn tại suốt thời gian qua.

Cái khó “bó” cơ hội

Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam chưa phát triển được ngành hóa dược bởi chưa có sự đầu tư cho vùng dược liệu một cách tập trung, năng suất cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc... Nguyên nhân là do từ nhiều năm nay, thị trường dược liệu, thị trường thuốc Đông y đã bị buông lỏng. Tại các vùng dược liệu, người dân vẫn đang trồng bằng kinh nghiệm và theo nhu cầu của các “thượng đế”.

Có một thực tế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam tìm mua các cây dược liệu quý hiếm để xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam với giá cao gấp 20 lần. Thậm chí, có những thời điểm các thương lái lùng sục mua một số cây dược liệu quý hiếm ở Việt Nam như: sa nhân, ý dĩ... khiến việc khai thác dược liệu cung ứng cho các công ty xuất khẩu trở thành phong trào ở một số địa phương. Hậu quả là Thiên Niên Kiện ở Bình Phước; Hậu Phác, Ô Dước ở Tây Ninh... bị lùng sục đến mức kiệt quệ, không còn khả năng phục hồi.

Ảnh minh họa.

Điều vô lý là, nhiều dược liệu từng là thế mạnh của Việt Nam như đã phải nhập khẩu từ nước ngoài. Mặt khác, dù có nhập khẩu được những loại dược liệu này thì "thượng đế" cũng khó mà phân biệt được đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng. Câu chuyện nhiều khách hàng bị lừa khi mua phải hoàng kỳ, nhân sâm chỉ còn là... rác, bởi bị tách chiết hết hoạt chất trước khi được nhập vào Việt Nam vẫn còn là bài học “nóng hổi” cho cơ quan quản lý.

Nhưng cũng có một góc nhìn khác mà Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh đã nêu ra, đó là đầu tư nguồn lực, nhân lực cho ngành hóa dược từ trước đến nay chưa được chú trọng đúng mức. Do hạn chế về tài chính nên ở nước ta các quy trình công nghệ hầu như đều ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa thể áp dụng trong sản xuất thử nghiệm và thực tế công nghiệp; quy mô đầu tư nghiên cứu còn nhỏ bé, cơ sở vật chất nghiên cứu thiếu thốn... nguồn nhân lực còn yếu. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn có tâm lý sản xuất những mặt hàng thông thường, chi phí thấp, hiệu quả mang lại không cao, hơn là sản xuất các nguyên liệu hóa dược đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, công nghệ cao và thiết bị tiên tiến…

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hoá dược Việt Nam vẫn chưa phát triển do thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch, chính sách, công nghiệp phụ trợ...

Cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Việt Nam được Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) phân loại và xếp hạng cho ngành công nghiệp dược của Việt Nam mới chỉ ở mức 3, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”.

Nhưng là giải pháp nào?

 

Luật Dược ra đời đã 10, nhưng đến nay ngành dược vẫn trì trệ. Tại  buổi báo cáo về dự án Luật Dược sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhận xét: Không ngành nào ở nước ta phát triển chậm như ngành Dược.

Không thể để một quốc gia được thế giới đánh giá có tiềm năng phát triển về dược liệu phải nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc và người dân "sống trên đống thuốc" mà vẫn phải nhập khẩu tới 50% thuốc. Có ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển hoá dược cần tiếp tục được thực hiện đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ngành y tế cần có những giải pháp căn cơ để đạt hiệu quả cao.

Thạc sĩ Vũ Thị Thuận -  Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco cho rằng, mấu chốt để phát triển hóa dược và dược liệu phải là các doanh nghiệp. Hiện, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.

Doanh nghiệp phải đóng vai trò là cầu nối với các nhà khoa học để đưa ra những nghiên cứu có giá trị cao, hữu ích, giúp người nông dân sản xuất ra được nguồn dược liệu ổn định cả về số lượng và chất lượng.

Các doanh nghiệp cũng sẽ đến với các địa phương, với người nông dân bằng sự tín nhiệm và bảo đảm bao tiêu dược liệu, hợp đồng với nông dân về sản xuất thu mua dược liệu dài hạn.

 

Trên thực tế, theo phân tích của Thạc sĩ Vũ Thị Thuận chính thì việc lien kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, đem lại lợi ích hài hòa cho các bên đã được đề ra từ rất lâu rồi, nhưng chưa nhiều.

Trong các liên kết này, DN đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức. Người nông dân có thể trở thành người lao động của DN, đầu ra sẽ được doanh nghiệp bao tiêu.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, vấn đề cấp bách hiện nay là tạo ra hành lang pháp lý và những chính sách đủ mạnh để thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu trong nước. Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc nghiên cứu cũng phải được chú trọng bằng những chính sách và chế độ ưu đãi.

Bên cạnh đó Dự án sửa đổi Luật Dược phải mở ra được chiến lược phát triển ngành Dược chứ không chỉ là việc đưa ra các quy định về cấp phép, tiêu chuẩn hành nghề... Nhưng sửa đổi thế nào, triển khai thực hiện ra sao để ngành này có thể bảo đảm nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu mới là điều người dân thực sự quan tâm.

Cơ hội cho ngành sản xuất, công nghiệp dược ở Việt Nam đang còn rất lớn. Đã đến lúc ngành y tế phải quan tâm đến việc phát triển nguồn dược liệu để ngành dược sẽ là thế mạnh của Việt Nam trong tương lại.

 

Nên đọc
Hòa Hậu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo