Chuyển nhà ở thương mại sang xã hội: Nhiều băn khoăn
Việc các chủ đầu tư bất động sản chú trọng nhiều vào việc xây dựng căn hộ trung và cao cấp, trong khi đó nhu cầu người dân về căn hộ bình dân lại bị lãng quên khiến cho thị trường rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu nghiêm trọng. Đây cũng được xem là căn nguyên khiến thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài. Để giải quyết được những vấn đề nan giải của thị trường bất động sản và doanh nghiệp lúc này, Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp là chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra một loạt các giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng giải pháp hướng doanh nghiệp bất động sản tập trung vào xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp nên cân nhắc chuyển đổi theo hướng đối với những dự án đã làm hạ tầng thì điều chỉnh dự án, tăng tỉ lệ nhà ở xã hội không phải là chỉ 20% như quy định mà có thể vượt con số này. Đồng thời, có thể điều chỉnh dự án từ căn hộ cao cấp sang dự án nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, làm như vậy không chỉ cứu doanh nghiệp mà còn giúp người dân có nhà, cứu nền kinh tế. Khi chuyển sang nhà xã hội, doanh nghiệp sẽ không phải nộp thuế sử dụng đất, nên sẽ bớt gánh nặng về tài chính, còn người làm công ăn lương sẽ mua được nhà ở.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho biết, xây dựng nhà ở xã hội doanh nghiệp sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất, được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn ưu đãi. Việc miễn giảm này sẽ giúp doanh nghiệp giảm được 30-40% chi phí trong khi đó định mức lợi nhuận doanh nghiệp được hưởng vẫn là 10%.
Ngoài ra, nếu như Quốc hội thông qua phương án giảm hoặc miễn thuế VAT cho người mua nhà lần đầu thì dự kiến với phương án chuyển đổi này, giá thành căn hộ có thể kéo xuống khoảng 20-30%.
Giải pháp này được cho là khá vẹn toàn nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chìm trong khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay mà nhiều doanh nghiệp bất động sản lo lắng khi xin chuyển đổi là thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài.
Doanh nghiệp ngại thủ tục
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho biết, cách đây 1 năm, khi thị trường chung cư rơi vào tình trạng khó thanh khoản, doanh nghiệp đã tính đến phương án chuyển sang xây nhà ở xã hội. Doanh nghiệp cũng đã liên lạc với các cơ quan chức năng để xin chuyển đổi dự án từ mục đích thương mại sang làm nhà ở xã hội. Thế nhưng thời gian chờ đợi thủ tục quá lâu khiến doanh nghiệp đành bỏ cuộc.
"Vì chờ đợi quá lâu chúng tôi phải chuyển sang xây nhà ở thương mại. Để khuyến khích doanh nghiệp chuyển dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội quan trọng nhất là phải đẩy mạnh thủ tục hành chính bởi vấn đề doanh nghiệp cần là thời gian, nếu quá lâu doanh nghiệp không thể chờ đợi vì sẽ mất cơ hội kinh doanh" vị này cho biết.
Ngoài ra, xung quanh phương án chuyển đổi, không ít các doanh nghiệp bất động sản tỏ ra băn khoăn về tính khả thi. Bởi hiện nay, gần 16 ngàn căn hộ tồn kho chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp hoặc trên mức trung bình. Các căn hộ này phần lớn đã và đang xây dựng trong khi đó thì mức giá nhà ở xã hội thường phải đạt tiêu chuẩn là mức giá thấp. Vì vậy, việc chuyển đổi sẽ rất khó nhất là khi các chủ đầu tư đã xây dựng rồi vì vậy cần phải có giải pháp linh hoạt để giải phóng lượng hàng tồn kho.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT công ty CP Dầu khí toàn cầu cho rằng, có thể linh hoạt giữa mô hình: miễn một phần tiền sử dụng đất để hỗ trợ cho người mua, rồi có cơ chế cho vay để khuyến khích người mua.
Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội được đánh giá là một trong những giải pháp để hạ giá thành bất động sản. Tuy nhiên để thực hiện được cần phải có những quy định cụ thể hơn về chính sách. Ví dụ như doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất rồi có hoàn lại để lấy vốn kinh doanh hay không?. Thời gian đăng ký cũng như thủ tục chia nhỏ căn hộ là bao nhiêu?. Để doanh nghiệp có thể tính toán hiệu quả đầu tư của mình...
Hà Chi (Theo VnMedia)
End of content
Không có tin nào tiếp theo