Chuyện "nhắm mắt, mở mắt" và hành trình lách luật của dự án 17 tầng không phép ở Hà Nội
Trong vụ việc dự án nhà cao 17 tầng không phép tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, một số cơ quan chức năng dường như đã “mắt nhắm, mắt mở” trong việc thực thi pháp luật.
Từ chuyện mắt nhắm, mắt mở...
Trong quá trình thi công từ năm 2011 đến năm 2014, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thăng Long đã nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở, lập biên bản đình chỉ, yêu cầu cắt điện, nước thi công. Tuy nhiên, sau mỗi đợt thanh, kiểm tra, chủ đầu tư vẫn tiến hành thi công dự án mà không gặp nhiều trở ngại.
Theo Báo cáo số 10/BC – ĐTTXDCG Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy gửi Sở Xây dựng Hà Nội (ngày 7/5/2014), Dự án Toà nhà hỗn hợp do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư tại phường Yên Hoà được khởi công xây dựng ngày 15/8/2011. Đến ngày 9/1/2013, UBND phường Yên Hoà đã lập biên bản, yêu cầu tạm ngừng thi công do công trình vi phạm trật tự xây dựng. Khi đó, công trình đang thi công phần mái tầng 7.
Ngày 17/1/2013, Chủ tịch UBND phường Yên Hoà (ông Nguyễn Minh Hiếu) đã ký Quyết định số 06/06/QĐ – UBND đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng. Đến ngày 8/2/2013, Chủ tịch UBND phường Yên Hoà tiếp tục ký Công văn số 19/UBND – TTXD gửi chủ đầu tư dừng việc thi công dự án; các lực lượng chức năng trên địa bàn phường yêu cầu trục xuất thợ, cấm vận chuyển vật liệu vào công trình, tạm dừng cung cấp dịch vụ điện nước.
Tuy nhiên, báo cáo của Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy cũng cho biết, trong thời gian từ tháng 1/2013 đến tháng 4/2014, “UBND phường Yên Hoà không có biện pháp ngăn chặn triệt để việc cố tình thi công xây dựng của chủ đầu tư” và vì vậy, chủ đầu tư vẫn tiếp tục cho xây dựng công trình thêm 10 tầng nữa.
Ngày 18/4/2014, UBND phường Yên Hoà một lần nữa có văn bản đề nghị thực hiện các yêu cầu của Thanh tra xây dựng Thành phố.
Trước sức ép từ nhiều phía, ngày 5/5/2014, Công ty Điện lực Cầu Giấy đã có thông báo số 540/TB – PCCG về việc ngừng cung cấp điện cho dự án. Mặc dù vậy, thực tế, Công ty Điện lực Cầu Giấy đã không dừng việc cung cấp điện theo nội dung thông báo ban hành. Vụ việc bị tổ thanh tra xây dựng phường Yên Hoà lập biên bản việc không thực hiện ngừng cung cấp điện đối với cán bộ điện lực được phân công nhiệm vụ vào lúc 16 h 45’, ngày 5/5/2014. Kiểm tra thực tế công trường xây dựng toà cao ốc không phép ngày 6/5/2014, lực lượng thanh tra xây dựng phường Yên Hoà vẫn phát hiện và lập biên bản việc chủ đầu tư vẫn cho thi công xây dựng công trình.
Như vậy là đã có sự không thống nhất trong các quyết định đình chỉ thi công và xử lý vụ việc của Thanh tra Sở Xây dựng, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Yên Hoà và các lực lượng thanh tra xây dựng của quận Cầu Giấy, phường Yên Hoà. Chính sự bất nhất trong các quyết định của cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiến hành thi công dự án này.
...đến những giải thích tự tin
Về phía chủ đầu tư, giải thích cho việc không chấp hành quyết định đình chỉ thi công của UBND phường Yên Hoà, ông Trương Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Thăng Long tỏ ra hết sức tự tin.
Theo ông Đức, trong Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000182 do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 11/7/2008, Dự án được chấp thuận xây dựng 17 tầng. Vận dụng điểm E, khoản 1, Điều 17 Nghị định 16/2005/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định 16/2005/NĐ - CP đã hết hiệu lực vào năm 2009 và được thay thế bằng Nghị định số 12/2009/NĐ - CP) thì dự án này thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng do thiết kế cơ sở của dự án đã được Sở Xây dựng TP. Hà Nội phê duyệt.
Cũng theo ông Đức, việc công trình bị UBND phường Yên Hòa lập biên bản tạm dừng khi thi công tầng 7 (năm 2013) là do cán bộ Ban quản lý dự án ở đó trình bày với nội dung không rõ ràng và lại đưa ra bộ hồ sơ mà chủ đầu tư đang xin Giấy chứng nhận đầu tư mới của dự án.
Ông Đức cũng cho biết, do việc lập biên bản của UBND phường Yên Hoà “không thuyết phục”, nên chủ đầu tư đã không ký nhận vào biên bản tạm dừng và vẫn tiếp tục thi công theo thiết kế cơ sở được Sở Xây dựng phê duyệt từ năm 2008.
Xung quanh vấn đề xin cấp giấy phép xây dựng, cũng như khả năng chịu lực của công trình khi tăng chiều cao từ 17 tầng lên 27 tầng cũng như công năng sử dụng dự án, ông Trương Văn Đức cho biết, hiện chủ đầu tư đã được Sở Phòng cháy chữa cháy (Công an TP. Hà Nội) chấp thuận phương án phòng cháy chữa cháy. Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng tại Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã hoàn thiện, đúng lịch trình thì 2 tháng nữa, chủ đầu tư sẽ có giấy phép xây dựng và tiếp tục thi công như dự kiến. Đối với hệ thống chịu lực cũng như móng của toà nhà được khoan nhồi từ những năm 2006 - 2007, ông Đức cho rằng “sẽ không có vấn đề gì”, vì chủ đầu tư đã tính toán đến phương án điều chỉnh.
Câu hỏi đặt ra trong vụ việc này là, tại sao một dự án nhiều lần bị lập biên bản tạm dừng thi công vẫn có thể tiến hành xây dựng? Với những diễn biến đã nêu trên, có thể thấy, sự quyết liệt đã được phối kết hợp nhuần nhuyễn với sự thờ ơ và kết quả được sinh ra là: quyết định rất nghiêm khắc của chính quyền cơ sở phải... sau 3 năm mới có hiệu lực! Chắc chắn, sự việc sẽ được chính quyền nghiêm túc nhìn nhận để chỉ rõ, con mắt nào đã “nhắm” khi thực thi công vụ.
Theo Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo