Chuyển nhượng đường cao tốc cho tư nhân: Sẽ giảm áp lực đầu tư công
Chủ trương bán các dự án cao tốc nhằm mục đích để chủ đầu tư thu vốn, giảm áp lực đầu tư công, hướng tới những con đường cao tốc khác, tạo đòn bẩy thực sự cho sự phát triển kinh tế bền vững. Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh với phóng viên
- Thưa ông, chủ trương chuyển nhượng hay "bán” các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư phải chăng là một sự "cưa đứt đục suốt” cho các đối tác bên ngoài?
Ông Mai Tuấn Anh: Thực chất, phương án chuyển nhượng hay bán các dự án đường cao tốc của VEC cho các nhà đầu tư nhằm mục tiêu thu hồi vốn đề đầu tư các dự án cao tốc khác. Tôi rất tâm đắc với kinh nghiệm đúc kết của nước ngoài là nếu bỏ 1 đồng vốn ra làm đường cao tốc sẽ thu lời về được ít nhất 3 đồng cho nền kinh tế. Điều này gắn với câu phương ngôn "Muốn giàu, phải làm đường, muốn giàu nhanh phải làm đường cao tốc”. Đầu tư cho đường cao tốc là đầu tư cho phát triển kinh tế tổng thể.
Hiệu quả đã thấy rõ. Như tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mới đưa vào khai thác một tháng, toàn bộ vận tải khu vực Tây Bắc đã tăng hơn 30% so với tháng trước. Không những rút ngắn thời gian xuống một nửa, vận tải hành khách, hàng hóa, đã giảm chi phí 20%. Hay như Dự án cao tốc Long Thành – Dầu Giây, chi phí vận tải cũng giảm tới 30%. Chúng ta cứ nói phí cao với đắt, nhưng qua khảo sát, rõ ràng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vận tải đã tiết kiệm được tài chính rất lớn. Nên nhớ rằng, lưu lượng ước tính trên cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây khoảng 5 triệu xe một năm, vì vậy số tiền thu về không hề nhỏ.
Với hiệu quả như vậy, khẳng định "sản phẩm” đường cao tốc rất có giá trị. Vậy thì thay việc VEC thu phí hàng năm, nay chuyển nhượng và bán cho các đối tác khác. Nôm na, 30 năm VEC có con đường đó, hiệu quả như thế, các nhà đầu tư nghiên cứu lợi ích kinh tế để cùng tham gia. VEC lấy tiền, để đầu tư con đường cao tốc khác đã được Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt, vì lợi ích của đất nước. Đó là chưa kể đến, việc xây dựng các con đường mới từ việc thu hút nguồn vốn bên ngoài tất yếu sẽ giảm áp lực đầu tư công.
- Vậy, dư luận nên hiểu "đúng nghĩa” việc chuyển nhượng hay bán các con đường cao tốc như thế nào, thưa ông?
Hiện nay trong Đề án, VEC đang xây dựng hai phương án. Thứ nhất, sẽ chuyển nhượng quyền thu phí một số năm cho các nhà đầu tư. Phương án thứ hai là là thành lập Công ty cổ phần dự án. Tuy hai phương án, nhưng có lẽ, mục tiêu VEC đang hướng tới đó là thành lập công ty cổ phần để gắn trách nhiệm nhà đầu tư vào quá trình khai thác, bảo trì, duy tu của cả tuyến đường cao tốc, chứ không phải đơn thuần chỉ là nhà thu phí. Trách nhiệm, sẽ buộc các nhà đầu tư phải thực hiện tốt quá trình khai thác, vận hành, bảo trì trong suốt cả quá trình 30 năm, thậm chí 40 năm.
Đánh giá hiệu quả kinh tế và tài chính đường cao tốc được phân biệt rõ ràng. Tỷ suất nội hoàn kinh tế của các đường cao tốc là rất lớn, 25% cho cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Như Nội Bài – Lào Cai, theo tư vấn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là hơn 30%, cho thấy khả năng thu hồi vốn từ sự phát triển kinh tế thông qua đường cao tốc là rất lớn. Nhưng tỷ suất nội hoàn về tài chính, cho chủ đầu tư lại không cao. Chính vì vậy, đưa ra phương án hợp lý, thu hút được nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích hai bên, không hề dễ dàng. Xây dựng đường cao tốc bỏ vốn lớn, thu hồi tài chính chậm. Do vậy "sản phẩm” đưa ra ngoài xã hội, phải định lượng rõ ràng sự hiệu quả, điều mà VEC đang hướng tới. Nên nhớ rằng, đầu tư cho ngành điện, thời gian hoàn vốn cũng chỉ 8 năm đến 10 năm, khác hẳn với cao tốc 30 năm thậm chí lâu hơn nữa.
- Thưa ông, phải chăng khi đã có chủ trương, phải xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, để ràng buộc các nhà đầu tư, tăng tính hiệu quả của đường cao tốc?
Xây dựng phương án, bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, điều mà các nhà đầu tư (chủ yếu nước ngoài) đang rất kỳ vọng. Do vậy, trong phương án thành lập Công ty cổ phần dự án, sẽ phải quy rõ trách nhiệm quyền hạn của các bên tham gia, chứ không phải muốn làm gì là làm. Đường cao tốc là tài sản rất lớn, sẽ có nhiều phát sinh, vì thời gian khai thác vận hành rất dài. Do vậy, nhất thiết phải đảm bảo ổn định, kiểm soát các rủi ro. Bán, bán cái gì, giá nào, câu chuyện không đơn giản, phải xem xét kỹ.
- Dự kiến trong thời gian tới, VEC sẽ triển khai chủ trương trên, trước mắt là đường cao tốc nào thưa ông?
Hiện nay, VEC được giao làm chủ đầu tư của 5 tuyến đường cao tốc. Trong thời gian tới, VEC sẽ thí điểm trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, vì tuyến đường có lợi thế về vốn vay không phụ thuộc vào nhà tài trợ và Dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tiếp đến, sẽ là các đường cao tốc còn lại, vì sẽ phải thống nhất với các nhà tài trợ. Tôi cần phải nhấn mạnh, bán một đường cao tốc không phải đã xong. Tiền thu được sẽ để đầu tư những đường cao tốc khác, đó mới là điều quan trọng, tạo ra những phát triển kinh tế lan tỏa. Đất nước cần nhiều thêm những con đường như thế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
VEC có 5 dự án đường cao tốc, tổng chiều dài 540 km, tổng mức đầu tư 125.572 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 10-2014, VEC đã đưa vào khai thác, thu phí các tuyến cao tốc như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai và một phần tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây với tổng chiều dài 320 km. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2018, VEC sẽ lần lượt đưa vào khai thác phần còn lại của tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (năm 2015), Đà Nẵng – Quảng Ngãi (năm 2017) và Bến Lức – Long Thành (năm 2018).
Theo Đại đoàn kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo