Doanh nhân

Cơ chế nào cho doanh nghiệp xã hội?

Bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) nhìn nhận, phát triển mạng lưới doanh nghiệp Xã hội (DNXH) là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu cho mô hình doanh nghiệp này.

 

Thưa bà, diễn đàn đầu tư đầu tiên về DNXH vừa được tổ chức tại Hà Nội lựa chọn chủ đề “Việt Nam – Thị trường mới nổi cho đầu tư xã hội”? Nếu so với các nước trong khu vực hoặc cùng mức độ phát triển, chữ “mới nổi” phải chăng nói đến độ hấp dẫn trong cơ hội đầu tư? Hay muốn nhấn mạnh đến triển vọng, tiềm năng thu hút vốn?

Thông điệp ở đây chính là Việt Nam đã được đánh dấu mốc trên bản đồ các nước có sự phát triển rõ nét của doanh nghiệp xã hội (DNXH). Sự đa dạng về loại hình và mức độ phát triển của DNXH trong những năm vừa qua đã thu hút ngày càng nhiều các nhóm nhà đầu tư xã hội khác nhau, tạo nguồn vốn ngày càng đa dạng cho DNXH. Trong một vài năm gần đây, chúng ta đã thấy được sự quan tâm và xuất hiện ngày càng nhiều các nhà đầu tư thiện doanh tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp xã hội nhằm tạo ra các tác động xã hội bền vững tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn nhận sự thay đổi trong chiến lược tài trợ của các nhà tài trợ quốc tế từ cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ các giải pháp sáng tạo, bền vững về tài chính và thị trường tạo ra các tác động xã hội hướng đến các nhóm người có thu nhập thấp và các nhóm dễ bị tổn thương rõ nét hơn. Ngoài ra, ngày càng có nhiều các công ty tập đoàn lớn đã có những đầu tư trực tiếp vào các sáng kiến xã hội giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể. Tuy vậy, nhu cầu vốn cho các DNXH và các sáng kiến xã hội hiện vẫn chưa được đáp ứng. Vẫn đang thiếu một khuôn khổ hài hòa, ở đó, các nhà đầu tư xã hội có thể bổ trợ lẫn nhau và cùng hợp tác để tạo thị trường vốn đa dạng và có thể tiếp cận được cho các DNXH và các sáng kiến xã hội.

Thông qua diễn đàn, chúng tôi mong muốn các đơn vị liên quan cùng chia sẻ và nhìn nhận thực trạng phát triển của DNXH và đầu tư xã hội tại Việt Nam, từ đó có những thảo luận và định hướng cho sự phát triển của một thị trường vốn phù hợp và hiệu quả cho sự phát triển của DNXH và các sáng kiến xã hội góp phần thực hiện được các mục tiêu xã hội của chính phủ Việt Nam.

Tại sao xuất hiện từ những năm 1990, mà đến nay, các sáng kiến xã hội vẫn đang phát triển ở dạng tự nhiên và non trẻ, thưa bà? Phải chăng, cơ chế chính sách của Việt Nam chưa đủ sức khuyến khích phát triển mô hình này?

Dù đã có một số DNXH xuất hiện từ những năm 1990, khái niệm DNXH mới được phổ biến tại Việt Nam từ năm 2009 và hiện nay vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Hiện nay, chưa có một khái niệm thống nhất về DNXH, cũng như chưa thành lập một khuôn khổ pháp lý hỗ trợ cho DNXH phát triển. Rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp có đặc điểm tương tự của một DNXH vẫn chưa coi mình là DNXH cũng như chưa tham gia vào cộng đồng DNXH nói chung. Ngoài ra, bản thân nhiều DNXH hiện nay cũng chưa chứng minh được hiệu quả hoạt động, chưa đo lường được hay minh bạch hóa được các tác động xã hội mà DNXH của mình mang lại.

DNXH vẫn là những đối tác hiệu quả của chính phủ, giúp chính phủ thực hiện được các mục tiêu xã hội. Rất cần có các quy định pháp lý để tạo môi trường hoạt động minh bạch hơn, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư đa dạng và hiệu quả hơn cho DNXH.

Những điểm mạnh và điểm yếu của các DNXH ở Việt Nam hiện nay là gì, thưa bà?

Cũng như các doanh nghiệp khác, các DNXH đều có nhu cầu vốn cho hoạt động của mình. Tuy nhiên, do đặc tính của mình, đa phần DNXH trong giai đoạn phát triển ban đầu tìm kiếm những nguồn vốn linh hoạt, dài hạn và có ưu đãi dưới hình thức vốn tài trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi, vốn vay dài hạn, trước khi tiếp cận các nguồn vốn vay thương mại và đầu tư cổ phần. Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận đầu tư của doanh nghiệp còn thấp: các DNXH chưa có chiến lược kinh doanh và kế hoạch tài chính rõ ràng và bài bản, năng lực quản trị còn hạn chế, rất nhiều DNXH còn chưa chuẩn hóa các quy trình hoạt động (kế toán, ghi chép sổ sách), và hầu như chưa có kế hoạch đo lường tác động xã hội cụ thể.

Tiềm năng của nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm và bền vững, trong đó có DNXH trên thế giới là khá lớn, ước tính khoảng 500 tỉ đô la (Nguồn: Mạng lưới Đầu tư Tác động Toàn cầu – GIIN).

Các nhà đầu tư xã hội hiện nay ngoài việc đầu tư tài chính để tìm kiếm giá trị xã hội (social return) và lợi nhuận đầu tư (financial return), họ cũng tập trung vào việc nâng cao năng lực kinh doanh và khả năng quản trị cho các DNXH. Do vậy, mặc dù khả năng tiếp nhận đầu tư của nhiều DNXH còn hạn chế, các nhà đầu tư vẫn tìm kiếm các mô hình kinh doanh triển vọng để đầu tư vào dưới hình thức cho vay ưu đãi hoặc các khoản vay quy đổi cổ phần. Ngoài ra, với sự đa dạng về nguồn vốn và hình thức hoạt động của DNXH hiện nay, các DNXH vẫn tìm kiếm được các nguồn vốn tài trợ khác nhau nhằm phát triển tổ chức, phát triển thị trường, liên kết người thu nhập thấp và các nhóm dễ bị tổn thương vào các chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn đầu tư từ trong và ngoài nước như hiện nay, liệu tiềm năng của mảng đầu tư xã hội có đủ sức thu hút vốn đầu tư?

Tại Việt Nam, hiện đang có một số chương trình cung cấp vốn đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp kinh doanh với người có thu nhập thấp dưới hình thức vốn vay ưu đãi hoặc các khoản tài trợ không hoàn lại như: Quỹ Thách Thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF), Dự án Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp (SVIIP)…. Các quỹ đầu tư mạo hiểm như Dragon Capital, Indochina Capital, VinaCapital đang tìm kiếm các thương vụ đầu tư tài chính có thể vừa tạo ra các giá trị xã hội và cả lợi nhuận đầu tư. Ngoài ra, còn có một số nguồn tài trợ hoặc vốn vay quy mô nhỏ như: Chương trình Hỗ trợ DNXH của CSIP, Chương trình cho doanh nghiệp nhỏ vay vốn không lãi suất trả nợ bằng cách làm từ thiện của Chương trình Thriive hoặc Chương trình cho DNXH vay các khoản vay quy đổi cổ phần của nhà đầu tư thiện doanh LGTVP. Cũng phải kể đến nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ quốc tế ưu tiên xây dựng và phát triển năng lực tổ chức, mạng lưới như các chương trình tài trợ nhỏ của Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán Canada, Tổ chức CARE Quốc tế…

Xin bà phân tích kỹ thế nào là một thị trường vốn phù hợp và hiệu quả cho sự phát triển của DNXH và các sáng kiến xã hội?

Theo chúng tôi, một thị trường vốn phù hợp và hiệu quả bao gồm ít nhất các đặc điểm sau:
Nguồn vốn đa dạng (về qui mô, về loại hình, về cơ chế tài chính…), đầy đủ và kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu rất khác nhau của các DNXH. Nguồn vốn cho doanh nghiệp xã hội có thể rất đa dạng bao gồm các nguồn vốn cá nhân, các nguồn vốn tài trợ, các khoản vay ưu đãi, các khoản vay quy đổi cổ phần, các khoản đầu tư cổ phần, các khoản vay thương mại, các khoản tài trợ đám đông… Hiện chúng ta đang thiếu những nguồn vốn nhỏ (từ US$50-100,000) có cơ chế cho vay linh hoạt để giúp các DNXH khởi sự và phát triển trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu.

Tiếp cận vốn thuận lợi: Các thông tin về vốn và yêu cầu của nhà đầu tư cần được xây dựng dựa trên sự hiểu biết về DNXH tại Việt Nam, giảm bớt những rào cản về ngôn ngữ đầu tư tài chính, phù hợp với trình độ và khả năng tiếp nhận đầu tư của DNXH

Cơ chế thu hút vốn và quản lý vốn phù hợp: Cần có những hướng dẫn rõ ràng và cụ thể từ các cơ quan quản lý cho các DNXH trong việc tiếp nhận và hoàn trả các nguồn vốn này.

Tuy nhiên, một thị trường vốn chỉ có thể phát triển trên cơ sở một hệ sinh thái tài chính phù hợp, trong đó, có sự tham gia và phát triển của các nhân tố chính: Mức độ sẵn sàng tiếp nhận đầu tư của các DNXH; Các nhà đầu tư, nhà tài trợ cung cấp vốn cho DNXH và các doanh nghiệp tạo giá trị xã hội khác; Sự tham gia của các đơn vị trung gian trong việc năng cao năng lực, hỗ trợ tiếp cận vốn và quản lý giám sát hiệu quả vốn đầu tư cho DNXH; Các chính sách của nhà nước trong việc thúc đẩy và quản lý nguồn vốn này một cách hiệu quả; Các nhà nghiên cứu, giáo dục và cơ quan truyền thông

Bà có thể khuyến nghị gì cho các DNXH của Việt Nam, vốn dĩ còn chưa sẵn sàng cho việc gọi vốn đầu tư do thiếu hiểu biết về yêu cầu thị trường, yêu cầu của nhà đầu tư?

Trước tiên, các DNXH cần hiểu rõ thực trạng phát triển và nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp mình cũng như có chiến lược kinh doanh và kế hoạch huy động tài chính rõ ràng. Bên cạnh đó, các DNXH cần chủ động tìm hiểu động cơ, giá trị và yêu cầu đầu tư của từng nhóm các nhà đầu tư xã hội khác nhau. Trên cơ sở đó, DNXH cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết về năng lực, về thị trường và đối tác… để có thể tiếp nhận đầu tư một cách có hiệu quả. Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức trung gian hoặc tiếp cận trao đổi trực tiếp với từng nhà đầu tư. Ngoài ra, cần liên tục cập nhật các cơ hội đầu tư xã hội thông qua các kênh thông tin hỗ trợ DNXH hiện nay.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo