Doanh nhân

Có hay không chuyện “quan huyện” lập núi “trấn yểm” bít cổng trụ sở UBND

Cho rằng việc huyện bất ổn, nhiều cán bộ "ngã ngựa" khi đương chức là do chiếc cổng trụ sở không hợp phong thủy, bị luồng khí xấu xâm nhập, lãnh đạo huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã cho bưng bít cổng, lập núi đá “trừ yểm”.

 Hiệu quả của việc làm kỳ quái, phản cảm nêu trên chưa thấy đâu, chỉ thấy từ khi núi đá được lập nên đã có quá nhiều rắc rối và vô số câu chuyện bi hài xảy ra.


Lãnh đạo UBND huyện Nghi Xuân cho dựng núi đá bít hẳn cổng chính vào trụ sở UBND huyện. Công trình đầy phản cảm tại một cơ quan công quyền đứng đầu của huyện khiến người dân không khỏi... giật mình.

 
Khôi hài!

Bất kỳ ai ghé qua trụ sở UBND huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) không khỏi giật mình trước việc chiếc cổng chính rộng lớn, tồn tại nhiều năm qua hiện đã bị bít lại bằng một núi đá nhân tạo "hùng vĩ".

Ông H. (một cán bộ đương nhiệm làm việc tại UBND huyện Nghi Xuân) thông tin, núi đá nói trên được xây dựng cách đây hơn 3 năm, thời ông Nguyễn H.L. còn giữ chức Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân.

Theo lời kể thì nguyên nhân xây núi đá rất khôi hài. Thời điểm trước khi núi đá được dựng lên, tại UBND huyện Nghi Xuân xảy ra khá nhiều vụ việc bất ổn. Thời điểm đó bỗng nhiên cũng dấy lên thông tin đồn đoán: UBND huyện xảy ra nhiều chuyện không hay là do phong thủy của trụ sở không tốt (!?).

Từ lời đồn thổi đó, lãnh đạo huyện này đã âm thầm cho mời một thầy phong thủy tới giúp huyện “ngắt mạch” những chuyện không hay. Thầy phán tất cả những chuyện xảy ra tại huyện là do môn lộ (lối cửa vào) luôn bị các luồng khí xấu xâm nhập; muốn dứt được họa chỉ có cách bít hẳn chiếc cổng rồi lập núi trừ yểm.

Quá tin lời thầy, ngay sau đó lãnh đạo huyện Nghi Xuân đã đưa phương án bít cổng chính vào một cuộc họp của huyện để lấy ý kiến. Có nhiều ý kiến không đồng tình song người đứng đầu huyện Nghi Xuân thời điểm đó vẫn nhất quyết cho phá bỏ cổng chính vào trụ sở. Nguồn tin này cho cho biết, kinh phí xây dựng núi đá được xã hội hóa (?).

Ngay sau cuộc họp trên chưa đầy một tháng, hạng mục bít cổng, dựng núi đá đã được tiến hành. Toàn bộ kinh phí xây dựng núi đá được một doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ. Sau hơn một tháng thi công, núi đá trấn yểm với nguyên liệu được vận chuyển từ tận tỉnh Ninh Bình đã được được hoàn thành.

Phản cảm và rắc rối

Nhiều cán bộ làm việc tại UBND huyện Nghi Xuân khi trò chuyện với phóng viên đã thẳng thắn nói rằng, hiệu quả của việc phá cổng trụ sở lập non bộ trừ yểm chưa thấy đâu, chỉ thấy từ khi công trình kỳ quái trên được dựng nên đã gây ra bao rắc rối cho cán bộ và người dân.


Núi đá án ngữ ngay lối cổng chính vào trụ sở UBND huyện trước kia

Phản cảm là điều mà bất cứ ai đến trụ sở UBND huyện Nghi Xuân cũng đều nhận thấy. Nhiều người dân bày tỏ sự ngao ngán khi trước trụ sở một cơ quan công quyền lại chình ình một núi đá âm u, không phù hợp. Lại càng phản cảm hơn khi một cổng chính, nằm ở trung tâm trụ sở một cơ quan công quyền lại bị bịt kín, nhiều người không còn nhận ra trụ sở đơn vị hành chính hàng đầu của huyện.

Cán bộ và người dân cũng cho rằng núi đá này đem lại quá nhiều rắc rối. Suốt 3 năm qua, việc đi lại của cán bộ và người dân, quan khách đến trụ sở UBND huyện Nghi Xuân làm việc bị ảnh hưởng nặng nề. Do cổng chính đã bị bít nên mọi người muốn vào trụ sở UBND huyện đều phải đi qua một chiếc cổng vốn là cổng phụ trước đây. Khuôn viên vốn đã chật chội, cổng chính bị bịt kín nên quang cảnh trụ sở UBND huyện cũng không ra dáng một cơ quan công quyền.

Làm việc với PV Dân trí, một cán bộ tại Ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân (Ban A) cho hay, do không muốn tình trạng phản cảm, rắc rối kéo dài, mới đây Chủ tịch UBND huyện - ông Đặng Văn Tính - đã chính thức yêu cầu Ban A lập phương án phá bỏ núi đá, khôi phục lại cổng chính sau hơn 3 năm bị bưng bít.


Lãnh đạo mới của UBND huyện Nghi Xuân đã lên phương án phá bỏ núi đá, khôi phục lại cổng chính

“Chủ tịch huyện đã có ý kiến yêu cầu khôi phục lại cổng chính. Hiện chúng tôi đang lên phương án gỡ bỏ núi đá, sửa sang lại cổng để phục vụ việc đi lại của cán bộ và người dân” - một cán bộ tại Ban A huyện Nghi Xuân cho hay.

Đáng chú ý, khi được hỏi, kinh phí gỡ bỏ núi đá, khôi phục lại cổng (có thể lên đến cả trăm triệu đồng) sẽ được lấy từ nguồn nào? Vị cán bộ trên cho hay, không thể có chuyện xã hội hóa như khi dựng núi đá được mà kinh phí lần này sẽ phải trích từ ngân sách.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo