Doanh nhân

Có hay không “lợi ích nhóm” và trách nhiệm hình sự vụ ống nước sông Đà?

Theo ý kiến luật sư, vụ việc vỡ ống nước sông Đà là một sự cố nghiêm trọng và cần phải xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về trật tự quản lý, trật tự xây dựng gây ra hậu quả nghiêm trọng.

 

Những ngày gần đây, dư luận chưa thôi "nóng" về sự việc đường ống dẫn nước sông Đà liên tục vỡ đến lần thứ 7 và sau đó tiếp tục gặp sự cố về van nước. Sau 2 tháng thanh kiểm tra, Bộ xây dựng đã đưa ra nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước sông Đà được xác định là do chất lượng ống không đồng đều, nhà cung cấp ống composite chưa chứng minh được việc đảm bảo kỹ thuật trong sản xuất ống, cũng như độ bền trong thời gian khai thác sử dụng; đơn vị giám sát năng lực hạn chế, tổng thầu thiết kế thì thiếu kinh nghiệm...

 

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, với vai trò là đơn vị được giao là chủ đầu tư của dự án, Vinaconex phải chịu trách nhiệm cao nhất về công tác quản lý chất lượng trong toàn bộ quá trình thi công đường nước sông Đà.

Một câu hỏi nhiều người đặt ra đó là việc một đơn vị lớn như Vinaconex, thực hiện hàng loạt những công trình xây dựng quy mô lớn trên mọi miền đất nước lại thi công ra một công trình khó chấp nhận như vậy. Trong quá trình thi công, Vinaconex đã lựa chọn loại ống do Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex (thuộc Vinaconex) để thi công đường ống nước sông Đà khi sản phẩm này chưa chứng minh được độ bền vững, an toàn mặc dù Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến ống composite.


Cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà

Chính điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngại về việc có sự “thoả thuận ngầm” giữa nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu, đơn vụ tư vấn, giám sát. Ngay Tại buổi gặp mặt báo chí chiều ngày 19/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đã đề cập đến những lo ngại về vấn đề chất lượng xây dựng của nhiều công trình, nhiều dự án thấp, chưa dùng đã hỏng hoặc dùng chẳng được bao lâu thì đã phải sửa chữa.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là năng lực của nhà thầu kém, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm... và đặc biệt, tại nhiều dự án có sự "bắt tay" giữa đơn vị thi công với nhà thầu giám sát để rút ruột công trình nên dẫn tới tình trạng chất lượng công trình thấp, hư hỏng nhiều. Như vậy, rõ ràng, cần có một sự thanh tra rõ ràng trong việc tại sao đơn vị thi công lại sử dụng đường ống khi chưa chứng minh được độ bền. Và có hay không “lợi ích nhóm” ở dự án thi công đường ống dẫn nước sông Đà.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng khó hiểu vì sao đơn vị giám sát cho công trình lại không có biện pháp gì để kiểm tra chất lượng đường ống. Để đến khi đường ống liên tục gặp sự cố, liên ngành phải vào cuộc mới chỉ ra rằng năng lực của đơn vị giám sát còn hạn chế. Nếu đã không đủ năng lực tại sao còn được tham gia giám sát một công trình có tầm ảnh hưởng xã hội lớn đến như vậy. Và khi để sự việc xảy ra gây thiệt hại kinh tế đơn vị giám sát này sẽ bị xử lý như thế nào để tránh trường hợp tương tự.

Có một thực tế dễ nhận thấy, chất lượng của các công trình xây dựng của ta yếu kém xuất phát từ cái “bắt tay” của nhà thầu thi công và bên giám sát. Khi chủ đầu tư ký hợp đồng giám sát là có nghĩa là họ đã đặt niềm tin vào nhà thầu giám sát, tin rằng nhà thầu giám sát sẽ thay mình kiểm tra, giám sát nhà thầu thi công công trình đáp ứng đúng, đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật mà mình đặt ra. Vậy nên, khi giám sát bảo đúng là đúng và tất nhiên sai là sai.

Liên quan đến sự việc, Luật sư Nguyễn Văn Tú (Giám đốc Công ty luật Fanci) cho biết, Sự cố vỡ ống nước sông Đà là một sự cố cực kỳ nghiêm trọng. Hậu quả tác động vô cùng lớn, tiêu tốn ngân sách của nhà nước. Đây là một sự việc cần phải xử lý bằng pháp luật hình sự Việt Nam theo điều 229 Bộ luật hình sự về tội Vi phạm quy định về trật tự quản lý, trật tự xây dựng gây ra hậu quả nghiêm trọng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo