Góc nhìn

Cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước: Đừng bỏ lỡ cơ hội lớn

Nếu tiến trình cổ phần hóa lần này không đạt được hiệu quả kỳ vọng, nền kinh tế sẽ tiếp tục “ngụp lặn” trong khó khăn, khó có thể phục hồi để phát triển bền vững được. Đó là nhận xét của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, về tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

PV: Nếu lấy chuẩn mực quốc tế để áp dụng, nhận định của ông về chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước hiện nay như thế nào?

Nếu lấy các nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm chuẩn mực để so sánh, chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam là quá kém. Trong 6 nhóm nguyên tắc OECD đưa ra, các doanh nghiệp hầu như không đáp ứng được nguyên tắc nào cả.
 
Chẳng hạn, nguyên tắc thứ nhất yêu cầu phải đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả. Theo đó, thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của thị trường, phù hợp với quy định pháp luật và phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi. Thế nhưng, mâu thuẫn trong các chức năng của Nhà nước về quyền đại diện sở hữu, quyền điều hành quản trị và quyền quản lý giám sát đã khiến cho việc đảm bảo nguyên tắc phân định rạch ròi trách nhiệm của các đại diện này hết sức khó khăn và trên thực tế là đang bị buông lỏng.
 
PV: Vậy liệu doanh nghiệp nhà nước có đủ “đẹp” trong mắt cổ đông chiến lược, nhất là cổ đông nước ngoài trong đợt cổ phần hóa sắp tới?
 
Một đòi hỏi của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là thay đổi cơ cấu sở hữu để từ đó làm thay đổi cấu trúc tổ chức và quản trị. Cổ đông chiến lược, nếu được tạo điều kiện, hoàn toàn có thể làm thay đổi cấu trúc quản trị sao cho hiệu quả nhất gắn với lợi ích, mục tiêu và chiến lược của họ. Vì vậy, vấn đề quản trị yếu trước cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước không phải là điều gì quá quan trọng.
 
Cái “đẹp” ở đây cần phải được hiểu là giới hạn sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa có “đẹp” hay không. Nếu Nhà nước vẫn nhất quyết nắm giữ cổ phần chi phối, các cổ đông chiến lược cũng khó có thể thay đổi được gì và họ cũng không có động cơ dành nhiều nguồn lực và tâm huyết cho sự phát triển của doanh nghiệp.
 
PV: Một rào cản chính đối với doanh nghiệp nhà nước khi chọn cổ đông chiến lược là phải chia sẻ thông tin nội bộ. Theo ông, mức độ sẵn sàng chia sẻ thông tin tới đâu?
 
Kém minh bạch thông tin là một đặc tính cố hữu của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, để có thể cổ phần hóa, doanh nghiệp phải chấp nhận chia sẻ thông tin nội bộ. Cổ đông chiến lược tiềm năng chắc chắn sẽ đòi hỏi thông tin tài chính phải được công bố đầy đủ và được kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, cũng không chắc mọi thông tin đều được cung cấp một cách toàn diện.
 
Hơn nữa, nếu việc cổ phần hóa chỉ mang tính nội bộ hoặc cổ phần hóa hẹp, tức chỉ bán cổ phần cho một hoặc một nhóm cổ đông chiến lược, chứ không phát hành rộng rãi ra công chúng thì có thể thông tin cũng chỉ được chia sẻ nội bộ giữa các nhóm cổ đông đó mà thôi.
 
Do đó, Chính phủ cần xác định rõ mục đích cuối cùng của cổ phần hóa là gì, trên cơ sở đó đảm bảo rằng các mục tiêu ngắn hạn không làm tổn hại đến việc đạt được các mục tiêu dài hạn.
 
PV: Có ý kiến cho rằng sau cổ phần hóa, ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước sẽ phải chia sẻ quyền lực với cổ đông chiến lược hay sẽ phải mất đi một số đặc quyền, đặc lợi. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
 
Đây là một thực tế và phải được xem là một đòi hỏi cần thiết của chiến lược cổ phần hóa hiện nay. Chính việc phải chia sẻ quyền lực hay phải từ bỏ một số hay tất cả các đặc quyền, đặc lợi là nguyên nhân làm cản trở tiến trình cổ phần hóa những năm qua. Nếu Chính phủ không dứt khoát, vẫn “vương vấn” các quan hệ đó, quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ còn diễn ra chậm chạp.
 
PV: Sabeco đã tiến hành IPO từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa thể chọn được cổ đông chiến lược. Liệu kịch bản này có lặp lại đối với Vietnam Airlines, Vinatex và MobiFone?
 
Nếu nhìn cả chặng đường 6 năm qua, tiến trình cổ phần hóa Sabeco cũng như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác rõ ràng quá chậm. Một phần là do chúng ta đã đặt ra quá nhiều giới hạn và mục tiêu của cổ phần hóa, bất chấp có thể có mâu thuẫn. Nhà nước một mặt muốn tài sản công không bị thất thoát, mặt khác muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược. Nhà nước muốn thay đổi chất lượng quản trị doanh nghiệp, nhưng cũng muốn giữ cổ phần chi phối trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhằm duy trì vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
 
Chính vì đặt ra quá nhiều mục tiêu, mà bản chất là sự giằng co về lợi ích đã khiến cho việc cổ phần hóa luôn bị trì hoãn. Khi các lợi ích vẫn chưa được sắp xếp ổn thỏa, việc cổ phần hóa khó mà xong được. Ngay cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa rồi thì cũng chưa hẳn lợi ích đã được thu xếp ổn thỏa. Thế nên mới có tình trạng cổ phần hóa một phần rồi để đó tính tiếp. Kịch bản này có thể sẽ lặp lại với Vietnam Airlines, Vinatex hay MobiFone.
 
PV: MobiFone vừa được tách ra để về với Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng VNPT cũng đánh tiếng có thể trở thành cổ đông chiến lược của MobiFone với tỉ lệ sở hữu 20% sau cổ phần hóa. Liệu điều này có hợp lý?
 
Điều này góp phần củng cố những gì mà chúng ta đã nói, đó là không ai có động cơ để tự “cai sữa” cả. Chắc chắn VNPT không dễ từ bỏ hoàn toàn lợi ích mà bấy lâu nay họ được hưởng từ MobiFone.
 
Theo tôi, thay vì để dành 20% nguồn lực tại MobiFone, VNPT nên dùng nguồn lực đó để nâng cấp bản thân thì hơn. Còn MobiFone có lẽ cũng không cần 20% của VNPT làm gì cả. Công ty hoàn toàn có thể tự mình phát triển tốt hơn thay vì tiếp tục bị phụ thuộc như trước đây.
 
Mục tiêu của Chính phủ là sẽ cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014-2015, nhưng nửa đầu năm nay mới chỉ thực hiện được 58 đơn vị. Liệu mục tiêu cổ phần hóa lần này có đạt cả về lượng lẫn chất?
 
Nếu bị thúc ép chạy theo số lượng, có thể đến lúc đó chúng ta vẫn có thể kịp hoàn thành chỉ tiêu, nhưng cuối cùng cũng chỉ là thay tên đổi họ từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước thành công ty cổ phần nhà nước. Vấn đề mấu chốt là liệu các doanh nghiệp này có phát triển tốt hơn sau cổ phần hóa hay không. Đó mới chính là đòi hỏi của cổ phần hóa cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
 
PV: Những tác động nào có thể xảy ra đối với nền kinh tế nếu đợt cổ phần hóa lần này không đạt như kỳ vọng?
 
Có người nghĩ rằng những trục trặc hiện nay chỉ mang tính cục bộ, ngắn hạn, là tàn dư của các bất ổn trước đây, là do sự tác động của bất ổn tài chính thế giới. Khi các bất ổn đó dần qua đi, mọi thứ sẽ trở lại tốt đẹp như xưa. Với lý lẽ đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cố gắng cầm cự và trì hoãn các cải cách (cụ thể là cổ phần hóa) để chờ thời kỳ tốt đẹp đó quay trở lại.
 
Quan điểm này quá nguy hiểm vì nó cố tình phớt lờ những yếu kém cố hữu của nhiều doanh nghiệp nhà nước. Nếu tiến trình cổ phần hóa lần này không đạt được hiệu quả kỳ vọng, nền kinh tế sẽ tiếp tục “ngụp lặn” trong khó khăn, khó có thể phục hồi để phát triển bền vững được. Các cơ hội cải cách tuyệt vời sẽ bị bỏ lỡ.
 
Các chi phí và rủi ro quá lớn mà khu vực doanh nghiệp nhà nước gây ra đối với nền kinh tế sẽ là những trở ngại khiến cho khu vực sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được với quốc tế. Nền kinh tế gia công hiện nay có khi lại biến thành nền kinh tế phụ thuộc, chứ đừng nói đến một nền kinh tế độc lập và tự chủ mà chúng ta mong muốn.
 
Theo Nhịp cầu Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo