Góc nhìn

Cổ phần hóa MobiFone dưới “góc nhìn Mai Liêm Trực”

Từng làm Tổng giám đốc và gắn bó nhiều năm với VNPT - ông Mai Liêm Trực nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông đã có nhiều phát biểu thẳng thắn về việc cổ phần hóa MobiFone.

ông Mai Liêm Trực nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông

Chia sẻ về vấn đề tách MobiFone ra khỏi VNPT, ông Mai Liêm Trực thẳng thắn: "Bản thân tôi nếu ở cương vị VNPT, tôi không muốn tách anh nào hết, tôi muốn để cả 2 vì bản thân MobiFone cũng là công sức của VNPT bao nhiêu năm nay, gây dựng nó lên thành đứa con cả trong nhà VNPT, đứa con làm ăn tốt nhất, chiếm tới khoảng 70% lợi nhuận của VNPT. Phải nói rằng đứng về tâm lý mà nói thì VNPT không muốn tách ra, mà tách ra là một thiệt thòi cho VNPT. Tất nhiên là của Nhà nước cả, nhưng phải nói rằng đấy là công sức của VNPT, cho nên vạn bất đắc dĩ mới tách ra. Nếu tách ra thì VNPT đương nhiên khó khăn. Đó là thực tế".

Ông Mai Liêm Trực cho rằng, việc MobiFone tách ra khỏi VNPT chính là do VNPT: "Đáng lý VNPT phải thực hiện chủ trương cổ phần hóa MobiFone từ năm 2006 thì lúc đấy VNPT vẫn có thể chiếm 80% cổ phần trong MobiFone. Nếu làm như thế theo Nghị định 25 ra đời năm 2011, VNPT vẫn giữ 80% và chỉ cổ phần hóa 20% của MobiFone, VNPT vẫn giữ được lợi nhuận của MobiFone. Như vậy, MobiFone không phải thành 1 tổng công ty mới và bây giờ VNPT cũng không chia đôi cạnh tranh với nhau. Thực chất, khi tách MobiFone, VNPT sẽ chia đôi và cạnh tranh với nhau. Rõ ràng là VNPT không mong muốn thực tế đó".

Ông Mai Liêm Trực phân tích tiếp, nếu VNPT cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ từ năm 2006, làm mạnh việc tái cấu trúc từ những năm trước, không chờ Chính phủ ép phải tái cấu trúc thì VNPT sẽ có lực để tập trung vào đẩy mạnh VinaPhone phát triển mạnh lên. Trong những năm qua, nếu VNPT làm được điều đấy thì tốt cho VNPT và cả xã hội. Quá trình cổ phần hóa sẽ giúp MobiFone phát triển lành mạnh hơn nhiều so với hiện nay.

Ông Mai Liêm Trực cũng chia sẻ thêm, sở dĩ MobiFone chậm cổ phần hóa do nhiều lý do, trong đó chủ yếu do nội tại VNPT. Ngoài ra, có thể có thêm một số lý do kinh tế khác như định giá tài sản… Khi tách MobiFone ra, chắc chắn VNPT có nhiều khó khăn ít nhất trong một vài năm đầu

Ông khẳng định: "Tách MobiFone ra phải cổ phần hóa công ty này, một việc lẽ ra phải làm từ 7 - 8 năm trước để có thị trường lành mạnh. Nếu tách MobiFone ra lại thành lập công ty Nhà nước để cho 3 anh cùng ngang ngửa nhau, cùng là Nhà nước cả như thế này thì tôi cho rằng không lành mạnh".

Đánh giá về thị trường viễn thông Việt Nam, ông Mai Liêm Trực cho rằng: "Thị trường viễn thông của chúng ta cạnh tranh và người dân được nhờ. Thế nhưng, về nguyên tắc mà nói thì không nên tổ chức các đơn vị cạnh tranh trong một chủ sở hữu. Nói nôm na là cạnh tranh của Việt Nam như ông bố cho 3 con ra ở riêng. Thậm chí, 3 đứa con ra ở riêng nếu hoàn toàn tự chủ về tài chính thì khác, bố không can thiệp vào tài sản của con nếu cạnh tranh. Đằng này ông bố của chúng ta lại vẫn can thiệp, vẫn làm chủ khối tài sản, vẫn là chủ sở hữu của cả 3 đứa con, vì vậy nên thị trường chỉ có doanh nghiệp Nhà nước, 1 chủ sở hữu nên phải nói là cạnh tranh chưa hoàn chỉnh. Phải nói thẳng ra là nếu thị trường viễn thông có doanh nghiệp không phải của Nhà nước thì rõ ràng trong hoạt động kinh doanh người ta sẽ chú ý hiệu quả hơn. Còn các doanh nghiệp Nhà nước nhiều khi không chú ý hiệu quả. Từ năm 2000 tôi đã nêu vấn đề này của ngành viễn thông".

Ông bày tỏ sự chưa hài lòng vì tiến độ cổ phần hóa quá chậm và không thể có các thành phần kinh tế khác thâm nhập vào mảng dịch vụ thông tin di động. "Bây giờ cả thế giới đang tiến hành tái cấu trúc chứ không riêng gì ta. Khi thị trường thay đổi, cơ chế thay đổi, toàn cầu hóa thay đổi thì họ tái cấu trúc, trước hết là tái cấu trúc sản phẩm, chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp thì tự thân doanh nghiệp làm. Nhưng đứng về tầm quản lý nhà nước, tôi nghĩ rằng tái cấu trúc trên phạm vi quốc gia ảnh hưởng đến quốc gia, đến người tiêu dùng và có thể Nhà nước thì tôi nghĩ rằng phải tập trung vào tập trung tái cấu trúc VNPT là đúng chứ không đi sâu vào tái cấu trúc từng doanh nghiệp vì đó là việc của từng doanh nghiệp, nên để các doanh nghiệp tự làm", ông Mai Liêm Trực phân tích tiếp.

Trước đó, ông Mai Liêm Trực đã nhấn mạnh viễn thông Việt Nam muốn phát triển thì phải cổ phần hóa. Nếu bức tranh thị trường viễn thông trong tương lai có 4 doanh nghiệp lớn, ví dụ Viettel là doanh nghiệp liên quan đến an ninh quốc phòng thì nên để 100% Nhà nước, các doanh nghiệp còn lại thì cổ phần hóa và những doanh nghiệp nào quan trọng thì Nhà nước chiếm 51% cổ phần. 

Lý giải kỹ hơn cho vấn đề này, ông Mai Liêm Trực cho biết, sở dĩ 10 năm qua, các doanh nghiệp viễn thông của Nhà nước vẫn phát triển tốt vì thị trường còn rất màu mỡ bởi mật độ chưa đông, giá vẫn còn cao. Thế nhưng, khi cạnh tranh mạnh, giá cước giảm nhanh và mật độ người sử dụng dịch vụ tăng cao mà chúng ta cứ giữ 100% vốn Nhà nước thì chắc chắn chỉ còn trụ được từ 1 đến 2 doanh nghiệp. Như vậy, nhân dân và Nhà nước sẽ gánh chịu hậu quả. 

Ông Mai Liêm Trực cũng đưa ra khuyến nghị Chính phủ và Bộ TT&TT phải vững tay sắp xếp lại các doanh nghiệp viễn thông để các doanh nghiệp và thị trường viễn thông vẫn phát triển tốt 10 năm tới.

Theo ICT News
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo