Phân tích

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo giá dầu có thể giảm tiếp do dư thừa nguồn cung

(DNVN) - Theo tin từ Thương vụ Việt Nam tại Úc, cuối tháng 2 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố Báo cáo trung hạn thị trường dầu, theo đó, trong năm nay sẽ vẫn diễn ra tình trạng dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu và giá dầu thô tiếp tục giảm.

Theo báo cáo, năm 2016, mức chênh lệch giữa nguồn cung và cầu sẽ là 1,1 triệu thùng/ngày, và chỉ trong năm 2017, cung và cầu mới có thể cân bằng, nhưng lượng dầu tích trữ sẽ tác động làm chậm tốc độ giá dầu tăng trở lại vì khi đó lượng dầu này mới bắt đầu được đưa vào thị trường. Tình hình thị trường hiện nay không có dấu hiệu về việc giá dầu phục hồi trong tương lai gần.

Năm 2015, nhu cầu về dầu toàn cầu tăng 1,6 triệu thùng/ngày, một trong những mức tăng lớn nhất trong những năm gần đây. Nguyên nhân xuất phát từ việc giá dầu giảm nhanh đã kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, lượng dầu sản xuất nhiều hơn lượng tiêu thụ và lượng cung vượt quá cầu 2 triệu thùng/ngày trong cùng một năm. Trong cả năm 2016 sẽ vẫn còn tình trạng dư thừa nguồn cung dầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo giá dầu có thể giảm tiếp do dư thừa nguồn cung.

Mức tăng cầu từ nay đến năm 2021 khó có thể vượt quá mức trung bình 1,2 triệu thùng/ngày do suy giảm kinh tế toàn cầu. Mặc dù tăng chậm, song lượng cầu sẽ đạt đỉnh 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019 hoặc 2020.

Theo báo cáo, tổng nguồn thu từ xuất khẩu dầu của các nước OPEC giảm từ 1,2 nghìn tỷ USD năm 2012 xuống còn 500 tỷ năm 2015. Trong năm 2016, con số này còn có thể giảm tiếp xuống còn khoảng 320 tỷ USD. Với các nước sản xuất dầu như Algeria, Nigeria và Venezuela đang phải đối mặt với kinh tế trong nước suy giảm, IEA cảnh báo nguy cơ thiếu đầu tư tác động xấu đến nguồn cung ổn định.

Lượng đầu tư toàn cầu cho sản xuất dầu đã giảm 24% năm 2015 và dự kiến ​​sẽ giảm 17% năm 2016. Ngoài Ả-rập Xê-út và Iran, năng lực sản xuất thêm hầu như không có, do đó, các nước cần duy trì đầu tư vào sản xuất để tránh hiện tượng tăng cầu gây ra tình trạng thiếu cung gâp mất ổn định.

Hiện nay, mức giá chuẩn của Mỹ giao hàng vào tháng 3 tới đang mở mức 30 USD/thùng. Tuần trước, Ả-rập Xê-út, Nga và các nước sản xuất dầu khác đã đồng ý ngừng sản xuất, nhờ đó đẩy giá dầu lên. IEA coi thỏa thuận trên là dấu hiệu của việc OPEC quyết tâm duy trì và mở rộng thị phần. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích tỏ ngoài nghi, cho đây là một thỏa thuận miễn cưỡng. Theo ông Takayuki Nogami, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Năng lượng tại Công ty Dầu, Khí và Kim loại Nhật Bản, thỏa thuận trên khônng rõ ràng về nhiều vấn đề quan trọng như lập trường đối với Iran và sẽ không có tác động mấy đối với thị trường, và chỉ ra lượng dầu do Mỹ sản xuất bắt đầu giảm và cán cân cung - cầu có dấu hiệu cải thiện. Theo ông này, trong thời gian ba tháng tới giá dầu sẽ dao động trong biên độ từ 25 - gần 50 USD/thùng.

 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, do ảnh hưởng của giá dầu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc giảm sâu trong năm 2015. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm tới 69,4% (giảm gần 1,3 tỷ USD) và lần đầu tiên xuất khẩu dầu thô của Việt Nam chỉ đứng thứ hai trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Úc. 
Trong mấy năm gần đây, xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng ½ tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc, do vậy với kim ngạch dầu thô giảm mạnh sẽ kéo tổng kim ngạch xuất khẩu giảm. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu thô vẫn tăng 9,5% so với năm 2014.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo