Góc nhìn

Có sự "đồng lòng" lách luật để sử dụng vốn sai mục đích

“Động cơ, lợi ích của ngân hàng nói chung với tư cách là một nhóm lớn, cộng với lợi ích của những người làm làm tín dụng cụ thể dẫn tới sự đồng lòng lách luật, khiến hoạt động cho vay dần trở thành kênh để các vòi bạch tuộc to nhỏ xúm vào”

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong đã nhận xét như vậy khi nói về vấn đề sử dụng tín dụng sai mục đích, tình trạng đã trở nên phổ biến và gây hệ lụy rất nghiêm trọng đối với hoạt động tín dụng ở Việt Nam.

PV: Gần đây, việc các chủ đầu tư dùng dự án thật vay tiền nhưng rồi lại mang đi đầu tư vào dự án khác trở thành hiện tượng khá phổ biến. Theo ông, tình trạng này sẽ dẫn tới những hệ lụy gì?

TS Nguyễn Minh Phong: Ngay trong hoạt động tín dụng cũng như trong đời sống kinh tế, dù ở góc độ quản lý hay hay góc độ thực hiện kinh doanh thì việc sử dụng vốn sai mục đích đều nguy hiểm. Bởi về nguyên tắc: Vay cho một mục tiêu nhưng lại sử dụng cho một mục tiêu khác thì nó sẽ làm biến dạng mục tiêu của nền sản xuất, của những hoạt động tín dụng, đặc biệt áp lực liên quan tới vi phạm độ an toàn của hoạt động tín dụng sẽ tăng lên.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Ngay trong hoạt động tín dụng cũng như trong đời sống kinh tế, dù ở góc độ quản lý hay hay góc độ thực hiện kinh doanh thì việc sử dụng vốn sai mục đích đều nguy hiểm.

Tín dụng, về mặt nguyên tắc chỉ cho vay không quá 15% tổng dư nợ trong một lĩnh vực, cho một nhóm đối tượng để đảm bảo tính an toàn phân chia rủi ro, khi “biến báo” mục tiêu, tất cả sẽ “tụ” về một chỗ, như vậy nó sẽ tạo ra cơ cấu tín dụng vi phạm quy định an toàn, đây là một trong cái hàng đầu rất nguy hiểm.

Hệ lụy tiếp nữa là nó sẽ giảm mục tiêu quản lý Nhà nước. Ví dụ Nhà nước khuyến khích cho vay 5 mục tiêu, 5 lĩnh vực ưu tiên, và tạo mọi điều kiện, khi vốn bị sử dụng sai mục đích thì các mục tiêu, lĩnh vực ưu tiên không đủ vốn, không được phát triển theo đúng định hướng mà chúng ta tạo nên.

Thêm nữa, nó gây áp lực về rủi ro cho doanh nghiệp, người đi vay, và cho cả ngân hàng, có thể nói là kéo theo một loạt hệ lụy.

Cuối cùng, nó gây tình trạng nữa là toàn bộ quản lý Nhà nước về quản lý tín dụng sẽ bị “vô hiệu hóa” hoặc “hình thức hóa”. “Vô hiệu hóa” trong trường hợp ngân hàng không biết, tức là bị lừa thật. Còn trong trường hợp kiểm tra phát hiện ra nhưng lại lờ đi thì có nghĩa là bị “hình thức hóa”, điều đó lại càng nguy hiểm. Đây là vấn đề “rủi ro đạo đức” của nhân viên ngành ngân hàng. Tôi cho rằng, qua kiểm tra thực tế, làm đúng quy trình, đúng trách nhiệm thì người ta sẽ phát hiện ra khách hàng có sử dụng vốn cho đúng mục đích không.

PV: Có ý kiến cho rằng đây là vấn dễ không dễ xử lý, theo ông nguyên nhân xuất phát từ đâu?

TS Nguyễn Minh Phong: Chúng ta đã biết, đã làm, đang làm nhưng vấn đề này không phải dễ xử lý, bởi đây là các hoạt động lách luật, mà bất kì luật nào cũng có kẽ hở. Thứ 2 là luật được thực hiện bởi một nhóm người, những con người đó có lợi ích khác nhau, trình độ, nhận thức khác nhau, quan hệ cá nhân khác nhau…cũng tạo sự đồng lòng trong sự lách luật.

Thứ ba nữa, là nhiều khi mục tiêu chúng ta quản lý hướng tới những điều rất tốt đẹp, nhưng đồng thời cũng đặt áp lực cho người trong cuộc, kể cả những người hướng đến nó, thậm chí coi nó là mục tiêu duy nhất, còn những cái khác có thể chấp nhận.

Ví dụ như tăng trưởng tín dụng là 1 mục tiêu thành công, lợi nhuận: ngân hàng lấy lợi nhuận là chính, còn cho ai vay cũng được, nhất là khi tự do hóa lãi suất đầu ra, ai trả lãi suất cao nhất thì cho vay theo đúng nguyên tắc kinh doanh.

Chính mục tiêu, cơ chế đó mới là bản chất gây ra việc chúng ta không ngăn chặn được. Gần đây ngân hàng đã áp lại, nhưng trên thực tế chưa có chế tài buộc người ta phải áp lại trần lãi suất. Tất cả mới chỉ dừng lại ở hình thức.

Động cơ, lợi ích đặc biệt là lợi ích của ngân hàng nói chung với tư cách là một nhóm lớn, cộng với lợi ích của những người làm làm tín dụng cụ thể, họ thỏa thuận với khách hàng, ăn phần trăm ở giữa, điều này đang gần như hiện tượng phổ biến, cho vay dần trở thành kênh để các “vòi bạch tuộc” to nhỏ xúm vào.

Việc sử dụng vốn sai mục đích gây áp lực về rủi ro cho doanh nghiệp, người đi vay, và cho cả ngân hàng

PV: Ông nghĩ thế nào trước ý kiến cho rằng nên có sự kiểm soát, ví dụ như thẩm định dự án, kiểm soát chặt chẽ từng giai đoạn thực hiện dự án?

TS Nguyễn Minh Phong:  Phải có những chế tài xử phạt, dừng ngay những dự án không đúng mục tiêu. Vấn đề ở đây là con người và bản thân mục tiêu kiểm soát có muốn như vậy hay không, hay chỉ muốn tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận cao nhất, không cần đúng lắm cơ cấu, mục tiêu. Chưa kể ngân hàng móc ngoặc cùng với người vay qua mặt ngân hàng, qua mặt cơ quan quản lý chức năng, tạo ra bức màn…đó chính là rủi ro đạo đức.

Đáng lẽ trong các hợp đồng vay phải ghi rõ cơ chế, thời gian, và các quy trình để kiểm tra việc sử dụng vốn vay, sau khi vay vốn việc triển khai đến đâu phải có báo cáo, và ngân hàng phải trực tiếp kiểm tra.

Tuy nhiên, thực tế là nếu có kiểm tra thì khách hàng cũng tìm mọi cách để gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra của ngân hàng, cả về mặt quy trình, thời gian, chi phí… và đồng thời họ dùng phong bì lót tay… điều này thì đang trở nên phổ biến và thành vấn nạn trong hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay ngân hàng áp dụng “mẹo”, đó là bắt cán bộ tín dụng ngân hàng chịu trách nhiệm trực tiếp cùng với rủi ro, không đòi được nợ thì sẽ bị khấu trừ lương, quy trách nhiệm theo tỷ lệ dư nợ xấu. Quy định nghiệt ngã hơn, tạo tâm lý cẩn trọng  cho vay. Chính tình trạng này dẫn đến mặt trái là việc tăng trưởng tín dụng chậm lại, nhưng mặt phải là tính an toàn cao lên.

PV: Vậy theo ông, ngân hàng cần làm gì để quản trị rủi ro thực sự hiệu quả?

TS Nguyễn Minh Phong: Thực ra có cả hệ thống, quy trình, kinh nghiệm quản trị rủi ro, chỉ có điều ngân hàng có muốn áp dụng hay không. Các sếp lớn sử dụng ngân hàng như 1 kênh huy động vốn cho công ty của mình, khi cơ chế ngặt nghèo quá sẽ lộ ra “sân sau”, vì thế lãnh đạo ngân hàng thường không muốn làm, và ban kiểm soát chỉ là hình thức.

Một mặt, để xây dựng một bộ phận chuyên quản trị rủi ro thì sẽ rất tốn kém về chi phí, thêm nữa là trình độ nhân lực quản trị rủi ro của ta còn hạn chế, cần thời gian để nâng cao. Bên cạnh đó, quy trình không chỉ là quản trị rủi ro mà phải xuyên suốt toàn bộ quá trình, từ kiểm định, giải ngân, thu hồi vốn… bắt lỗi cá nhân của từng vị trí thật nghiêm khắc, chặt chẽ. Làm được như vậy thì vấn đề từng bước sẽ được giải quyết.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo