Có thể thất nghiệp vì... nhiều bằng cấp
Tốt nghiệp đại học cũng cần nhưng ứng viên phải là người có tư duy của một cử nhân: biết hoạch định, tổ chức, điều hành, giám sát công việc.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thuộc Thành Đoàn Cần Thơ, hơn hai chục năm qua đã giúp hàng vạn thanh niên có việc làm. Giám đốc Nguyễn Quốc Vững (ảnh), người xây dựng Trung tâm từ những ngày đầu, trò chuyện với PV về nguyên nhân thanh niên thất nghiệp hiện nay.
Ông nói: Do đa số thanh niên chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp, mục tiêu cuộc đời, chỉ lo học cho có nhiều bằng cấp và xem như đã thỏa mãn. Trong lúc, muốn có nghề nghiệp vững chắc, việc làm ổn định phải phấn đấu lâu dài. Bằng cấp chỉ chứng nhận một nấc trình độ ban đầu của người lao động. Tôi lấy hình ảnh cuộc đời là một cây xanh, chùm trái trên cao là mục tiêu cuộc sống, muốn hái được phải leo qua nhiều cành mà người có bằng cấp chỉ mới leo lên được cành thứ nhất.
Để leo lên hái được chùm quả, theo ông cần nhất điều gì?
Kiên nhẫn! Phải kiên nhẫn để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, làm việc sinh lợi cho nơi tuyển dụng; còn phải kiên nhẫn rèn luyện thái độ thượng tôn pháp luật, coi trọng đạo đức để có niềm tin vào bản thân và biết mình nên làm, không nên làm những gì.
Qua thực tế công việc, ông thấy thanh niên đáp ứng các yêu cầu ấy thế nào?
Rất yếu. Các em cứ nghĩ có bằng cấp nọ kia là phải ở những vị trí nhàn hạ, lương cao nên không bao giờ có được. Chúng tôi luôn được đặt hàng số lượng lớn lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề nhưng không đáp ứng được vì không có nguồn.
Thanh niên tìm đến với chúng tôi đa số tốt nghiệp đại học và còn có nhiều bằng cấp, chứng chỉ khác nữa thì nhiều đơn vị tuyển dụng từ chối. Tốt nghiệp đại học cũng cần nhưng ứng viên phải là người có tư duy của một cử nhân: biết hoạch định, tổ chức, điều hành, giám sát công việc.
Số lượng quản lý trong một doanh nghiệp chỉ cần vài người, còn xuống chuyên viên kỹ thuật, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông thì cần gấp nhiều lần. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Trung tâm có nhu cầu tuyển dụng khoảng 300 người trình độ đại học và cao đẳng, còn thợ kỹ thuật và trình độ trung cấp gần 1.000, lao động phổ thông hơn 15.000 người.
Dường như có mâu thuẫn ở đây, người mới tốt nghiệp đại học cần việc làm nhưng nơi tuyển dụng lao động lại cần người có kinh nghiệm?
Không mâu thuẫn đâu! Vấn đề ở đây là sự năng động, sáng tạo, khả năng tiếp cận công việc nhanh, thái độ cầu thị khi tìm việc của người lao động. Nhà tuyển dụng rất ngại khi tuyển người có kinh nghiệm mà nhìn vào hồ sơ thấy chi chít những nơi làm việc đã qua, nhưng rất ấn tượng với ứng viên có tính sáng tạo, chân tình. Hơn nữa, những vị trí đòi hỏi kinh nghiệm thường là các vị trí quản lý, mà lao động trẻ, sinh viên mới ra trường thì cần phải có thời gian để chứng minh.
Ông thấy gia đình đã đóng vai trò như thế nào trong hướng nghiệp cho tuổi trẻ hiện nay?
Nhiều gia đình thường đặt kỳ vọng ảo tưởng vào con cái. Chẳng hạn gia đình nông dân có chục công ruộng, một năm thu lợi nhuận vài chục triệu đồng, liền dồn sức lo cho con học có tấm bằng đại học và nhiều bằng cấp khác để mong con đổi đời, trở thành ông này bà nọ. Thực tế rất ít gia đình đạt được mục tiêu như vậy.
Nếu hướng con cháu sau khi học trở lại ruộng vườn để tìm cách nâng cao lợi nhuận từ từ thì may chăng mới thành hiện thực. Chẳng hạn để đạt lợi nhuận vài chục triệu đồng, cha mẹ mất một năm hoặc hơn do thiếu kiến thức, thì ngày nay con cái được học hành sẽ rút ngắn thời gian sinh lợi. Đó là một cách hướng nghiệp của gia đình rất đúng đắn, thực tế. Còn gia đình ở thành phố, con cái cũng được lo quá nhiều, đi thi thì cha mẹ theo người đút cơm, người quạt mát đến mức con cái thiếu sức đề kháng để tự lập cho tương lai.
Lâu nay, có nơi nào mời ông đi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên không?
Có nhưng phải nói theo kiểu của người ta nên tôi không đi. Chẳng hạn đến một trường nào đó, phải đề cao chất lượng đào tạo của trường, như bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp có việc làm với những tỷ lệ rất cao, học ngành nào thì dễ tìm việc, học ngành nào lương cao để thu hút người học nhằm thu học phí. Nếu được hướng nghiệp theo thực tế yêu cầu của thị trường lao động, nói thẳng, nói thật với sinh viên học sinh thì tôi đi liền, dù không có thù lao.
Nông nghiệp Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo