Góc nhìn

Có xử lý được công chức chơi game, lướt web?

Nghiêm cấm công chức, viên chức (CCVC) uống rượu bia trong giờ hành chính, không đi uống càphê, la cà quán xá, chơi trò chơi điện tử, xem video trong giờ làm việc… Đó là nội dung dự thảo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tăng cường trách nhiệm công vụ đối với CCVC Bộ Nội vụ.

Nếu quy định cấm công chức, viên chức chơi game, lướt web... trong giờ hành chính được ban hành thì có xử lý được tình trạng nhức nhối ăn cắp giờ công? Ảnh: Hải Nguyễn

Từ câu chuyện ở Bộ Nội vụ, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Hữu Khiển - nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia - với mong muốn để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về nội dung dự thảo, cũng như chất lượng đội ngũ CCVC trên phạm vi cả nước.

Vi phạm là... bình thường!
 
PV: Thưa Giáo sư, quy định nghiêm cấm CCVC uống rượu bia, chơi games… trong giờ hành chính từ lâu đã trở thành nội quy lao động dán trên tường ở nhiều cơ quan nhà nước. Vậy mà có thời điểm vẫn phải có chỉ thị, thậm chí là của Chính phủ về việc này nhằm chấn chỉnh tình hình. Vì sao những quy định như vậy cứ phải nhắc đi, nhắc lại?
 
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển: Sự vụ mang tính sinh hoạt mà đến cấp bộ, Chính phủ phải vào cuộc, cho thấy tầm quan trọng của sự việc. Tình trạng sử dụng lao động lãng phí đã trở thành phổ biến trong các cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động công vụ, cũng như kỷ cương của bộ máy công vụ nhà nước. Nhiều CCVC ở ta không có ý thức nghiêm ngặt về "8 giờ vàng ngọc", coi việc vi phạm giờ giấc là "bình thường".
 
Điều này, theo tôi có các nguyên nhân: Thứ nhất, do tâm lý lao động đã hình thành từ nhiều chục năm dưới thời bao cấp vốn không coi trọng năng suất và hiệu quả công việc. Dưới khẩu hiệu “Người dân làm chủ tập thể”, người CCVC có thể lấy cắp thời gian khá thoải mái của cơ quan, chỉ cần có “lý do” là được. Thứ hai, hiện nay biên chế của ta quá dư thừa ở nhiều cơ quan, DNNN.
 
Sau hàng chục năm thực hiện chính sách tinh giản biên chế không đạt hiệu quả, dẫn tới nhiều CCVC không được phân công đủ việc để làm (nhóm “sáng cắp ô đi, tối cắp về” như dư luận xã hội bàn luận) sinh ra trà lá, chơi trò chơi điện tử trong cơ quan... cho hết giờ hành chính rồi ra về. Điều này không có gì là lạ. Nếu “người nào việc ấy, từ sáng đến chiều” thì còn thời gian đâu mà CCVC có thể trà lá, chơi games, lướt mạng...?
 
Điều tôi muốn góp ý với dự thảo của Bộ Nội vụ là: Không nên dùng câu từ quá cụ thể, mà nên ghi chung “Không được sử dụng thời gian công vụ làm việc riêng”.
 
PV: Khó có bộ máy nào có thể giám sát xuể việc thực hiện chỉ thị này? Giáo sư có cho rằng chỉ thị kiểu này dễ rơi vào "vết xe đổ" của các chỉ thị trước, như cấm hút thuốc lá nơi công sở, hay tổ chức đám cưới không được quá 300 khách?
 
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển: Tôi cho rằng chỉ thị này hoàn toàn có thể khả thi, nếu chúng ta làm đến nơi đến chốn và có các giải pháp cụ thể. Trước hết về biên chế tổ chức, bộ máy nhân sự phải quy hoạch vừa đủ với chức năng nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không để dư thừa lao động. Ngoài giải pháp về sử dụng nguồn nhân lực, thì phải có giải pháp về kỷ luật lao động. Phải tổ chức cho CCVC lao động một cách khoa học.
 
CCVC vẫn phải có thời gian uống nước, chứ cả ngày làm việc không được uống nước hay sao? Muốn thế thì trong 8 giờ hành chính, cơ quan phải định rõ, làm việc thời gian nào, từ mấy giờ đến mấy giờ, khi nào thì nghỉ giải lao, nghỉ bao lâu...?
 
Giờ giải lao thì người ta có thể đi uống càphê, hoặc nghỉ ngơi bằng cách nghe nhạc, hay vui đùa, chuyện trò tếu táo gì thì tùy. Với một nền hành chính công quyền, theo tôi quan trọng nhất là giải pháp và chế tài phải đi liền với nhau. Nếu không có chế tài thì chỉ thị này chắc chắn sẽ thất bại.
 
Việc phát hiện CCVC vi phạm quy định cũng không khó, kể cả khi có sự bao che, nể nang. Bởi lẽ nếu phát hiện công vụ trì trệ ở đâu, thì người đứng đầu đều phải chịu trách nhiệm.
 
Xử lý vi phạm nên đi kèm... trừ thu nhập
 
PV: Giáo sư có thể nói cụ thể về giải pháp và chế tài phải đi liền nhau như thế nào mới đạt hiệu quả?
 
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển: Phải có chế tài quy định cho người đứng đầu các đơn vị. Ví dụ trong một cơ quan, ông thủ trưởng CQ quy trách nhiệm cho các trưởng phòng, ban; nếu trong phòng, ban đó có người vi phạm (có đủ chứng cứ), thì ông thủ trưởng quy trách nhiệm để xử lý ông trưởng phòng, ban đó. Rồi ông trưởng phòng, ban đó lại xử lý người CCVC vi phạm. Biện pháp xử lý tốt nhất là trừ thu nhập của người vi phạm. 
 
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển. Ảnh: HẢI NGUYỄN.
 
PV: Với cơ chế hiện nay, người đứng đầu liệu có được quyền trừ thu nhập của cấp dưới hay không? Trong chỉ thị sắp tới của Bộ Nội vụ liệu có đưa ra các quy định chế tài hay không, thưa Giáo sư?
 
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển: Bộ Nội vụ cần đề nghị với Chính phủ đưa vào chỉ thị yếu tố về biện pháp kinh tế, chế tài. Tôi cho rằng, người đứng đầu hoàn toàn có quyền trừ thu nhập vì tôi trả lương cho anh là cho 8 giờ làm việc, mà anh làm không đủ giờ thì phải trừ thu nhập. Trừ thu nhập là biện pháp hành chính, sao không được, nhất là khi đã có cam kết? Tôi cũng muốn nói rằng, không ai muốn làm như vậy, nhưng cần phải có giải pháp hữu hiệu.
 
PV: Thưa Giáo sư, với những quy định thuộc về tâm lý ứng xử của người Việt, thì rất cần biện pháp “lạt mềm buộc chặt”?
 
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển: Đúng như vậy! Lúc đầu nên làm công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức; trong vòng 6 tháng đầu (hoặc nhiều ít hơn, tùy người đứng đầu quyết định) thực hiện chỉ thị, ai vi phạm cũng chỉ nên phê bình, nhắc nhở chứ chưa phạt tiền, trừ lương ngay. Sau thời hạn đó thì phải làm đến nơi đến chốn, nếu không sẽ thất bại.
 
PV: Ở nước ngoài, vấn đề này họ giải quyết ra sao; có nặng nề, khó khăn gì không, thưa Giáo sư?
 
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển: Ở các nước vấn đề đơn giản lắm, thường được giao toàn quyền cho người đứng đầu chịu trách nhiệm. Hơn nữa các quy định này chỉ cần dán ở ngoài cửa phòng làm việc để mọi người biết và chấp hành. Tuy thế, nhưng khi có những việc sinh hoạt rất nhỏ mà quan trọng thì Nhà nước, Chính phủ vẫn ban hành chỉ thị, quy định.
 
- Xin cảm ơn Giáo sư.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo