Coca-Cola Việt Nam vào đích ngắm chống chuyển giá
Liệu Coca Cola có phải là một hiện tượng điển hình trong nghi án chuyển giá hay không thì còn phải phụ thuộc vào kết quả thanh tra sắp tới. Tuy nhiên, việc một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI liên tục nhiều năm liền báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh lỗ để không bị đóng thuế đang đặt ra nhiều dấu hỏi lớn đối với dư luận.
Từ nghi án chuyển giá?
Theo đại diện Cục Thuế TP HCM, công ty Coca-Cola Việt Nam bị Cục thuế thành phố xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Đến nay công ty này vẫn chưa phải đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
Coca-Cola đến đầu tư tại Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Gần 20 năm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục khai lỗ. Điều đó đã giúp doanh nghiệp này tránh được việc đóng thuế cho nhà nước sở tại.
Cách để Coca Cola dù liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng tốt, nhưng vẫn lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
Nghi án Coca-Cola Việt Nam chuyển giá (Ảnh minh họa)
Chỉ riêng trong năm 2010, công ty đã báo cáo lỗ 188 tỷ đồng, tương đương 8,98 triệu USD ở thị trường Việt Nam. Lũy kế, con số thua lỗ mà doanh nghiệp báo cáo lên tới 180 triệu USD trong thập kỷ vừa qua.
Cho dù liên tục kêu lỗ như vậy song, trong kế hoạch 3 năm tiếp theo, Coca-Cola vẫn dự kiến đầu tư thêm 300 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này khiến Coca Cola không tránh khỏi nghi án chuyển giá.
Trong một tài liệu gửi Ủy ban nhân dân (UBND) TP HCM, Coca-Cola Việt Nam cho biết, sau một thời gian thua lỗ kéo dài, doanh nghiệp này đã kinh doanh có lãi. Cụ thể, lợi nhuận tính thuế năm 2014 của công ty đạt 16,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với mức 7 triệu USD của năm 2013.
Tổng số thuế mà doanh nghiệp này nộp ngân sách năm 2014 đạt 20 triệu USD, sản lượng tiêu thụ tăng 25%. Giới chuyên gia tài chính nhận xét, việc Coca Cola thông báo đóng thuế là một động tác để bảo vệ thương hiệu. Bởi, sau những cảnh báo của cơ quan chức năng, doanh nghiệp này buộc phải “chấp nhận” kinh doanh có lãi để bảo vệ uy tín của họ trước người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp đối phó của doanh nghiệp. Bởi 20 triệu USD chỉ là con số rất nhỏ so với hiệu quả kinh doanh của Coca Cola tại Việt Nam.
Trên thực tế, Coca-Cola vàoViệt Nam tháng 2/1994. Mặc dù doanh thu hằng năm tăng trưởng đều đặn, bình quân 24% nhưng tính đến năm 2011, báo cáo tài chính của doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ lũy kế tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp này không phải nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
Cách để Coca-Cola, dù liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng tốt, nhưng vẫn lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Đơn cử, năm 2010 chi phí do nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ lên đến 1.671 tỷ đồng trên doanh thu 2.329 tỷ đồng.
Đến nay Cty Coca Cola VN vẫn chưa phải đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Không chỉ dính nghi án chuyển giá, trốn thuế Coca-Cola còn bị cho là đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam để mở rộng đất đai cho các cơ sở sản xuất của mình. Nghi án chuyến giá, trốn thuế của Coca Cola bị dư luận trong nước lên án mạnh mẽ. Một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam thẳng thắn từ chối sản phẩm của Coca-Cola.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo quan điểm của một luật sư Đoàn Luật sư TP HCM, nghi án chuyển giá của Coca-Cola có 4 điểm chính cần làm rõ. Một là, tại sao một doanh nghiệp liên tục nhiều năm liền báo cáo lỗ mà vẫn được phép hoạt động?
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, ngay cả đối với các doanh nghiệp Nhà nước, trong vòng 5- 10 năm báo có lỗ mà vẫn hoạt động là vi phạm pháp luật, vi phạm luật thuế.
Hai là, công ty này lấy nguồn ngân sách ở đâu để tiếp tục hoạt động sản xuất trong khi toàn báo cáo lỗ? Ba là, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Về nguyên tắc, Cục Thuế TP HCM sẽ phải chịu một phần trách nhiệm bởi lẽ đây là cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động đóng thuế, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là Cục thuế TP HCM cũng đã rất nhiệt tình trong công tác chống chuyển giá, ở đây là sự “lách luật” rất khéo của doanh nghiệp.
Bốn là, trong suốt thời gian Coca-Cola hoạt động tại Việt Nam, Cục Thuế TP HCM đã ra văn bản yêu cầu công ty này giải trình về vấn trốn thuế này chưa?
Tuyên bố của Cục Thuế TP HCM sẽ thanh tra tình hình sản xuất kinh doanh của Coca-Cola, đặc biệt là thanh tra việc chuyển giá với sự vào cuộc của Tổng cục thuế đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Mặc dù chưa có kết quả nhưng ít ra đây cũng là sự quyết tâm đáng ghi nhận của cơ quan thuế.
Cafef/Diễn Đàn Doanh Nghiệp
End of content
Không có tin nào tiếp theo