Cơn dư chấn chứng khoán Trung Quốc
Mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc tới các nền kinh tế nhiều hay ít thể hiện qua mối liên hệ thân thiết trong hợp tác kinh tế. Cụ thể trong đó, các nước bị ảnh hưởng trước tiên là Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia – những nền kinh tế có mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc.
Độ bao phủ của cơn dư chấn chứng khoán
Chứng khoán Trung Quốc sau 4 tuần khủng hoảng đã xóa sổ 28% chỉ số Shanghai Composite, đồng thời cũng là cú sốc cho những công ty tại châu Á giao thương trực tiếp với Trung Quốc.
CNN bình luận, Trung Quốc có thể đang tạo ra một cú trượt ngã định mệnh nữa cho nền kinh tế Nhật Bản, khi xứ sở hoa anh đào chỉ vừa phục hồi nhẹ sau hai thập kỷ khủng hoảng.
Cộng hưởng cùng sự sụt giảm kỷ lục của thị trường chứng khoán khiến chỉ số Nikkei chỉ đạt 225 điểm, đồng yen tăng giá cũng là gánh nặng cho nền kinh tế của của ông Shinzo Abe khi gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà xuất khẩu và công ty du lịch.
Sau khi kéo giảm giá trị xuống mức thấp nhất trong 13 năm, đầu tháng 6, đồng yen “trở mình” tăng 3%, khiến mọi sản phẩm của Nhật đều trở nên đắt đỏ đối với người Trung Quốc. Trong bối cảnh khủng hoảng, nhu cầu và niềm tin tiêu dùng của Trung Quốc đều giảm sút mạnh, khiến những sản phẩm điện tử, mỹ phẩm đắt tiền của Nhật xuất sang đại lục đều bị ảnh hưởng nặng nề.
“Cổ phiếu của các công ty du lịch gắn liền với lượng du khách nước ngoài sẽ sụt giảm mạnh”, Dairo Murata – chuyên gia phân tích của JP Morgan cho biết. Cổ phiếu Oriental Land, công ty quản lý khu vui chơi Tokyo Disneyland đã giảm 6,2% kể từ 12/6, Shiseido giảm 4,5% từ 24/6 và Sony đã mất 10% từ cuộc khủng hoảng.
CNBC cho biết, cơn dư chấn từ bong bóng tài chính Trung Quốc còn lan rộng sang Hàn Quốc và các công ty khai thác mỏ tại Australia. Bị ảnh hưởng nặng nhất là các công ty có tiếp xúc trực tiếp với Trung Quốc, xác định đây là thị trường chính, như là LG Electronics và SK Hynix đều mất 13% giá trị cổ phiếu.
Ở Australia, các công ty giao dịch nhiều với Trung Quốc như Fortescue Metals đã giảm 26%, Rio Tinto giảm 9% và BHP Billiton giảm 5%.
Nếu chính quyền Bắc Kinh không thể ngăn chặn sự sụp đổ chứng khoán này, nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn diện sẽ lan rộng ra các nền kinh tế khác, đặc biệt là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, CNBC bình luận.
Xu hướng dòng tiền rời bỏ
Bắc Kinh đã áp dụng rất nhiều biện pháp để ứng cứu thị trường khi cơn khủng hoảng bất đầu bằng việc cắt giảm lãi suất, cấm các công ty IPO, không cho phép các nhà đầu tư đang nắm giữ trên 5% cổ phiếu của một công ty bán cổ phần trong 6 tháng tới. Đồng thời, khoảng 50% các công ty của Trung Quốc đã tạm ngừng giao dịch cổ phiếu.
CNN viết: “Các lệnh cấm của Chính phủ Tập Cận Bình chỉ là hành động trì hoãn sự đau đớn”. Và các chuyên gia vẫn lo ngại tình trạng bán tháo sẽ quay trở lại khi các lệnh cấm giao dịch được gỡ bỏ. “Nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường Trung Quốc và chuyển sang đầu tư ở những thị trường có tình trạng sở hữu cổ phiếu tốt hơn”, Herald Van Der Linde, nhà chiến lược tại HSBC cho biết.
Hãng tin Reuters cho biết: "Giới tỷ phú của Trung Quốc cũng đã vội vã tìm các nguồn đầu tư khác như bất động sản ở các nước Hong Kong, Anh, Canada và Australia để làm nơi “trú ẩn” an toàn cho nguồn vốn của mình. Gần đây, Chính phủ Australia đã phải thắt chặt các điều kiện cho phép người nước ngoài mua nhà để ngăn chặn làn sóng đầu tư ào ạt từ Trung Quốc."
Sau 4 tuần “sóng gió” thị trường Trung Quốc vẫn chưa thể hồi phục. Trong cuộc khảo sát của Bloomberg, các chuyên gia kinh tế dự đoán mức tăng trưởng quý 2 của kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ đạt 6,8%, thấp hơn mức mục tiêu 7% đã đặt ra.
Những diễn biến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc nói riêng và kinh tế Trung Quốc nói riêng đang chi phối kinh tế toàn cầu và châu Á- Thái Bình Dương rõ nét.
End of content
Không có tin nào tiếp theo