"Cơn sốt" ôtô giá rẻ và ác mộng giao thông
Xe hơi giá rẻ ồ ạt nhập về Việt Nam
Theo biểu thuế suất TTĐB mới của Thông tư 195/2015/TT-BTC có hiệu lực từ 1/7/2016, các dòng xe ôtô có dung tích từ 1,5L trở xuống được giảm mức đánh thuế TTĐB từ 45% còn 40% trong khi các dòng xe dung tích từ 1,5L đến 2,0L thì phải đợi đến ngày 1/1/2018 mới được hưởng mức thuế này khi mà dòng xe dung tích dưới 1,5L tiếp tục được giảm mức đánh thuế TTĐB xuống còn 35%.
Trong khi phân khúc dung tích từ 2,0L – 2,5L vẫn giữ nguyên mức tính hiện hành là 50% thì viễn cảnh về thuế TTĐB dành cho các dòng xe dung tích trên 2,5L sẽ độc nhất là một mũi tên đi lên tại cột mốc ngày 1/7/2016 với mức tính thuế gồm 150% cho xe dung tích trên 6,0L; 130% cho xe dung tích từ 5,0L – 6,0L; 110% đối với xe có dung tích từ 4,0L – 5,0L; 90% dành cho xe có dung tích từ 3,0L – 4,0L.
Đối với phân khúc xe dung tích từ 2,5L – 3,0L sẽ được điều chỉnh mức tính thuế TTĐB là 55% từ ngày 1/7/2016 và tiếp tục thay đổi thành 60% vào ngày 1/1/2018.
Theo đánh giá của Hải quan Việt Nam, do chịu tác động trực tiếp chính sách này nên thị trường nhập khẩu ôtô trước và sau thời điểm này đã có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu về trong tháng 7/2016 là 10,8 nghìn chiếc, tăng mạnh 25,1% nhưng trị giá chỉ đạt 208 triệu USD, giảm 16% do đơn giá nhập khẩu bình quân ôtô nguyên chiếc các loại giảm mạnh 32,9% so với tháng trước.
Đơn giá nhập khẩu bình quân trong tháng 7/2016 giảm mạnh là do trong tháng 6 các doanh nghiệp đã tập trung nhập khẩu các loại xe có giá trị cao thuộc đối tượng điều chỉnh tăngthuế tiêu thụ đặc biệt kể từ ngày 01/7/2016. Diễn biến này diễn ra chủ yếu ở loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhưng có dung tích xi lanh lớn.
Trong khi đó, lượng xe nguyên chiếc nhập về trong tháng 7 tăng mạnh chủ yếu do các doanh nghiệp tăng nhập khẩu các loại xe có trị giá nhỏ thuộc đối tượng điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt kể từ ngày 01/7/2016.
Tương tự, lượng nhập khẩu xe từ 9 chỗ trở xuống trong tháng 7/2016 đạt 5,1 nghìn chiếc, tăng mạnh 46,5%, trị giá nhập khẩu là 53 triệu USD, giảm mạnh 49,5% so với tháng 6. Tiếp đến là ôtô tải với lượng nhập khẩu đạt 4,3 nghìn chiếc, trị giá là 92 triệu USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 10,3% về trị giá.
"Ác mộng" giao thông
Rõ ràng, việc điều chỉnh thuế đã tác động trực tiếp đến thị trường ôtô của Việt Nam khi mà số lượng ôtô nguyên chiếc được nhập về tăng mạnh nhưng lại giảm về giá trị điều này phản ánh rõ thực tế người Việt đang tận dụng ưu đãi thuế với các dòng xe giá rẻ.
Qua khảo sát cho thấy, trước thông tin nhiều dòng ôtô dung tích nhỏ ồ ạt Việt Nam sau khi điều chỉnh thuế, nhiều gia đình Việt đã tính đến việc mua ôtô để làm phương tiện cá nhân thay cho xe máy. “Gia đình tôi 4 người, cũng nhiều lần định mua ôtô để tiện đi chơi, đỡ nắng mưa mà giờ dung tích nhỏ lại được giảm thuế nên giá sẽ rẻ hơn, vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng mua một chiếc”, một người dân sống trên địa bàn TP. Hà Nội cho biết.
Một người khác tại Hà Nội cũng tâm sự: "Sau khi điều chỉnh thuế TTĐB, giá xe hơi dung tích nhỏ đã rẻ hơn trước, bạn bè đều sắm nên gia đình tôi cũng đang tính tới mua một chiếc để đi cho bằng bạn bằng bè. Nhà cũng không giàu có là mấy nên chỉ mua loại xe giá rẻ là hợp lý, chứ tội gì mà phải mua xe đắt tiền".
Trong khi đó, anh Trần Hòa (quản lý một hãng xe nhập khẩu trên địa bàn TP. Hà Nội) cho biết, gần đây ôtô nhập khẩu từ các nước ASEAN bán rất chạy nhờ giá rẻ, trung bình khoảng 18.000 USD/chiếc. Theo anh này, nguyên nhân giá ôtô nhập khẩu từ Thái Lan thấp là do Việt Nam đang áp dụng lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiện thuế nhập khẩu ôtô từ Thái Lan đã giảm từ 50% xuống còn 40%, theo lộ trình thì đến năm 2017 thuế nhập khẩu ôtô sẽ giảm về 30% và đến năm 2018 chỉ còn 0%.
“Trước đây, chỉ có những gia đình phải có điều kiện, có nhà riêng đàng hoàng mới dám sắm ôtô cá nhân; nhưng khi thuế nhập khẩu giảm còn 0% thì ôtô sẽ rất rẻ, giới trung lưu cũng có thể mua được một chiếc ôtô với giá từ 200 - 350 triệu đồng”, anh Hòa nhận định
Khảo sát cho thấy xu thế mua ôtô cá nhân đã bắt đầu tăng mạnh, các gia đình đều muốn tận dụng lúc ôtô giảm giá để sắm phục vụ cho công việc. Tuy nhiên, mặt trái là cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM lại không đáp ứng nổi nhu cầu đi lại của người dân nhất là lúc nhu cầu đi xe hơi tăng lên.
Từ xưa đến nay, vấn đề ùn tắc giao thông đã trở thành bài toán rất nan giải với các ngành chức năng. Cầu vượt mọc lên ầm ầm, các tuyến đường trên cao cũng đã được xây dựng nhiều nhưng vẫn chưa thể khắc phục tình trạng này trong khi lượng ôtô phục vụ cá nhân ngày càng nhiều.
Trả lời Doanh Nghiệp Việt Nam, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính gây kẹt xe và tắc đường ở Việt Nam chủ yếu là do xe máy vì số lượng quá nhiều. Nếu phát triển ôtô đặc biệt là ôtô cộng cộng mà giảm được xe máy là rất tốt. Tuy nhiên, việc này gần như không thể bởi cuộc sống nhu cầu ngày càng cao của người dân. Vì vậy, việc tăng vọt số lượng ôtô sẽ làm cho tình trạng kẹt xe, tắc đường thêm trầm trọng.
Vị này cũng nhấn mạnh, trong điều kiện phát triển kinh tế và phát triển thành phố như hiện nay, việc gia tăng lượng ôtô là một xu thế tất yếu. “Chúng ta phải nhìn nhận, do phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam chưa thật sự đầy đủ nên vì nhu cầu đi lại, người dân phải mua xe cá nhân. Ở các nước phát triển, phương tiện đi lại chủ yếu là ôtô và xe công cộng, nhưng ở Việt Nam lại chủ yếu là xe máy, số lượng tiêu thụ ôtô theo thống kê của các hãng xe tăng mạnh nhưng chủ yếu phục vụ cá nhân”, vị này nói.
Cũng theo vị này, theo nhu cầu phát triển, lượng ôtô ở Việt Nam chắc chắn sẽ càng tăng cáo, đặc biệt là trước việc ôtô giá rẻ đang ồ ạt về Việt Nam và rõ ràng việc này sẽ lại là mối lo cho các ban ngành giao thông trong việc chống ùn tắc. “Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng với nhu cầu phát triển của xã hội là một bài toán khó khăn đối với các cấp, các ngành lúc này. Chúng ta không thể hạn chế số lượng xe ôtô vì đó là nhu cầu tất yếu và chính đáng của người dân chính vì vậy phải làm tốt hơn về cơ sở hạ tầng và có giải pháp chiến lược để đáp ứng nhu cầu đó", đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay.
Vị này cũng đánh giá, tại TP. Hà Nội đang mất cân đối trong quá trình phát triển giao thông đô thị. Lấy dẫn chứng, vị này cho biết tỷ lệ diện tích đất dành cho hạ tầng giao thông quá thấp so với tiêu chuẩn, trong khi đường sắt đô thị, vận tải khối lượng lớn chưa hình thành. Tỷ lệ diện tích cho giao thông tĩnh cũng quá thấp so với nhu cầu dừng, đậu của phương tiện mà tình trạng người dân thường di chuyển trên lòng lề đường là một minh chứng.
"Theo tôi, các nhà quản lý không còn cách nào khác là phải nghĩ ra phương án nào đó nâng cao hạ tầng giao thông, đẩy mạnh việc phát hiện các phương tiện công cộng mới có thể hạn chế được vấn đề này. Chứ như tình hình hiện nay, nhu cầu sử dụng ôtô cá nhân ngày càng cao nếu không sớm có phương án thì tình tràng ùn tắc ngày càng trầm trọng", đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhìn nhận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo