Phân tích

Công bằng cho người kinh doanh

Với cách tính thuế thu nhập cá nhân mới, cá nhân, hộ kinh doanh có đăng ký, có doanh thu từ 8,4 triệu đồng/tháng đã bắt đầu phải đóng thuế.

Trong khi đó, có không ít cá nhân, hộ kinh doanh không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào dù doanh thu lớn hơn con số kể trên rất nhiều.

 
Trường hợp của chị Yên là một ví dụ. Chị Yên có một quán ăn nhỏ, bán điểm tâm sáng trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM. Quán có lượng khách đông và ổn định nên dù chỉ bán khoảng 4 tiếng đồng hồ buổi sáng, doanh thu, như chị Yên chia sẻ là hơn 3 triệu đồng/ngày. Tính ra, doanh thu mỗi tháng không dưới 90 triệu đồng.
 
 Cùng buôn bán nhỏ, nhưng có người phải nộp thuế, có người không. Trong ảnh: Một điểm bán thức ăn cho học sinh. Ảnh: MINH KHUÊ
 
Vậy nhưng, theo chị Yên, chị không phải đóng bất kỳ khoản thuế nào vì không đăng ký kinh doanh. Quán có tới bốn nhân viên phụ việc nhưng cũng không đóng bảo hiểm xã hội, mua bảo hiểm y tế… cho họ. Khoản “nộp ngân sách” duy nhất mà chị Yên đóng là 1 triệu đồng/tháng cho ủy ban nhân dân phường. Chị Yên nói chị làm việc này một cách tự nguyện, gọi là đóng góp chút ít cho phường chứ không phải nộp thuế và tất nhiên, không hề có biên lai. Quán của chị Yên chưa bao giờ bị cơ quan nào kiểm tra, trừ thanh tra đô thị đi nhắc nhở không lấn chiếm vỉa hè.
 
Chị Hà, người kinh doanh trái cây ở đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM cũng vậy. Chị thuê một căn nhà nhỏ ở hẻm, vừa để ở vừa bán trái cây hàng ngày. Doanh thu ngày thường là 2 triệu đồng, còn ngày Rằm, mùng Một hay lễ, tết thì gấp vài lần con số này. Lãi từ bán trái cây đủ nuôi sống hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ của chị.
 
Nhiều người cũng kinh doanh nhưng không phải đóng một đồng tiền thuế, phải chăng đây là kiểu quản lý “nắm kẻ có tóc” của ngành thuế.
 
Vậy nhưng, khi được hỏi về chuyện đóng thuế, chị Hà tỏ ra rất ngạc nhiên. Chị cho biết, bao nhiêu năm buôn bán tại đây, chưa bao giờ có ai đến kêu đóng thuế và tất nhiên, chị cũng chẳng làm công việc là tự nguyện đến cơ quan chức năng đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế. “Ở đây ai cũng vậy thôi. Mấy chị bán tạp hóa, bán thịt cá, bán bún xung quanh, không có ai phải đóng đồng thuế nào” - chị Hà chỉ hàng chục hộ kinh doanh nằm dọc con hẻm như chị, nói thêm.
 
Trường hợp của chị Quỳnh, tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại chợ Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM lại khác. Được mẹ tặng quà hồi môn là sạp đồ khô khi cưới nên chị Quyên nối nghiệp kinh doanh, đến nay cũng 10 năm có lẻ. Và trong trí nhớ của chị, tiền chợ, tức các loại tiền tiểu thương như chị phải đóng góp, cứ tăng dần. Nào là phí vệ sinh, thuế môn bài… Mới đây, tổ trưởng ngành hàng của chị đi họp ở ban quản lý chợ về thông báo, từ đầu năm nay, thuế phải đóng mỗi tháng sẽ tăng thêm 50%.
 
Chị Quỳnh không rõ lắm lý do vì sao tăng, chỉ nghe mang máng là do khoán lại doanh thu bán hàng nhưng như vậy nghĩa là chị phải mất thêm gần 140.000 đồng mỗi tháng. Điều này, với chị, là không hợp lý. Bởi lẽ, suốt 10 năm kinh doanh kia, ngược với chiều hướng tăng lên của tiền chợ, doanh thu bán hàng lại ngày càng giảm đi.
 
Từ vài ba năm trở lại đây, lượng hàng bán ra của chị Quỳnh và nhiều bạn hàng cứ dần giảm đi vì siêu thị mở ra liên tục, khắp nơi, hút hết khách hàng. Đã vậy, kinh tế lại khó khăn, người mua chi tiêu tằn tiện. Có nhiều hôm, nói như chị Quỳnh là ngồi cả ngày mà “không đủ sở hụi”.
 
Nhiều lúc, chị Quỳnh tính sang sạp, kiếm công việc khác làm. Nhưng tính tới rồi tính lui, không đi chợ thì biết làm gì khi không có chuyên môn? Làm công nhân thì tăng ca, thêm giờ, không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình chu đáo. Cuối cùng, chị lại phải cố gắng duy trì. “Kinh doanh mỗi ngày một khó thế này mà lại tăng thuế nữa thì khổ quá!” - chị Quỳnh nói.
 
Chị Yên, chị Hà, chị Quỳnh chỉ là ba trong số rất nhiều người buôn bán nhỏ hiện nay. Tuy nhiên, chuyện thực hiện nghĩa vụ thuế lại rất khác nhau. Trong khi chị Quỳnh kinh doanh có đăng ký, thì chị Yên, chị Hà lại không. Chị Quỳnh dù kinh doanh khó đến đâu, đến hạn vẫn phải nộp thuế vì nếu không, ngay lập tức chị sẽ bị nhắc nhở. Chị Yên, chị Hà chưa bao giờ bị cán bộ thuế, phường xã nào tìm đến hỏi thăm, thu thuế và tất nhiên, các chị cũng không tự nguyện đến các cơ quan chức năng nộp thuế.
 
Thành ra, chị Quỳnh cứ cảm thấy ấm ức, bất công. Chị là người đóng thuế đàng hoàng thì cứ bị tăng thuế, thu phí đủ kiểu. Trong khi đó, nhiều người cũng kinh doanh nhưng không phải đóng góp gì. Chị gọi đây là kiểu quản lý “nắm kẻ có tóc”. Vì vậy, chị Quỳnh mong muốn, tính thuế cách nào thì tính, Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng cho những người kinh doanh. Có như vậy thì mỗi khi đóng thuế chị mới cảm thấy vui, thấy thoải mái!
 
 
Theo Người Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo