Góc nhìn

Công chức vay 2 tỷ đồng mua nhà: Đề xuất 'trên trời'

Đề xuất cho công chức vay đến 2 tỷ đồng để mua nhà được cho là đề xuất "trên trời", vì với số tiền phải trả hàng tháng lên tới 25 triệu đồng là điều không tưởng đối với các đối tượng này.

 Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu xây dựng gói tín dụng cho cán bộ công chức, viên chức... có thu nhập khá vay mua chung cư cao cấp, nhà liền kề. Dự kiến người vay sẽ được vay tối đa 2 tỷ đồng, lãi suất cho vay dao động 6-7,5%/năm, thời hạn vay tối đa là 10 năm. Tuy nhiên, điều kiện để các đối tượng này được vay là có tổng thu nhập cả gia đình đạt 25 triệu đồng/tháng trở lên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và người dân, đề xuất này sẽ khó khả thi vì dù lãi suất thấp nhưng so với thu nhập của các đối tượng này vẫn còn quá cao. Ngoài ra, yêu cầu các đối tượng được vay có thu nhập từ 25 triệu đồng/tháng trở lên là không phù hợp với thu nhập của công chức hiện nay.

Cho công chức vay 2 tỷ đồng mua nhà, có khả thi?

Anh Hải Anh, một công chức ở Hà Nội nhẩm tính, nếu một khách hàng vay 2 tỷ đồng với lãi suất cố định 7% trong vòng 10 năm, thì mỗi tháng ước tính phải trả số tiền cả gốc lẫn lãi khoảng 28,26 triệu đồng. Số tiền này đối với công chức là một số "không tưởng". Đấy là mới tính tiền trả lãi, còn tiền ăn uống, sinh hoạt thì còn chưa nói đến.

Tương tự, chị Hòa - một công chức khác cũng đặt câu hỏi, quy định thu nhập cả 2 vợ chồng lên tới 25 triệu đồng/tháng, thì liệu có bao nhiêu công chức đủ tiêu chuẩn? 

Theo chị Hòa, thực tế hiện nay, 2 vợ chồng cán bộ công chức 1 tháng làm trung bình cũng chỉ được 10 triệu đồng/tháng là cùng. Chị làm công việc 13 năm nay (lương bậc 4 chuẩn bị lên 5), vỏn vẹn chưa đầy 5 triệu đồng/tháng thì lấy đâu ra 13 triệu đồng để trả ngân hàng mà còn dư 50% cho chi phí sinh hoạt nữa chứ?

“Nghe qua cái tên quả là rất hay, nhưng tính khả thi chắc chắn không có. Bởi tính lương cán bộ công chức Nhà nước hiện nay thì sẽ rõ. Hơn nữa, những người thu nhập trên 25 triệu đồng thì chắc cũng đâu cần phải vay mua nhà. Bản thân tôi tính sơ qua chắc tôi cố gắng làm công chức đến năm 80 tuổi may ra có cơ hội”, chị Hòa cho hay.

Không phải chỉ công chức, mà đối tượng thứ hai được ưu ái nhắc tới là lực lượng vũ trang cũng không dễ dàng gì tiếp cận. 

Anh Trần Tuấn - đang công tác trong lực lượng vũ trang tính toán: “Tôi đã 16 năm trong lực lượng vũ trang, lương hiện giờ 9 triệu đồng/tháng, trừ các khoản không thể không trừ, còn tầm 8 triệu đồng, vợ công chức UBND phường, tháng 3,5 triệu đồng, làm sao vay nổi gói này. 

Chỉ khi nào có vợ làm công ty nước ngoài, lương tháng 20 triệu đồng trở lên mới vay nổi. Không biết công chức ở nước nào, Việt Nam thì không có rồi. Đây rõ ràng là đề xuất trên trời rồi”. 


Trả lời báo chí, GS. Đặng Hùng Võ cho hay, nguồn cung căn hộ còn khan hiếm cùng những điều kiện ràng buộc (phải được xác nhận chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân đầu người thấp hơn 8 m2/người…) là những bất cập khiến gói 30.000 nghìn tỷ đồng không hấp dẫn giới công chức có thu nhập khá và cao. Vì vậy, gói hỗ trợ công chức vay mua nhà được không chỉ khách hàng mà cả giới bất động sản rất quan tâm với kỳ vọng  “trám lỗ hổng” đang tồn tại của gói 30.000 tỷ đồng

“Hiện có một số lượng lớn công chức đang có nhu cầu vay mua những căn hộ, nhà liền kề trị giá hơn 1,05 tỷ đồng; trong khi thị trường căn hộ trung cấp, cao cấp, nhà liền kề đang tồn kho nhiều. Gói vay này và gói 30.000 tỷ không chồng chéo nhau bởi hướng đến những đối tượng khách hàng khác nhau”, GS. Đặng Hùng Võ phân tích.

Ngoài ra, điều kiện gia đình đạt thu nhập 25 triệu đồng/tháng có thể được vay vốn đến 2 tỷ cũng khiến các ngân hàng ngại ngần. 

Một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Agribank nhẩm tính, nếu một khách hàng vay hai tỷ đồng với lãi suất cố định 7% trong vòng 10 năm, thì mỗi tháng ước tính phải trả số tiền cả gốc lẫn lãi khoảng 28,26 triệu đồng. Khi số tiền trả ngân hàng còn cao hơn tổng thu nhập gia đình, thì gia đình đó lấy gì để chi tiêu hàng ngày và ngân hàng cũng không thể duyệt một hồ sơ cho vay như vậy.


Bà Đào Hải Ninh - Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông - MDB, chi nhánh Hà Nội cho rằng, cần phải xác định thế nào là thu nhập khá trở lên, mức này dựa trên tiêu chí nào. Tiêu chí đó không thể căn cứ vào bậc lương mà phải tùy theo vùng miền cũng như từng thời kỳ. 

Chính vì vậy, việc xác định đối tượng là quan trọng nhất. Tiêu chí về thu nhập, mức thu nhập 25 triệu đồng/tháng được đánh giá là khá trong xã hội, nhưng có thể lại không cao với các ngân hàng khi cho vay tới 2 tỷ đồng để mua nhà. Để có được tiêu chí xác định đối tượng thì các ban ngành phải ngồi lại với nhau, đồng thời lấy ý kiến thêm của các tổ chức như hội doanh nghiệp, công ty chuyên nghiên cứu về thị trường, nghiên cứu của các tổ chức về thu nhập theo khu vực... 

Ngoài ra, gói vay này sẽ không khống chế giá trị căn hộ mà chỉ hạn chế đối tượng vay là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… có tổng thu nhập cả gia đình đạt 25 triệu đồng/tháng trở lên; mức vay tối đa hai tỷ đồng trong vòng 10 năm; mức lãi suất dự tính dao động 6-7,5%. 

Phía các ngân hàng cho rằng, khó duy trì được mức lãi suất cho vay 6-6,5% (tương đương với lãi suất đầu vào đang được các ngân hàng huy động) trong 10 năm nếu không có sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước.


Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nếu lãi suất thả nổi, chắc chắn người tiêu dùng sẽ không dám vay để mua nhà.

“Thời gian qua, nhiều ngân hàng trên địa bàn cũng đã đưa ra các gói cho vay mua nhà với lãi suất 3-5%/năm cố định trong năm đầu tiên, sau đó thả nổi nhưng cũng không thu hút được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng do rủi ro lãi suất quá cao”, ông Châu nói.

Theo VTC
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo