Cộng đồng doanh nhân phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền
Sáng 14/5, tại Hội trường Thành ủy TP HCM, đã diễn ra tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam trước việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam". Ông Đăng Bình, Trưởng Ban Doanh nhân Pháp Luật cho biết, buổi tọa đàm là một “Hội nghị Diên Hồng” của giới doanh nhân Việt Nam để bày tỏ lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đấu tranh đến cùng để bảo vệ tổ quốc trước việc làm ngang ngược của Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt tại thềm lục địa của Việt Nam.
|
Nhiều hoạt động biểu tình phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam. |
Ông Thái Vũ Hòe, Giám đốc chi nhánh phía Nam Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam cho rằng, doanh nhân cũng là người con của dân tộc Việt Nam, cần phải có phản ứng trước sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. "Đại diện giới doanh nhân, chúng tôi đề nghị Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Doanh nhân Việt Nam sẵn sàng đóng góp công sức, máu xương để bảo vệ quê hương đất nước", ông Hòe nói.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Đức cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và coi thường cộng đồng thế giới. Đây là việc làm tự cô lập của Trung Quốc trong mắt cộng đồng thế giới.
Các doanh nhân cũng đã đưa ra nhiều hành động thiết thực trong việc thể hiện lòng yêu nước, phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Cảnh Hà, Giám đốc Công ty An Thiên Lý, một doanh nhân đầu tiên trình Thủ tướng phê duyệt đề án lấn biển chia sẻ, người dân thì biểu tình để thể hiện lòng yêu nước, còn doanh nhân cần có biện pháp riêng. Đó là truyền lửa bằng cách vận động toàn bộ nhân viên hãy dùng hàng Việt Nam và giới doanh nhân cố gắng nâng cao chất lượng hàng hoá của Việt Nam để thay thế dần hàng Trung Quốc.
Ông Nguyễn Kiên Trì, Giám đốc công ty Tư vấn The Pathfinder cũng đưa ra nhiều quan điểm thiết thực. Trước hết về cá nhân, ông cho biết sẵn sàng "hiến dâng" bất cứ lúc nào khi tổ quốc cần. Thứ hai là đứng trên giác độ doanh nhân, ông kêu gọi cộng đồng doanh nhân cần thể hiện lòng yêu nước, sự phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc bằng bản lĩnh và trí tuệ.
"Chúng ta cần phải bình tĩnh và bản lĩnh. Nên có những hành động thiết thực chứ không nên trở thành 'anh hùng bàn phím' chỉ hô hào, nói suông", ông nói. Bản lĩnh theo ông Trì nằm ở sự thông hiểu của vấn đề, chứ không phải là sự kêu gọi kích động phá hoại hay bài trừ, tẩy chay...
Doanh nhân này cho rằng, bản thân người dân Trung Quốc không liên quan gì đến vụ xâm phạm chủ quyền Việt Nam, thậm chí là họ chưa hiểu rõ nội tình vấn đề. "Do đó, nhiệm vụ của các doanh nhân Việt Nam là thông qua các mối quan hệ làm ăn đối tác, hãy tích cực giải thích, tuyên truyền cho giới này để tranh thủ sự ủng hộ của họ chứ không phải là ta đi bài trừ họ", ông nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, các doanh nhân đã đóng góp hơn 140 triệu đồng để hỗ trợ nâng cao đời sống, động viên những người con quê hương ở biển đảo đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông. Trước đó, trong mấy ngày qua, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động hưởng ứng thiết thực.
Chủ động ủng hộ 100 triệu đồng, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi nói: “Hơn lúc nào hết, trong thời điểm này người dân Việt cần phải đồng lòng, đoàn kết. Tôi có điều kiện thì ủng hộ tiền, ai không có tiền thì ủng hộ tinh thần”.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) phát động hẳn chương trình “Chung sức bảo vệ Biển Đông của Việt Nam”, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ để kịp thời hỗ trợ, động viên các lực lượng đang ngày đêm tham gia, bảo vệ chủ quyền trên biển của tổ quốc. Chương trình kéo dài đến 31/5. Trước mắt, Vasep ủng hộ 1 tỷ đồng.
Nhiều tập đoàn doanh nghiệp khác cũng đóng góp từ sớm là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao 1,2 tỷ đồng ủng hộ tới lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam. Công ty Vinamilk ủng hộ 1 tỷ đồng cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển. Công ty Trường Hải góp 1 tỷ...
End of content
Không có tin nào tiếp theo