Phân tích

Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025: Cơ hội và thách thức mới với Việt Nam

(DNVN) - Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, việc hội nhập sâu hơn vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong giai đoạn tới sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho Việt Nam.

Mở ra nhiều cơ hội

Nói rõ hơn về cơ hội khi vào AEC, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, khi hội nhập sâu tức là khi hàng rào thuế quan được loại bỏ, các hàng rào phi thuế được cắt giảm tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động kỹ năng của Việt Nam được lưu chuyển dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN. 

Theo Thứ tưởng, AEC không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường trong nội khối với khoảng 625 triệu dân và GDP hàng năm đạt gần 3000 tỷ USD mà còn là khu vực giao thoa của nhiều hiệp định thương mại song phương giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối và với các khu vực khác trên thế giới. 

Do đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường ngoài khối có quy mô kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Hồng Kông thông qua các FTA ASEAN+ 1 đã có và Hiệp định ASEAN-Hồng Công, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong tương lai.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025: Cơ hội và thách thức mới đối với Việt Nam.

Việc hội nhập sâu hơn về dịch vụ sẽ giúp thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trong nước, nhất là các ngành dịch vụ có lợi thế tiềm năng của nước ta như dịch vụ du lịch, vận tải hàng không, logistics. Điều này sẽ góp phần tích cực cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của ta.

Việt Nam cũng sẽ có thêm cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ ASEAN và các đối tác ngoài ASEAN thông qua cải thiện và tăng sức hấp dẫn của thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước có năng lực cũng có cơ hội đẩy mạnh đầu tư ra các nước ASEAN.

Củng cố AEC đồng nghĩa với việc củng cố vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các nước ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, giúp chuyển đổi nền kinh tế và từng bước tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, thông qua AEC, Việt Nam sẽ tận dụng được các cơ hội khai thác các dự án về phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế và tăng cường kết nối với các nước ASEAN và đối tác.

Cũng vô vàn thách thức

 

Về thách thức, theo Thứ tưởng Nguyễn Cẩm Tú, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh đến từ việc tự do hóa, mở cửa thị trường, nhất là trong điều kiện các nước ASEAN có các lợi thế so sánh khá tương đồng với Việt Nam.

Nếu sức cạnh tranh yếu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó trên thị trường nội địa và khó có khả năng vươn ra, chiếm lĩnh trên thị trường các nước thành viên ASEAN khác. Doanh nghiệp năng lực kém sẽ không được chọn để tham gia các khâu có lợi nhuận cao của chuỗi cung ứng, do đó sẽ chủ yếu tham gia các công đoạn gia công. Người lao động trình độ thấp sẽ khó vươn lên các vị trí quản lý hay trở thành các chuyên gia có mức lương cao, khó di chuyển tự do và tận dụng tốt các cơ hội mở ra theo các cam kết hội nhập kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, sức ép này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp trong nước buộc phải cải thiện năng lực cạnh tranh, lao động trong nước phải nâng cao trình độ để có thể tham gia các thị trường ASEAN và các thị trường khác trong khu vực.

Cũng theo Thứ trưởng, việc thực thi các cam kết trong ASEAN cũng đòi hỏi Việt Nam rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhưng đồng thời, cũng có tác động tích cực là tăng cường tính minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, để tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức, quá trình hội nhập AEC cần đi đôi với việc phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia. Giải pháp quan trọng nhất là xây dựng năng lực dài hạn của doanh nghiệp, người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn diện.

 

Để thực hiện giải pháp này, Chính phủ cần thúc đẩy cải cách hành chính tập trung vào tạo thuận lợi thương mại như vận hành thông suốt Cơ chế một cửa quốc gia và tiếp tục kết nối với các nước để hình thành Cơ chế một cửa ASEAN và khắc phục các bất cập trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang bị đánh giá thấp so với các nước: minh bạch hóa chính sách, thủ tục thuế, hải quan. 

Chính phủ cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đồng thuận xã hội đối với mục tiêu xây dựng AEC; nghiên cứu đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền để nâng cao hiệu quả hoạt động này với xã hội, đặc biệt các doanh nghiệp; tăng cường sự tham gia của các cơ quan thông tấn, truyền thông trong việc quảng bá thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế tới mọi đối tượng. 

Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu, tổ chức sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề, xây dựng chương trình giáo dục theo hướng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế để cải thiện về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, các kỹ năng sống, thể lực… của lao động trong nước nhằm tham gia hiệu quả vào phân công lao động trong khu vực ASEAN. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng thu hút sự hỗ trợ, đầu tư về cả vốn, kỹ thuật và chuyên gia từ các nước phát triển hơn trong nội khối để đẩy nhanh quá trình dịch chuyển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tạo đà cho Việt Nam phát triển cân bằng hơn so với các quốc gia trong khu vực.

Về phía doanh nghiệp và người dân, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để kinh doanh quy mô và dài hạn trong tương lai.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo