Công khai năng lực các sếp DNNN
Bản báo cáo do Bộ Kế hoạch & đầu tư chuẩn bị, được các thành viên CP đánh giá là khá chi tiết, đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, tồn tại.
Nền kinh tế bị can thiệp hành chính quá nhiều
Ở khâu tổ chức thực hiện, báo cáo cho rằng thể chế kinh tế ở ta phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản dưới luật, và kể cả các quyết định điều hành mang tính hành chính. Do đó, hiệu lực thể chế bị tùy thuộc quá nhiều vào giải thích và cách thức thực hiện của bộ ngành và người có thẩm quyền liên quan.
Các hoạt động kinh tế về cơ bản được triển khai trên địa giới hành chính cấp tỉnh, thiếu liên kết vùng. Vì thế, hiệu quả phụ thuộc vào tính năng động, năng lực, tầm nhìn, và cái tâm của lãnh đạo từng địa phương. Điều đó khiến cho thể chế kinh tế thực tế bị chia cắt theo không gian hành chính.
Trong vận hành, quản lý, Nhà nước - bao gồm cả cơ quan ở trung ương và địa phương - còn tham gia và can thiệp hành chính trực tiếp, với quy mô tương đối lớn vào việc phân bổ nguồn lực và sự vận hành của nền kinh tế. Hình thức tác động rất đa dạng, vừa bằng hệ thống quy hoạch phát triển ngành, vừa bằng quyết định hành chính, và kể cả bằng can thiệp trực tiếp với tư cách là chủ đầu tư các dự án, và chủ sở hữu doanh nghiệp. Tỷ lệ tổng đầu tư nhà nước tính trên tổng đầu tư xã hội và đóng góp của DNNN vào GDP còn ở mức cao so với thông lệ quốc tế.
Ảnh minh họa
Quản lý nhà nước chưa ngang tầm, chưa tách biệt về tổ chức giữa cơ quan làm chính sách, cơ quan điều tiết thị trường và cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công, do đó chưa kiểm soát được lẫn nhau, và dễ xảy ra xung đột lợi ích trong quản lý nhà nước.
Môi trường kinh doanh và quyền tự quyết của DN còn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố can thiệp phi thị trường. Chế độ quản trị DN, đặc biệt là DNNN, chưa tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ - nhất là giá vốn, và các mặt hàng có tính độc quyền nhà nước vẫn bị méo mó, sai lệch do các yếu tố phi thị trường. Quản lý tài sản và đầu tư công, trong đó có quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và DNNN còn nhiều bất cập, gây lãng phí, thất thoát, để lại nhiều hệ lụy về KT-XH.
Chấm dứt kiểu cấp tín dụng theo chỉ đạo
Báo cáo cũng chỉ ra sáu vấn đề lớn, gồm cả những gì cố hữu từ trước khó giải quyết và những vướng mắc mới nảy sinh, gồm: (1) Thể chế hóa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và bảo đảm quyền sở hữu tư nhân; (2) Quy mô kinh tế cấp tỉnh và vai trò của chính quyền cấp tỉnh trong phát triển kinh tế; (3) Cổ phần hóa DNNN trong nền kinh tế; (4) Chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế; (5) Phạm vi và hiệu quả của đầu tư công và cung ứng dịch vụ công – biểu hiện quan trọng để đánh giá hiệu quả và vai trò của nhà nước trong nền kinh tế; và (6) điều phối tổng hợp trong quá trình phát triển.
Từ những đánh giá thẳng thắn trên, Bộ Kế hoạch & đầu tư kiến nghị hàng loạt giải pháp, trong đó đáng chú ý là cần có chủ trương, biện pháp để chuyển toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty và DNNN sang hoạt động theo mô hình cổ phần trong 3-4 năm tới. Có chế tài và kiên quyết xử lý người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu các đơn vị kinh tế nhà nước không thực hiện đúng kế hoạch tái cơ cấu, sắp xếp DN mà trước hết là kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Cần áp dụng đúng, đầy đủ các nguyên tắc của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD về quản trị công ty trong DNNN. Cụ thể, phải nâng cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ sở hữu nhà nước. Tăng cường, công khai thông tin và minh hoạch hóa hoạt động của DNNN.
Cần đổi mới mạnh mẽ trong quản lý cán bộ tại DNNN theo hướng tách bạch với chế độ công chức, viên chức. Công khai kết quả đánh giá hàng năm về hoạt động của những người trong Hội đồng thành viên, HĐQT và tổng giám đốc DNNN. Tạo điều kiện để kiểm soát viên ở các ban kiểm soát hoạt động độc lập với Hội đồng thành viên, chủ tịch và bộ máy điều hành cả về nhân lực và thẩm quyền, nhằm trở thành cơ quan giám sát thực sự của chủ sở hữu tại DN.
Cần chấm dứt các hình thức cho vay, cấp tín dụng theo chỉ đạo, chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước với các dự án đầu tư của DNNN. Tiếp tục mở cửa thị trường trong các ngành còn độc quyền, trước hết là thị trường sản xuất và cung ứng điện, bán lẻ điện.
Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò của Luật Đầu tư công mà CP đang xây dựng. Theo đó cần áp dụng các thông lệ quốc tế của quản lý nhà nước về đầu tư công mà Ngân hàng Thế giới đưa ra…
Đây là một báo cáo quan trọng được các thành viên CP thảo luận cùng với dự thảo nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2014-2015.
End of content
Không có tin nào tiếp theo