Khoa học - Công nghệ

"Cánh đồng thông minh": Nông dân đi thăm ruộng bằng ô tô

DNVN - Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và đồng bộ cơ giới hóa trong canh tác. Các thiết bị cảm biến mực nước, quan trắc mật độ côn trùng gây hại trên cánh đồng rồi “biệt đội Drone (máy bay không người lái)” đến tận ruộng để phun xịt thuốc, giúp người nông dân không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước đây.

Ngắm xe đạp hoài cổ Craftsman 1924 45 triêu của “dân chơi” Đồng Tháp / Biker Đồng Tháp chi hơn 100 triệu để' lột xác' Honda Vario 150

Theo chân nông dân Nguyễn Văn Đồng, PV Doanh nghiệp Việt Nam được dịp về thăm “cánh đồng thông minh” thuộc “Dự án cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0” tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Dự án do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (HTX Mỹ Đông 2) triển khai thực hiện từ năm 2017, với diện tích 170ha (trên tổng diện tích 575ha) được UBND tỉnh Đồng Tháp đầu tư hàng chục tỷ đồng theo hình thức vốn đối ứng, để xây dựng cơ sở hạ tầng kênh mương, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Nông dân Nguyễn Văn Đồng kể về câu chuyện mần lúa trên "cánh đồng thông minh".

Mặt ruộng không dấu chân người

Ông Đồng cho biết, ông là một trong những thành viên HTX Mỹ Đông 2 đang canh tác trên cánh đồng này. Từ năm 2014, cánh đồng được tỉnh đầu tư đường nội đồng, hệ thống thủy lợi, trạm bơm nước biến tần… “Giờ đây, thay cho những đoạn đường lầy lội là những con đường đan nội đồng dài thẳng tắp của cánh đồng rộng lớn này. Nếu lúc trước, để có thể ra tới ruộng, chúng tôi phải xin quá giang xe cấy lúa của “biệt đội máy cấy”, chứ đâu được đi xe máy hay thậm chí là ô tô như lúc này”, ông Đồng khoe.

Khi được chúng tôi hỏi, ở đây còn ruộng nào đưa trâu ra cày? ông Đồng nói: Bây giờ làm gì còn thấy hình ảnh người nông dân dầm mưa, đội nắng ra đồng nữa huống chi là kéo cày. “Từ khâu sạ lúa, rải phân, phun thuốc đều do “biệt đội máy cấy, biệt đội Drone” làm hết rồi. Đến kỳ thu hoạch, chúng tôi chỉ ra đồng, ghi sản lượng lúa và tính tiền”.

a

Những con đường đan nội đồng rộng lớn, dài thẳng tấp của cánh đồng giúp bà con thăm lúa bằng ô tô, xe máy, không còn cảnh xoắn quần lội đồng như ngày trước.

Nhớ lại cảm giác ngồi trên bờ kênh chờ “biệt đội máy cấy” đến cấy lúa cho ruộng nhà mình trong vụ đông xuân vừa rồi, nông dân Lê Văn Hậu (thành viên HTX Mỹ Đông 2) chia sẻ: “Giờ làm ruộng khỏe re, không còn xoắn quần lội bùn như xưa. Muốn cấy loại giống gì, vào thời điểm nào rồi khâu bán lúa cũng đều do HTX đứng ra lo hết rồi. Mình chỉ cần chuẩn bị đồng ruộng rồi chờ tới lượt”.

Ngồi trên xe ô tô cùng ông Lê Văn Nguyện - Giám đốc HTX Mỹ Đông 2 đi tham quan cánh đồng 575ha của HTX, chúng tôi không còn thấy hình ảnh người nông dân hì hục đội lúa giống, kéo hàng, đánh đường gò theo phương thức canh tác truyền thống. Thay vào đó là những hình ảnh thiết bị, máy móc và sức mạnh từ cuộc “Cách mạng công nghiệp 4.0” vào canh tác lúa theo quy trình sản xuất hiện đại.

"Biệt đội Drone" thay bà con xịt thuốc diệt sâu, rầy.

"Biệt đội Drone" thay bà con phun thuốc diệt sâu, rầy.

Nói về dự án “cánh đồng thông minh”, ông Nguyện cho biết: Qua nhiều vụ lúa, các thành viên HTX đều ghi nhận khi áp dụng biện pháp canh tác mới, công nghệ đóng vai trò chủ lực đã giúp bà con giảm chi phí sản xuất khoảng 30%. Từ đó, giúp bà con tăng lợi nhuận lên rất nhiều trên cùng một thửa ruộng.

“Điều làm ông Đồng, ông Hậu cùng nhiều bà con trong HTX phấn khích mần ruộng công nghệ không chỉ là rảnh tay, rảnh chân hay thăm ruộng bằng ô tô, xe máy mà chính là hiệu quả từ công nghệ, giúp bà con tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ sức khỏe cho bà con. Có thể nói, mặt ruộng nơi đây không còn dấu chân người nông dân nữa”, ông Nguyện nói.

“Smartphone” mần lúa

Chia sẻ về “bí quyết” HTX Mỹ Đông 2 có thể thay thế cho tất cả thành viên để canh tác 170ha lúa, ông Lê Văn Nguyện - Giám đốc HTX tiết lộ: Được thành lập từ năm 2014, diện tích canh tác hiện tại hơn 575ha với 108 xã viên. Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đầu tư đường nội đồng, hệ thống thủy lợi, trạm bơm nước biến tần. Sau đó, một doanh nghiệp ở tỉnh Trà Vinh đến cung cấp phần mềm trên thiết bị Smartphone (điện thoại thông minh), đồng thời lắp đặt thêm hệ thống cảm biến mực nước trên đồng ruộng, đặt máy bẫy rầy… đồng thời, chuyển giao công nghệ này cho HTX vận hành đến nay.

Theo ông Nguyện, phần mềm được cài đặt trên với các tính năng như quan trắc nước sông; giám sát sâu rầy; quản lý thiết bị máy bơm; dự báo thời tiết; canh tác lúa… “chỉ cần điện thoại có kết nối với mạng internet thì tất cả các thành viên đều theo theo dõi ruộng lúa của mình qua Smartphone được hết. Tuy nhiên do đa số nông dân còn chưa quen với công nghệ, có người chỉ xài loại điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi nên mọi việc cứ HTX lo hết”, ông Nguyện cho biết.

a

"Smartphone" thay bà con giám sát mực nước

"Smartphone" thực hiện giám sát ruộng lúa.

Thừa nhận mình “dốt” công nghệ, nông dân Nguyễn Văn Đồng cho rằng, bây giờ đâu phải mần ruộng như ngày xưa, với 18ha lúa canh tác cùng HTX ông mạnh dạn giao cho mấy người con dùng Smartphone canh tác vì từ khâu xuống giống, phun thuốc, rải phân, thu hoạch lúa được cơ giới hóa 100%.

“Nông dân chúng tôi chỉ việc ngồi ở nhà vẫn biết đồng ruộng khô nước hay đang bị sâu rầy như thế nào. Chỉ cần nhấc máy “alo”, HTX sẽ xử lý ruộng đầy nước, còn sâu, rầy thì có “biệt đội Drone” đến tận ruộng phun xịt”, ông Đồng chia sẻ.

Về hiệu quả mô hình canh tác lúa như hiện nay, đa số nông dân đều hài lòng về năng suất cũng như tiết kiệm được chi phí. Nhờ trạm bẫy rầy, bà con giảm lượng phun thuốc đáng kể. Còn trạm vách ngăn máy bơm nước biến tần thì giảm thời gian bơm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Sau khi trừ hết chi phí mỗi vụ bà con thu nhập hơn 30 triệu đồng/ha.

Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyện cho biết: Hiện tại, Ban Quản trị HTX đã xây dựng mã vùng trồng cho hơn 508ha, doanh nghiệp bao tiêu sản lượng lúa từ 80-90%. Thời gian tới, HTX sẽ phát triển thêm các dịch vụ trong nông nghiệp ngoài dịch vụ bơm nước hiện tại, như đầu tư thêm máy bay không người lái để làm dịch vụ phun thuốc, rải phân, sạ lúa. Song song đó, HTX sẽ chuyển một ít diện tích lúa sang cây ăn trái. Đồng thời, thực hiện các công tác bao tiêu lúa mang tính bền vững, đảm bảo lợi ích của nông dân và doanh nghiệp.

Tạo điều kiện phát triển
Qua đánh giá của nông dân, ngành chức năng về “Dự án cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”, ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: Mô hình trồng lúa của HTX Mỹ Đông 2 gần như tất cả các khâu đều được cơ giới hóa và số hóa, giúp nông dân tăng thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/ha. Việc áp dụng nhiều công nghệ trong sản xuất đã giúp bà con giảm tiếp xúc với phân thuốc, ít ra đồng, lượng nước, phân thuốc giảm đáng kể. Từ đó, góp phần giảm khí thải nhà kính, bảo vệ sức khỏe con người.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang triển khai trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trong đó, đặt ra mục tiêu giảm phát thải nhà kính, tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, Đồng Tháp rất quan tâm và tạo điều kiện để những mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững như HTX Mỹ Đông 2 phát triển. Tuy nhiên, để những mô hình này phát triển được cần có nhiều nguồn lực đầu tư. Nguồn lực không chỉ có ở các HTX mà Nhà nước cần phải tham gia để đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp phải được nâng tầm, thực hiện các dịch vụ công về cơ giới và công nghệ, góp phần giảm giá thành sản xuất, giúp nông dân tăng lợi nhuận", ông Thiện nhấn mạnh.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm