Bài 3: Quyết tâm phục dựng lại nỏ thần trong truyền thuyết
Kỹ sư tên lửa: "Nỏ thần" An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? / Dương Dương - Vương Nhất Bác so kè nhan sắc "cực phẩm"
Nặng lòng với "nỏ thần" An Dương Vương
Kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh đã thiết kế "nỏ thần" để chứng minh nỏ thần của một triều đại Âu Lạc (nước Việt cổ) từ hàng nghìn năm trước thực sự là vũ khí lợi hại để dân tộc ta chiến đấu ngoan cường bảo vệ giang sơn xã tắc.
Tại hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến, văn minh, hiện đại”, ngày 21/3/2023, kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh, tác giả thiết kế "nỏ thần" An Dương Vương đã chia sẻ những thông tin thú vị về sáng chế nỏ thần của ông.
Theo ông Thanh, Nỏ thần An Dương Vương có ống tên như trong lễ hội rước nỏ thần của người dân Cổ Loa xưa, bắn đồng loạt các mũi tên đồng Cổ Loa xa đến 1.000m, sử dụng vuốt rùa làm lẫy nỏ như trong truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy, trùng hợp hoàn toàn với những ghi chép của sử sách xưa về Nỏ thần An Dương Vương.
Nỏ thần này là duy nhất trên toàn thế giới, bắn nhiều tên cùng lúc. Lực nỏ tác dụng vào ống tên, trong ống có nhiều mũi tên nhỏ. Phương pháp bắn nỏ bằng ống tên đã được cấp bằng độc quyền sáng chế toàn thế giới số 33480 ngày cấp 25/08/2022 .
Đặc điểm đặc biệt của nỏ là bắn bằng ống, mũi tên chỉ bay với vận tốc lớn gấp đôi vận tốc tên nỏ thường khi ở một vị trí đặc biệt duy nhất. Phải biết bí quyết, nguyên lý mới tìm được vị trí này. Đây chính là điều mà Trọng Thủy đứng ngay cạnh nỏ nhưng không phục dựng được nỏ thần và người dân Cổ Loa hàng nghìn năm qua cũng không phục dựng được.
“Bí quyết này chỉ có vua An Dương Vương biết được nên nỏ thần chỉ có một nỏ duy nhất đúng như truyền thuyết xưa mô tả. Nỏ thần bắn được đến cùng lúc 300 mũi tên đồng Cổ Loa. Nỏ thần được làm từ các vật liệu thông thường nhưng tốc độ bắn và hiệu quả vượt trội so với cả súng đại liên ngày nay”, ông Thanh chia sẻ.
Điều thú vị là với mũi tên đồng Cổ Loa, nỏ thần bắn tên với vận tốc lớn hơn nhiều lần nỏ thường. Tỉ trọng của đồng thắng được sức cản không khí, các vật liệu khác bắn với vận tốc lớn không bay được vì bị không khí cản lại.
Đầu mũi tên đồng sắc nhọn và nặng khiến trọng tâm dồn vào đầu mũi tên, bởi vậy, khi bay từ trên cao xuống đầu sắc nhọn bao giờ cũng bay xuống trước tiêu diệt mục tiêu. Đầu mũi tên có 3 cánh, cánh 1 ngắn hơn cánh 2, cánh 2 ngắn hơn cánh 3, tạo thành một bước của ốc vít để xuyên vào không khí, loại lực cản của không khí.
Đồng thời, mỗi cánh cong theo cùng chiều kết hợp với chuôi nhỏ dần đều nên khi bắn mũi tên khi bay quay quanh trục của mình, mũi tên ổn định và bay xa, không bị quay ngang và đầu nhọn hướng về phía mục tiêu. Mũi tên đồng khi đâm vào cơ thể sẽ biến dạng gây vết thương to rộng gây chết người nhanh. Có thể mũi tên đồng được tẩm độc, mũi tên bé bay xa chỉ cần chạm vào địch là gây chết người.
Kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh giới thiệu Nỏ thần An Dương Vương trong khuôn khổ hội thảo về phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô.
“Mũi tên đồng Cổ Loa có hình dáng khí động học đặc biệt là bí mật công nghệ của vua An Dương Vương, chỉ có vua mới biết công nghệ làm mũi tên và được vua giữ bí mật tuyệt đối. Khi Triệu Đà chiếm được thành Cổ Loa nhưng không phát hiện được xưởng đúc tên, điều này chứng minh mũi tên Cổ Loa đặc biệt cùng với nỏ thần tạo thành hệ thống siêu vũ khí bí mật, uy lực hiệu quả đúng như truyền thuyết "chỉ núi núi tan,chỉ ngàn ngàn cháy"”, ông Thanh cho biết.
Cho đến nay vẫn chưa tìm ra cách sử dụng khuôn đúc thời An Dương Vương để đúc được mũi tên đồng Cổ Loa như khảo cổ tìm được. Chỉ có mũi tên đồng Cổ Loa mới bay được thẳng, không quay ngang.
Một trong những cấu trúc đáng chú ý của nỏ thần là vuốt rùa làm lẫy nỏ. Cấu trúc bắn bằng ống nên vuốt rùa rất thích hợp để làm lẫy nỏ. Vuốt rùa rất cứng nên giữ được ống tên, đồng thời tạo hiệu ứng tâm lý khiến dân thường tưởng là có thần thánh rùa vàng phù hộ.
Vuốt rùa lẫy nỏ có thể tháo ra khỏi nỏ và tra vào nỏ khi cần bắn nỏ như một dạng chìa khóa . “Việc Trọng Thủy đánh tráo lẫy nỏ vuốt rùa khiến nỏ không bắn được đồng thời kết hợp với việc quân giặc tấn công khiến vua An Dương Vương không kịp làm lẫy nỏ thay thế phải bỏ chạy có thể có thật. Việc quân giặc truy sát bằng được vua An Dương Vương khiến nhà nước Âu Lạc không làm được nỏ thần thứ hai và bí mật nỏ thần lưu giữ hàng nghìn năm nay”, ông Thanh chia sẻ.
Quyết tâm phục dựng lại nỏ thần trong truyền thuyết
Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy kể rằng, vua An Dương Vương có nỏ thần (nỏ Liên Châu), bắn một lúc nhiều mũi tên khiến quân giặc đông đến hàng vạn cũng phải tan rã rồi bỏ chạy.
Nhiều ý kiến trong và ngoài nước cho rằng, thời An Dương Vương không có nỏ thần và đó chỉ là truyền thuyết không có thật. Thế nhưng, để minh chứng việc nỏ thần có từ thời vua An Dương Vương là điều không phải hoàn toàn vô căn cứ, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã dày công nghiên cứu phục dựng lại chiếc nỏ có cơ chế hoạt động giống nỏ thần. Sáng chế này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào tháng 8/2022.
Vinh dự được trải nhiệm một buổi bắn thực nghiệm nỏ của kỹ sư Vũ Đình Thanh tại Bảo tàng trưng bày cổ vật Cổ Loa thuộc Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi rất ấn tượng với hình ảnh kỹ sư Thanh chỉnh hướng nỏ về phía mục tiêu. Ông đặt ống tên vào rãnh nỏ, cùng lúc đó 2 người đàn ông tuổi trung niên kéo căng sợi dây thừng của nỏ, dùng lẫy cố định ống tên và cuối cùng đặt các mũi tên bằng đồng vào ống nỏ.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh giới thiệu chiếc nỏ có cơ chế hoạt động giống nỏ thần.
Chỉ bằng một thao tác gạt cần không mất nhiều sức, dây nỏ bật mạnh đẩy ống tên hướng về phía trước đến đầu mũi nỏ thì dừng, các mũi tên trong ống đồng loạt bay ra, hướng về phía mục tiêu với tốc độ cao và chính xác mà bằng mắt thường ko thể quan sát kịp mũi tên bay ra khỏi ống từ lúc nào, chỉ kịp thấy khoảnh khắc ống tên đã bay gần tới đích rồi cắm vào mục tiêu.
Để đạt được kết quả này, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã mất nhiều năm mày mò nghiên cứu để khám phá ra bí mật Nỏ thần An Dương Vương mà theo truyền thuyết là có từ hàng nghìn năm trước.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Bố anh nguyên là cán bộ của Viện Thiết kế (Bộ Quốc phòng), mẹ nguyên là cán bộ của Viện Khoa học công nghệ Tàu thủy (Bộ Giao thông vận tải). Vì vậy, ngay từ nhỏ, Thanh đã được bố, mẹ truyền cảm hứng và định hướng cho lĩnh vực mà anh theo đuổi về thiết kế, kỹ thuật.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh sang Cộng hòa Czech du học. Với thành tích học tập nổi bật, anh đã được các công ty, tập đoàn chuyên về thiết kế, kỹ thuật của Czech mời ở lại làm việc. Hiện tại, kỹ sư Thanh đang làm việc cho Công ty Cổ phần NPO Almaz thuộc Công ty Almaz-Antey của Nga, nơi tập trung nhiều nhà khoa học vật lý hàng đầu thế giới làm việc tại đây.
Ý tưởng làm "nỏ thần" đến với kỹ sư Vũ Đình Thanh trong một lần anh cùng du khách nước ngoài đi thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Khi thấy người thuyết minh của bảo tàng giới thiệu mô hình "nỏ thần" An Dương Vương cho khách nước ngoài nghe, nghe xong họ không nói gì, chỉ gật gù khen ngợi.
Sau đó họ nói với anh rằng, mô hình nỏ Liên Châu trong bảo tàng là không thuyết phục; xét về kỹ thuật thì không thể bắn xa cùng lúc nhiều mũi tên như truyền thuyết. Từ ý kiến của du khách nước ngoài, kỹ sư Thanh đã quyết tâm nghiên cứu, phục dựng "nỏ thần" An Dương Vương.
Đầu năm 2019, kỹ sư Thanh bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo. Quá trình nghiên cứu và chế tạo rất kỳ công. Ban đầu anh thử nghiệm làm nỏ bằng các cánh cung mà các vận động viên thể thao sử dụng khi thi đấu nhưng không thành công bởi cánh cung đó chỉ bắn được 1 mũi tên và cự ly ngắn chứ không bắn đồng loạt các mũi tên.
Sau đó, qua lời giới thiệu của bạn bè, anh tìm đến nghệ nhân Lò Văn Thuận (hay được gọi với cái tên Thuận Nỏ) ở bản Tông, xã Chiềng Xôm, TP Sơn La để đặt làm cánh nỏ bằng cây luồng. Tuy nhiên, sau vài lần bắn thử thì cánh nỏ lại hỏng.
Không bỏ cuộc, kỹ sư Thanh lặn lội đến huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm loại gỗ có độ đàn hồi tốt và độ bền cao về làm cánh nỏ. Làm được cánh nỏ rồi, anh tiếp tục nghiên cứu thiết kế hình dáng của nỏ, mũi tên nỏ, ống tên, lẫy nỏ, cơ chế bắn làm sao cho giống với Nỏ thần trong truyền thuyết nhất.
Sau hơn 2 năm mày mò nghiên cứu, chế tạo với 15 chiếc nỏ làm rồi bỏ đi, hàng trăm lần bắn thử nghiệm, kinh phí lên đến hàng tỷ đồng, kỹ sư Vũ Đình Thanh đã tạo ra chiếc nỏ có cơ chế hoạt động giống với Nỏ thần An Dương Vương, bắn tối đa được 12 mũi tên cùng lúc với độ xa hơn 300m.
Cụ thể, chiếc nỏ của kỹ sư Thanh sử dụng phương pháp bắn nỏ giống "nỏ thần" là bắn bằng ống tên, cho phép bắn cùng lúc nhiều mũi tên. Nhờ cách bắn này vận tốc của mũi tên nhanh ít nhất gấp đôi so với cách bắn nỏ thông thường, mũi tên cũng bay xa hơn.
Phương pháp này còn cho phép làm nỏ có độ lớn không hạn chế, bắn cùng lúc số lượng mũi tên không hạn chế, tầm xa có thể lên đến hàng nghìn mét. Đặc biệt, nỏ chỉ bắn được mũi tên bằng đồng vì tỉ trọng của đồng thắng được sức cản không khí, các vật liệu khác như tre, gỗ khi bắn với vận tốc lớn không bay được xa và chệch hướng vì bị tác động của lực cản không khí.
Chính vì thế Nỏ thần An Dương Vương chỉ bắn được mũi tên đồng giống với mũi tên đồng Cổ Loa mà không bắn được loại mũi tên khác.
Đầu mũi tên có 3 cánh, cánh 1 ngắn hơn cánh 2, cánh 2 ngắn hơn cánh 3, tạo thành một bước của ốc vít để xuyên vào không khí, đồng thời mỗi cánh cong theo cùng chiều kết hợp với chuôi nhỏ dần đều nên khi bắn mũi tên bay quay quanh trục của mình khiến mũi tên ổn định và bay xa, không bị quay ngang và đầu nhọn hướng về phía mục tiêu.
Những mũi tên bằng đồng cũng đã được khai quật ở Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Ngoài ra, nỏ còn sử dụng vuốt rùa làm lẫy rất cứng nên giữ được ống tên. Vuốt rùa có thể tháo ra khỏi nỏ và tra vào nỏ khi cần bắn, nỏ như một dạng chìa khóa.
Sáng chế này của kỹ sư Thanh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào tháng 8/2022. Hiện tại mô hình phục dựng Nỏ thần An Dương Vương của kỹ sư Thanh cũng đang được trưng bày tại Bảo tàng trưng bày cổ vật Cổ Loa và sắp tới anh có dự định tặng một mô hình khác cho Bảo tàng Hà Nội.
“Để có được kết quả như ngày hôm nay không phải chỉ mình tôi có thể làm được mà nhờ công sức của cả một tập thể gồm rất nhiều các nhà khoa học quân sự, lịch sử, khảo cổ đóng góp ý kiến, tư vấn, động viên và đồng hành với tôi từ những ngày đầu nghiên cứu như: Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, GS Nguyễn Quang Ngọc, PGS, TS Tống Trung Tín, Đại tá Vũ Tăng Bồng, Nhà báo Quốc Phong...”, kỹ sư Thanh chia sẻ.
Nhiều nhà khoa học quân sự và sử học, khảo cổ học Việt Nam đã ghi nhận sáng chế của Vũ Đình Thanh. PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, qua cuộc trình diễn càng chứng minh nỏ Liên Châu là có thật.
“Thực tế chúng ta đã tìm ra lò đúc, khuôn đúc, kho mũi tên. Ở thành Cổ Loa, chúng ta còn tìm thấy hệ thống lò đúc liên hoàn, nó không chỉ đúc tên đồng mà đúc vũ khí của An Dương Vương. Do đó, nếu giải mã xong nỏ thần bắn thế nào thì câu chuyện nỏ thần sẽ trở nên sinh động”, PGS, TS Tống Trung Tín nói.
GS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, chuyện Nỏ thần An Dương Vương được chép lại từ lâu, từ thế kỷ thứ IV sử Trung Quốc cũng ghi rõ. Từ bộ Việt sử lược thời Trần cũng ghi lại câu chuyện này, nhưng qua thời gian ngày càng được bồi đắp thêm nhiều chi tiết huyền thoại hóa dẫn tới việc làm lu mờ yếu tố lịch sử.
Nhận xét về sáng chế của kỹ sư Vũ Đình Thanh, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu cho rằng: Trước đó, đã có nhiều mô hình phục dựng lại "nỏ thần" An Dương Vương được giới thiệu, trưng bày tại nhiều nơi. Tuy nhiên, những mô hình này chưa phục dựng sát với những mô tả về "nỏ thần" trong lịch sử, những di vật khảo cổ đã khai quật được.
Mô hình Nỏ thần của kỹ sư Vũ Đình Thanh đã làm được điều đó, phục dựng giống với Nỏ thần An Dương Vương từ hình dáng, vật liệu, cơ chế bắn cho đến mũi tên đồng.
Tuy nhiên, kỹ sư Thanh cần tiếp tục nghiên cứu thêm để hoàn thiện chiếc nỏ sao cho bắn ra được nhiều mũi tên hơn nữa, độ chụm tốt hơn, độ xa lên đến hàng nghìn mét và nghiên cứu sử dụng dây nỏ bằng da động vật như trong lịch sử chứ không phải sử dụng dây thừng như hiện tại.
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh, việc phục dựng lại Nỏ thần An Dương Vương của kỹ sư Vũ Đình Thanh là việc làm rất có ý nghĩa nhằm khơi dậy truyền thống lịch sử, văn hóa của ông cha ta cách đây hàng nghìn năm để giáo dục các thế hệ người Việt Nam phát huy truyền thống về bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc trong mọi triều đại, đặc biệt là thời đại của chúng ta hiện nay, trong phát triển hội nhập.
Truyền thuyết Mỵ Châu-Trọng Thủy đã truyền tải nhiều thông điệp, nhiều bài báo, phim ảnh nhắc lại truyền thuyết này nhưng chưa truyền tải một cách đầy đủ về sự sáng tạo, trí tuệ, nghệ thuật quân sự của ông cha ta trong điều kiện rất khó khăn khi đó.
Ông cha ta đã làm được điều chưa từng có trong lịch sử dựng nước và giữ nước là chế tạo ra được "nỏ thần" để từ đó thế hệ trẻ ngày nay học tập, phát huy sự sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vận dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới một cách sáng tạo, kết hợp giữa hiện đại với thô sơ của thời đại ngày xưa và bây giờ.
Không dừng lại ở kết quả này, thời gian tới kỹ sư Vũ Đình Thanh có dự định sẽ tiếp tục hoàn thiện nỏ sao cho giống "nỏ thần" An Dương Vương trong truyền thuyết nhất, anh sẽ đưa ra nghiên cứu mới của mình để chứng minh quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung sở hữu vũ khí khủng khiếp là phốt pho trắng để tiêu diệt quân Thanh là câu chuyện hoàn toàn không phải vô căn cứ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo