Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai 9 nhiệm vụ năm 2025
Hành trình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp / Bản quyền AI khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ đối mặt thách thức lớn
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đây cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng tại các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về KH,CN&ĐMST. Khẩn trương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
Hai là, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ; sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất. Đảm bảo bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của doanh nghiệp và của người dân...
Ba là, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST, triển khai các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù về KH,CN&ĐMST góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích KH,CN&ĐMST phát triển, để KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực chính đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội 4 dự án Luật trong năm 2025, gồm: dự án Luật KH,CN&ĐMST; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Bốn là, triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030; xác định rõ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam. Khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về KH,CN&ĐMST, các kho dữ liệu khoa học dùng chung; kết nối các cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam.
Năm là, phát triển mạnh nhân lực khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển KH,CN&ĐMST Việt Nam.
Sáu là, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới...Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Bảy là, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về KH,CN&ĐMST, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử và các công nghệ chiến lược khác. Gắn kết các hoạt động hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST với ngoại giao kinh tế, thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tám là, đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, trong đó ưu tiên triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia. Tập trung thúc đẩy bảo hộ, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình.
Chín là, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định. Triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án 06.
Để hoàn thành tốt phương hướng nhiệm vụ nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn quan tâm, chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Cụ thể: Thứ nhất, tham mưu, tổ chức triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia…
Thứ hai, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện Đề án hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Khoa học và Công nghệ; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông theo đúng quy định của pháp luật, đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 4 luật chuyên ngành, gồm Luật KH,CN&ĐMST; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Thứ tư, rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là phục vụ triển khai chủ trương xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội thông qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo