CIEM: Mức độ áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại doanh nghiệp tương đối thấp
DNVN - Theo khảo sát của CIEM, mức độ áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH) tại các doanh nghiệp (DN) tương đối thấp. Tỷ lệ các DN được điều tra áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn dưới các hình thức và mức độ khác nhau dao động từ 36% - 48,6%.
Mức độ áp dụng tương đối thấp
Mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH) tập trung vào việc làm chậm, chấm dứt hoặc thu hẹp các vòng đời nhằm duy trì các giá trị kinh tế của sản phẩm càng lâu càng tốt, giảm các tác động môi trường và mang các giá trị to lớn đến khách hàng.
Tại hội thảo công bố báo cáo "Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 19/8 tại Hà Nội, ông Trịnh Đức Chiều - Phó Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM cho biết, Việt Nam đã có mô hình KDTH nhưng ở mức thấp và tự phát.
Trong khi đó, KDTH giúp các DN có thể đạt lợi nhuận tối đa khi vừa giải quyết được vấn đề hiệu quả kinh tế, vừa giải quyết được các vấn đề môi trường và xã hội. Đồng thời giúp DN thực hiện tốt hơn các trách nhiệm xã hội.
Mô hình KDTH gồm 6 hình thức: Sửa chữa và bảo trì, tái sử dụng và phân phối lại, tân trang và sản xuất lại, tái chế, xếp tầng và định vị lại mục đích sử dụng sản phẩm, nguyên liệu hữu cơ.
Ông Trịnh Đức Chiều - Phó Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM trình bày báo cáo "Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam" tại hội thảo.
Kết quả khảo sát của CIEM năm 2022 đối với hơn 500 DN Việt Nam về mô hình KDTH cho thấy, chỉ 21% - 33% trong số DN được hỏi cho biết họ biết rõ hoặc rất rõ về 1 trong 6 mô hình KDTH phổ biến. Trong đó, mô hình có tỷ lệ biết rõ cao nhất là "tân trang và tái sản xuất" với 33% và mô hình có tỷ lệ biết ở mức rõ trở lên thấp nhất là "sắp xếp và định vị lại mục đích sử dụng" với chỉ gần 21%.
Các DN đã từng áp dụng biện pháp đổi mới mô hình kinh doanh và/hoặc áp dụng 1 trong các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn cho thấy sự hiểu biết vượt trội so với các DN chưa từng áp dụng, với 28% - 38,5% so với 9,4% - 22% biết rõ hoặc rất rõ về các mô hình KDTH phổ biến.
Tỷ lệ các DN chưa biết đến các mô hình KDTH được đề cập là 8% - 15% tổng số các DN được khảo sát. Trong đó, tỷ lệ ở nhóm chưa áp dụng bất cứ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh hoặc áp dụng mô hình KDTH là cao hơn đáng kể, từ 10% - 24% tùy theo từng loại mô hình, trong đó mô hình "tái chế" chỉ dưới 10% chưa biết tới.
Mức độ áp dụng KDTH tại các DN là tương đối thấp, cả ở góc độ đổi mới mô hình kinh doanh và áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Tỷ lệ các DN được điều tra áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn dưới các hình thức và mức độ khác nhau dao động từ 36% - 48,6%, cao hơn so với các DN có đổi mới mô hình kinh doanh 33% - 36%.
Hình thức tái chế, sửa chữa và bảo trì và tân trang lại, sản xuất lại có tỷ lệ các DN áp dụng cao nhất, chiếm tỷ trọng lần lượt là 48,6%, 45,4% và 44,1%. Trong khi đó, chỉ 36% DN áp dụng hình thức sắp xếp và định vị lại mục đích sử dụng sản phẩm.
Tỷ lệ các DN chưa từng áp dụng bất kỳ hình thức đổi mới mô hình kinh doanh và/hoặc mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn nào là 37,6%.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ các DN được nhận một trong các hình thức hỗ trợ như tín dụng, lãi suất, khoa học công nghệ, đào tạo, thị trường, mặt bằng sản xuất... là khá thấp, chỉ chiếm từ 2% - 15% tùy theo hình thức hỗ trợ. Hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh cho dây chuyền áp dụng quy trình KDTH là nhóm có tỷ lệ nhận được hỗ trợ thấp nhất, chỉ chiếm 2%, trong khi nhóm hỗ trợ về "đào tạo" có tỷ lệ được nhận hỗ trợ cao nhất, chiếm 15%.
Nhiều rào cản
Đánh giá từ các DN điều tra cho thấy, khoảng 80% cho rằng đã có các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật đối với KTTH/KDTH ở các mức độ đầy đủ khác nhau.
Tuy nhiên, chỉ có 9% - 10% cho rằng, các chủ trương, chính sách và quy định về kinh tế /KDTH đã đầy đủ, 18% - 20% cho rằng chưa có các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về kinh tế/KDTH. Trong khi đó, 36% - 43% số DN được khảo sát cho rằng các chủ trương, chính sách và quy định về KT/KDTH còn rất thiếu.
74% DN được khảo sát cho rằng việc thiếu sự thích nghi và phù hợp của các chính sách với bối cảnh địa phương là rào cản ở mức độ lớn và rất lớn đối với phát triển KDTH. Trong đó, 65% DN cho rằng thiếu sự lãnh đạo từ trên xuống sẽ gây cản trở lớn và rất lớn đối với phát triển KDTH.
55% DN nói, thiếu các cam kết về pháp luật ở cả bình diện quốc tế và trong nước và thiếu cam kết trong tham gia các khuôn khổ hỗ trợ cho KTTH sẽ cản trở việc phát triển KDTH ở mức lớn và rất lớn.
Trong khi đó, đối với rào cản về công nghệ và môi trường, công nghệ hiện tại chưa phù hợp và thiếu các ý tưởng sáng tạo được các DN cho rằng có những cản trở đáng kể đến việc hình thành và phát triển của mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Chỉ dưới 2% cho rằng những hạn chế này không ảnh hưởng đến việc phát triển kinh doanh theo hướng tuần hoàn của họ.
Thiếu nguồn lực tài chính đầu tư cho KDTH, thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật và bí quyết công nghệ liên quan đến KDTH, thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng cũng là những rào cản đối với việc chuyển sang mô hình KDTH. Với khoảng 58% các DN được khảo sát đánh giá mức độ cản trở của các yếu tố này ở mức lớn và rất lớn. Tỷ lệ các DN cho rằng các hạn chế này không gây cản trở đến việc chuyển đổi sang mô hình KDTH chỉ ở mức từ 0,4% - 2,6%, tùy theo từng yếu tố cụ thể được xem xét.
Cần hướng dẫn chi tiết
Từ kết quả khảo sát trên, nhóm nghiên cứu cho rằng, để phát triển KTTH nói chung và KDTH nói riêng, cần tăng cường nhận thức về KTTH, KDTH. Hoàn thiện khung thể chế, pháp luật có liên quan. Thực hiện lồng ghép các giải pháp phát triển KT-XH. Ban hành chính sách cụ thể về hỗ trợ nguồn lực đối với các DN. Xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, đặc biệt là bộ tiêu chí đo lường mức độ KDTH của các DN. Đặc biệt cần có hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng mô hình KDTH cho các DN theo ngành, lĩnh vực...
Với doanh nghiệp, để tận dụng được những cơ hội cũng như hạn chế, khó khăn, thách thức khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các DN cần chủ động xây dựng các chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo