Khoa học - Công nghệ

Giải mã âm thanh của lợn nhờ AI

DNVN - Một thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) mới đã được các nhà khoa học châu Âu phát triển nhằm giải mã tiếng kêu của lợn, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao chất lượng sống cho động vật.

Thủ tướng phê duyệt Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 / Đại học Đông Á lần đầu tổ chức hội thảo quốc tế trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu có trách nhiệm

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đội ngũ chuyên gia đến từ Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Na Uy và Cộng hòa Séc đã thu thập hàng nghìn âm thanh của lợn trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm chơi đùa, bị cô lập hoặc tranh giành thức ăn. Qua quá trình nghiên cứu, họ đã xác định được những tiếng kêu thể hiện cảm xúc tích cực và tiêu cực của lợn.

Nhà sinh học hành vi Elodie Mandel-Briefer từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch), người đồng chủ trì nghiên cứu, cho biết rằng hiểu được "ngôn ngữ" của động vật sẽ đóng góp quan trọng vào việc cải thiện đời sống động vật trong ngành chăn nuôi.

Dù nhiều nông dân có kiến thức phong phú về hành vi của động vật thông qua việc quan sát chúng trong môi trường chăn nuôi, các công cụ hiện tại chủ yếu chỉ tập trung vào việc đo lường điều kiện thể chất. Thuật toán AI mới này không chỉ cung cấp cho nông dân khả năng nhận biết rõ hơn về cảm xúc của lợn, mà còn cảnh báo khi có dấu hiệu tiêu cực xuất hiện, từ đó giúp nâng cao phúc lợi tâm lý cho vật nuôi.

Nghiên cứu chỉ ra rằng lợn được nuôi trong trang trại ngoài trời hoặc trang trại hữu cơ có môi trường tự do thường ít phát ra tiếng kêu căng thẳng hơn so với những con được nuôi theo phương pháp truyền thống. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng rằng phương pháp này, sau khi hoàn thiện, sẽ có thể giúp phân loại và gắn nhãn cho các trang trại, từ đó giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm.

Theo nghiên cứu, tiếng kêu ngắn thường biểu thị cảm xúc tích cực, còn những tiếng kêu dài báo hiệu sự khó chịu, chẳng hạn như khi lợn chen chúc quanh máng ăn. Những âm thanh có tần số cao thường là dấu hiệu cho thấy lợn đang căng thẳng, chẳng hạn khi chúng bị đau, đánh nhau, hoặc khi bị tách ra khỏi bầy đàn.

 

Từ những kết quả trên, các nhà khoa học đã xây dựng một thuật toán AI để ứng dụng vào thực tế. Bà Mandel-Briefer chia sẻ: “AI đã giúp chúng tôi vừa xử lý khối lượng âm thanh lớn mà mình thu được, vừa tự động phân loại âm thanh”.

Lan Lê (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm