Khoa học - Công nghệ

Hành tinh có sự sống gần chúng ta nhất vừa trải qua "ngày tận thế"?

Các nhà khoa học vừa ghi nhận được một ngọn lửa khủng khiếp được phun ra từ Proxima Centauri - ngôi sao gần chúng ta nhất - đủ sức hủy diệt hành tinh có thể sinh sống vừa được tìm thấy cách đây vài năm.

Hành tinh thứ 9 liệu có thực sự tồn tại trong Hệ Mặt Trời? / Top 10 hành tinh “anh em” với Trái Đất

Theo nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters, một cơn bão năng lượng cuồng nộ vừa phun ra từ Proxima Centauri đã phá vỡ kỷ lục trước đây của nó. Đó là một "ngọn lửa trời" làm bằng các luồng plasma và ánh sáng rực rỡ, tưới bức xạ khắp vùng không gian xung quanh, mạnh hơn bất kỳ cơn bão Mặt Trời nào mà ngôi sao mẹ của Trái Đất từng phun ra.

Hành tinh có sự sống gần chúng ta nhất vừa trải qua ngày tận thế? - Ảnh 1.

"Bão Mặt Trời" ở hệ sao khác mạnh mẽ hơn bão Mặt Trời của thế giới chúng ta rất nhiều - Ảnh: NRAO/S.Dagnello

Tờ Science Alert trích dẫn lời tiến sĩ Meredith MacGregor từ Đại học Colorado Boulder (Mỹ), cho hay họ đã xác định sự kiện ngoạn mục này bằng các siêu kính thiên văn đặt tại Úc và Chile, cũng như vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh TESS của NASA.

Đáng buồn là sự kiện này cho thấy nếu có bất cứ hành tinh nào có sự sống xung quanh ngôi sao màu đỏ này, thì ngọn lửa nói trên đủ sức thiêu cháy nó. Tần suất của các ngọn lửa dữ dội từ Proxima Centauri quá cao, do đó sẽ không đủ thời gian cho bất kỳ phản ứng hóa học hữu cơ phức tạp nào còn nguyên vẹn đủ lâu để tạo ra sự sống thực sự. Nói cách khác, nếu sự sống manh nha xuất hiện, nó sẽ phải trải qua "ngày tận thế" từ giai đoạn "trứng nước".

Vào năm 2016, một nhóm nghiên cứu đến từ 8 quốc gia đã công bố trên Nature phát hiện về một hành tinh có thể có sự sống quay quanh ngôi sao màu đỏ lạnh hơn Mặt Trời rất nhiều này. Hành tinh đó có kích thước khoảng 1,3 lần Trái Đất và nằm trong "vùng sự sống" của ngôi sao. Thế nhưng nghiên cứu vừa công bố đã hủy diệt hy vọng về một thế giới có sự sống ngoài hành tinh trong tầm với - chỉ cách 4,2 năm ánh sáng.

Cơn bùng phát này khiến ngôi sao bất ngờ sáng hơn đến 14.000 lần, tuy nhiên ở dạng bước sóng vô tuyến mà mắt người thường không thể nhìn thấy. Nhưng đối với các nhà thiên văn, dạng bùng nổ ở bước sóng này vô cùng hiếm gặp, có thể đem lại dữ liệu độc đáo cho thấy những ngôi sao có thể thịnh nộ như thế nào.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm