Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lao động trong lĩnh vực bán dẫn
Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp thiết kế bán dẫn vào 2050 / Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo quy mô lớn khu vực
Phát biểu tại diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn” chiều ngày 8/11, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP Hồ Chí Minh, Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lao động trong lĩnh vực bán dẫn. Tuy nhiên, chỉ 20% kỹ sư trong số này đạt tiêu chuẩn cho ngành công nghệ cao, phần còn lại cần phải được đào tạo thêm.
Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 - 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện tại, khoảng 74% kỹ sư trong ngành này tập trung tại TP Hồ Chí Minh. Trong đó, 50% được đào tạo từ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - một trong những đơn vị tiên phong trong đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch và bán dẫn tại Việt Nam.
Dựa trên phân tích, bà Mai khẳng định Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có 5 thách thức lớn. Đó là ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, trong khi Việt Nam còn khá tụt hậu; nguồn nhân lực giảng viên và chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này vẫn còn rất thiếu.
Cùng đó, hệ thống phòng thí nghiệm hiện tại còn lạc hậu và lỗi thời; mối liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học còn lỏng lẻo, chưa có sự gắn kết chặt chẽ; nhận thức của sinh viên và người dân về ngành công nghiệp bán dẫn còn mới mẻ và hạn chế.
“Mặc dù Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu trong cả nước về đào tạo trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, với kinh nghiệm hơn 20 năm nhưng hiện nay đội ngũ giảng viên trong ngành này còn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Do đó, chúng tôi nhận thấy cần phải đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi thì mới có thể đào tạo ra những thế hệ sinh viên xuất sắc”, bà Mai nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề này, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự định triển khai các chính sách nhằm đưa giảng viên và các cán bộ trẻ đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Sau khi học hỏi các kiến thức và công nghệ mới, họ sẽ trở về để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn.
Hiến kế giải pháp phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, bà Đỗ Thị Thu Hương - Giám đốc Quan hệ chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Intel cho rằng, để tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục, Chính phủ và doanh nghiệp, cần phát triển và điều chỉnh chương trình giảng dạy với những tư vấn của các doanh nghiệp.
Hiện Intel đang tiếp nhận hàng chục sinh viên thực tập tại cơ sở ở TP Hồ Chí Minh, mỗi năm chương trình thực tập này mang lại cơ hội được hướng dẫn, đào tạo và trải nghiệm thực tế cho sinh viên. Chính phủ cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận sinh viên thông qua các chương trình hỗ trợ thích hợp. Đồng thời, doanh nghiệp và các trường đại học có thể hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Từ khi Intel bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, thông qua các chương trình khác nhau, chúng tôi đã góp phần đào tạo khoảng 8.000 - 10.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn”, đại diện Intel cho biết.
Theo ông Huỳnh Phú Minh Cường - Phó Trưởng khoa Kỹ thuật điện và điện tử, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, giáo dục từ các trường đại học là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Cần có sự hỗ trợ từ cả ngành công nghiệp và từ phía Chính phủ.
Ông Yeonsang Park - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bán dẫn liên trường, Đại học Quốc gia Chungnam cho rằng, hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo. Tại Hàn Quốc, trong giai đoạn đầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Hàn Quốc đã chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với các công ty quốc tế, gửi sinh viên ra nước ngoài và tiếp cận công nghệ cao cấp.
“Tôi cho rằng Việt Nam cũng cần áp dụng mô hình tương tự. Trong giai đoạn đầu phát triển, Chính phủ nên nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các công ty toàn cầu và kết nối các trường đại học với doanh nghiệp. Tôi tin rằng đây là điều quan trọng nhất”, ông Yeonsang Park nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo