Công nhân phản ứng sau vụ đốt phá ở khu công nghiệp
Sáng 14/5, nhiều cột khói vẫn bốc cao từ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Trên đường nội bộ dẫn vào các công ty vương vãi nhiều mảnh thuỷ tinh, không ít khung cửa rạn nứt, cổng sắt móp méo. Để tránh bị đập phá vô cớ, doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… cho treo quốc kỳ nước mình và những tấm băng rôn “Chúng tôi yêu Việt Nam. Chúng tôi luôn đồng hành cùng Việt Nam".
Tuy nhiên, một số công ty vẫn bị đám đông quá khích xô đẩy cổng, trèo vào. Tại công ty may mặc Esquel Garment, hàng trăm người định xông vào nhưng đã bị hàng rào người gồm những công nhân của công ty cản lại. Họ giương cao khẩu hiệu: “Bảo vệ công ty là bảo vệ việc làm”, đứng sát bên nhau khiến nhóm người quá khích phải rút lui.
“Sáng nay vào khu công nghiệp, nhìn cảnh đổ nát, khói lửa ở mấy công ty mà tụi em thấy ức. Mong sao công an bắt hết mấy kẻ xúi giục cho chúng em được nhờ", nữ công nhân tên Thu bức xúc.
|
Dòng người cầm cờ đi qua các phố tại Bình Dương. Ảnh: Quốc Thắng. |
Trong bộ quần áo công nhân, anh Hùng (25 tuổi, ngụ Thanh Hóa) thẫn thờ ở một góc đường, mắt hướng vào ngọn lửa đang bốc ra từ công ty Maxim (của Đài Loan). Anh làm việc ở một công ty giày da nhưng sáng nay được thông báo cho nghỉ làm do bất ổn từ những hành vi quá khích của đoàn người. "Công ty này bị đốt từ đêm qua, nhiều người sẽ khốn khổ", anh này nói.
Hùng cho hay, trưa 13/5, cũng tham gia buổi tuần hành phản đối việc Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi thấy xuất hiện những kẻ xăm trổ đầy mình, tay cầm hung khí hung hăng, anh và một số đồng nghiệp đã bỏ về phòng trọ. “Sáng nay nhiều cảnh sát đến khu trọ kêu gọi một số người giao nộp tài sản cướp được và lục soát các phòng bởi đêm qua rất nhiều tài sản các công ty bị lấy đi”, anh Hùng kể.
Bức xúc trước hành vi đốt phá của những người biểu tình, nhiều người lớn tiếng phê phán: “Biểu tình phản đối Trung Quốc ở Biển Đông chứ tại sao lại phá hoại các công ty. Làm thế này là tự chặt tay chân mình, làm mất công ăn việc làm của mình và người khác”.
Một phần nhà xưởng của công ty Maxim cháy rụi hoàn toàn dù các cảnh sát và bảo vệ ra sức phun vòi rồng. Phía bên ngoài, hàng trăm người hiếu kỳ tập trung theo dõi. Một công nhân mình trần, khoác cờ Việt Nam liên tục chạy khắp nơi, tay cầm loa kêu gọi: “Mình là người Việt Nam yêu nước, hãy hành xử có văn hoá. Mọi người giải tán để xe cứu hoả vào chữa cháy”.
|
Nhóm nữ công nhân phản đối hành động đập phá, quá khích của nhiều người. Ảnh: Nguyệt Triều. |
Tại một góc khác, cô gái khoảng 20 tuổi, giọng Nam Bộ, đang cố nói thật to át những âm thanh hỗn loạn bên ngoài, khi gọi điện về nhà thông báo rằng công ty đã cho nghỉ việc vô thời hạn. Gương mặt mếu máo, cô nói chưa được nhận lương mà tiền đã hết. “Hai chị em cùng làm ở một công ty Nhật. Công ty mới thông báo chưa biết khi nào làm việc trở lại. Tụi em lĩnh lương vào ngày 15, mà hôm nay mới là ngày 14", cô hoang mang.
Cách đấy không xa, những cột khói lớn vẫn còn lan toả từ một công ty khác. Lực lượng bảo vệ cho hay, đêm qua xưởng sản xuất đã bị đám đông kéo đến. Hàng trăm thanh niên tràn vào bên trong đập phá, song cũng có rất nhiều người ngăn cản hành động quá khích này. Họ bắc loa kêu gọi mọi người bình tĩnh nhưng đám đông không ngừng lại. “Khi giọng đã khàn đặc, nhiều người vội vàng viết những mảnh giấy nguệch ngoạc kêu gọi 'Bảo vệ công ty. Bảo vệ chúng ta vì miếng cơm manh áo' dán lên các hàng rào”, một bảo vệ cho hay.
Bày tỏ sự bức xúc trước những hành vi quá khích, anh Hoá (27 tuổi, công nhân cơ khí tại một công ty của Nhật) nói: “Dù có là công ty của Trung Quốc nhưng đã được Nhà nước cho phép đầu tư. Chính những công ty này tạo ra hàng nghìn việc làm cho công nhân. Phản đối chính quyền Trung Quốc chứ tại sao lại đập phá các công ty”.
Đến trưa, nhiều xe của Uỷ ban mặt trận tổ quốc tỉnh Bình Dương cũng liên tục phát thanh, phát tờ rơi kêu gọi mọi người bình tĩnh, không nghe theo lời của những kẻ kích động. Lực lượng Đoàn viên Thanh niên tỉnh Đoàn Bình Dương cũng được huy động làm công tác tuyên truyền, tránh những hành động quá khích do bị kẻ xấu kích động, xúi giục.
|
Lời kêu gọi của một số công nhân. Ảnh: Quốc Thắng. |
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao Động Việt Nam cho biết, cơ quan này đã cử đoàn công tác đến các điểm nóng "Tình hình tạm lắng, những kẻ kích động đã bị tạm giữ", ông nói.
Theo ông Tùng, việc yêu nước và thể hiện lòng yêu nước rất đáng trân trọng, nhưng thể hiện điều đó như thế nào mới là quan trọng.
“Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần yêu nước của các bạn, nhưng thể hiện lòng yêu nước phải trong khuôn khổ của luật pháp một cách hoà bình, thông minh và trí tuệ. Thể hiện lòng yêu nước đúng sẽ tăng cường sức mạnh của chúng ta. Nếu thể hiện không đúng, chúng ta sẽ tự hại mình”, ông Tùng nói.
Người đứng đầu Tổng Liên đoàn lao Động cũng nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, lúc này, người lao động phải tập trung trong các nhà máy lao động, sản xuất thật tốt. “Chính quyền Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, chúng ta phản đối hành động này. Còn việc người Trung Quốc đầu tư, thì chính là họ đang cùng với người Việt Nam góp phần đẩy mạnh kinh tế chúng ta phát triển”, ông Tùng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo