Góc nhìn

CPI tháng 2 tăng thấp nhất trong vòng 10 năm: Nên mừng hay lo?

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây phản ánh rất rõ thực tế của nền kinh tế nước ta hiện nay. Đó là điều vừa mừng, và cũng là điều cảnh báo, đáng lo ngại, cần phải xem xét.

PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Đoàn Huế)

PV: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2014 được công bố là thấp nhất trong các tháng 2 tính từ 10 năm trở lại đây. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Ông Ngô Trí Long: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố, chỉ số giá tiêu dùng của tháng 2 so với tháng 1 tăng 0,55%, so với tháng 12/2013 thì tăng 1,24%.

Nhìn nhận lại chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 qua 10 năm thì đây là tháng có mức tăng thấp nhất. Chúng ta thấy rằng đó là điều vừa mừng, và cũng là điều cảnh báo, đáng lo ngại, cần phải xem xét.

Mừng là chỉ số giá tiêu dùng ổn định, chỉ số giá tiêu dùng thấp thì người dân, doanh nghiệp (DN) hưởng lợi, Nhà nước có dư địa rất lớn để thực hiện chính sách kiểm soát lạm phát của mình. Bên cạnh đó chúng ta thấy bản chất của giá tiêu dùng tháng 2 chỉ tăng 0,55% so với tháng 1, chúng ta phải xem xét nguyên nhân từ đâu, thì từ đó mới thấy điều gì cần cảnh báo, lo ngại.

Tăng trưởng tín dụng là một trong các cầu của kinh tế thì tháng 1 âm, tháng 2 rất yếu. Trong ngành ngân hàng thì xảy ra tình trạng thừa tiền nhưng DN lại thiếu vốn, đây là sự bất cập. Cho nên, theo tôi nghĩ là lo nhiều hơn mừng, vì kinh tế còn khó khăn rất lớn.

PV: Vậy theo ông, những nguyên nhân đó là gì?

Ông Ngô Trí Long: Như chúng ta đã biết, theo quy luật tiêu dùng hàng năm, chỉ số giá tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán, đặc biệt là tháng 1, 2 thường tăng rất mạnh.

Năm ngoái, CPI cũng tăng thấp nhất vào khoảng 10 năm, tháng 1 tăng 1,35%, tháng 2 cũng tăng 1,45%, so với năm nay còn thấp hơn. Nguyên nhân giảm không phải là do năng suất, chất lượng hay do hoạt động của các DN tốt lên làm cho chi phí giảm, giá thành hạ mà do cầu yếu.

Cầu yếu thể hiện ở tổng cầu tiêu dùng của Nhà nước, của xã hội, người dân. Trong tình hình hiện nay thì tổng cầu yếu thể hiện ở sức mua yếu, khi đó làm cho giá cả giảm, mặc dù lượng cung tương đối đảm bảo đầy đủ.

Tháng Tết, trước sức mua yếu nhiều DN đã phải sản xuất cầm cự, sản xuất mặt hàng có tính chất thiết yếu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân thấp, họ không thể mở hầu bao một cách thoải mái để tiêu dùng, chỉ mua những loại hàng hóa cực kỳ thiết yếu.

Chúng ta thấy chỉ số các nhóm hàng hóa tiêu dùng chủ yếu là lương thực thực phẩm, còn quần áo, các mặt hàng xa xỉ, cao cấp thì tiêu dùng rất thấp, mặc dù các DN tung ra rất nhiều chiêu khuyến mãi, những vẫn không đẩy được sức mua lên cao.

Đây là điều cần cảnh báo, đáng lo ngại trong bối cảnh kinh tế hiện nay, trước mắt còn rất nhiều thách thức, khó khăn đang chờ chúng ta xử lý.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang đối mặt với nguy cơ giảm phát. Ông có nghĩ như vậy không?

Ông Ngô Trí Long: Có những quan điểm cho rằng chỉ số giá tiêu dùng thấp thế này thì sẽ có nguy cơ giảm phát. Giảm phát là thế nào? Là khi tốc độ tăng trưởng âm đồng thời liên tục xu hướng giá giảm, giảm dưới 0, trong bối cảnh của chúng ta hiện nay thì giảm phát khó có khả năng xảy ra.

Thứ nhất, vì giá tăng do các yếu tố chi phí đẩy, cầu kéo, tài chính, tiền tệ tín dụng và do tâm lý thì 4 yếu tố này cũng khó có khả năng tiến tới giảm phát.

Giá của chúng ta ở mức cầm cự tăng nhưng mức độ thấp, sự tăng thấp này không phải do kinh tế hoat động tốt lên, do năng suất, sản xuất phát triển mà có, mà nó do cầu yếu, trong bối cảnh này, gốc rễ của vấn đề là năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế mà còn rất thấp.

Chúng ta mới chỉ tăng trưởng theo chiều rộng, chứ chưa theo chiều sâu, đây là nguy cơ tiềm ẩn làm cho chi phí sản xuất, đầu vào luôn tăng thì không lo có hiện tượng giảm phát.

Giá chỉ giảm trong khuôn khổ, khả năng cạnh tranh của chúng ta còn yếu, nên nguy cơ giảm phát, theo tôi nghĩ khó có khả năng trở htnàh hiện thực. Quan điểm của tôi là các cơ quan quản lý của Nhà nước làm sao phải kích cầu, nhưng không phải bằng mọi giá mà tăng trưởng sản xuất trên cơ sở tăng nhanh chất lượng, năng suất. Bên cạnh đó cũng phải tìm cách tăng trưởng tín dụng, tập trung vào chất lượng tín dụng chứ không phải chạy theo con số.

Cốt lõi của nền kinh tế mà không giải quyết được thì nguy cơ lạm phát cao quay trở lại, gây hệ lụy lớn, nó vốn là con ngựa bất kham, khó có khả năng ngăn cản được.

Trân trọng cảm ơn ông!
 

Đoàn Huế (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo