Góc nhìn

Cứ ưu đãi quá, Việt Nam dễ thành bãi thải rác công nghiệp

“Cần khuyến khích phát triển ngành nghề có tính cạnh tranh cao, còn những ngành nghề cũ mà cứ ưu đãi thì sẽ nguy cơ biến Việt Nam thành nơi thải rác công nghiệp cũ”.

 Chủ tịch Hội đông dân tộc Ksor Phước

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu băn khoăn về chính sách ưu đãi đối với những dự án vốn đầu tư tối thiểu 12 nghìn tỷ đồng, khi Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các luật thuế vào chiều 8/10.
 
Bỏ khống chế 15% chi quảng cáo
 
Để phù hợp với tình hình thực tiễn, phản ánh đúng bản chất của khoản chi, báo cáo Thường vụ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra 2 phương án sửa đổi quy định về khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại.
 
Phương án 1 sẽ bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới… Theo đó, doanh nghiệp thực hiện chi quảng cáo, khuyến mại nếu có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
 
Phương án 2, chỉ khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo, không khống chế các khoản chi tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới…vì những chi phí này cần thiết cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sẽ minh bạch, cụ thể trong tổ chức thực hiện.
 
Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc bỏ quy định khống chế tỷ lệ đối với chi phí quảng cáo sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và sức dấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời phù hợp với thông lệ chung thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho các bước đàm phán Hiệp định thương mại tư do giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
 
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị tăng cường công tác quản lý chi phí cho sản xuất kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong việc hoạch toán chi phí quảng cáo nhằm trốn thuế.
 
Đồng tình với việc không khống chế tỷ lệ % với quảng cáo, theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, Chính phủ nên quy định các chi phí đối với quảng cáo.
 
Không phải cứ dự án 12 nghìn tỷ là được ưu đãi
 
Liên quan đến chủ trương ưu đãi đầu tư, Ủy ban Tài chính ngân sách không đồng tình với đề xuất của Chính phủ về bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12 nghìn tỷ. Chủ trương này mới chỉ tập trung vào thu hút các dự án có số vốn đầu tư lớn, nhưng không ràng buộc về tiêu chí công nghệ, lấy dự án điển hình để xây dựng chính sách chung là chưa phù hợp.
 
Bên cạnh đó Ủy ban thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của quy định về ưu đãi thuế đối với dự án trên 6 nghìn tỷ đồng tác động thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Việc quy định áp dụng thuế suất và thời gian ưu đãi tới 30 năm cho tất cả các dự án trên 12 nghìn tỷ là quá dài.
 
Tuy nhiên Uỷ ban thẩm tra lại nhất trí với việc bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công nghiệp hỗ trợ và cho rằng, hiện nay phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của Việt Nam.
 
Chủ tịch Hội đông dân tộc Ksor Phước thì đề nghị cần khuyến khích phát triển các ngành nghề có tính cạnh tranh cao, còn đối với những ngành nghề cũ mà cứ ưu đãi thì nguy cơ Việt Nam sẽ thành nơi thải rác công nghiệp cũ, dù doanh nghiệp đó có đầu tư đến 12 nghìn tỷ đi chăng nữa.
 
Chủ nhiệm Trương Thị Mai cũng cho rằng, cần phải cân nhắc thời gian thực hiện ưu đãi tới 30 năm, vì quãng thời gian này là quá dài. Ngoài ra đối với dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12 nghìn tỷ đồng được ưu đãi thì cũng phải làm rõ các chi phí về đầu tư cho công nghệ hiện đại.
 
Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng không nhất trí với đề nghị xóa tiền phạt chậm nộp tiền thuế. Bởi bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo bảo tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
 
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo