Cuộc chiến giá gạo: Ai hưởng lợi trên nước mắt nông dân?
GS TS. NGND AHLĐ Võ Tòng Xuân đã bày tỏ những lo ngại về cuộc cạnh tranh giá gạo trong châu Á đang hiện hữu và nguy cơ đối với Việt Nam là phải tiếp tục hạ giá để có thể tham gia thị trường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân khi họ vốn một nắng hai sương nhưng bù lại thu nhập chẳng đáng là bao.
Dân mù tịt thông tin, doanh nghiệp lo kiếm lời
Mới đây Thái Lan đã lên kế hoạch bán 1 triệu tấn gạo mỗi tháng, gần gấp đôi lượng gạo xuất khẩu trung bình tháng năm ngoái. Theo đó Hiệp hội các hãng xuất khẩu gạo Thái Lan dự đoán giá gạo tham chiếu tại nước này, vốn đã thấp hơn Việt Nam và Ấn Độ, có thể giảm thêm 11%, xuống 350 USD một tấn vào tháng 5.
Trước thực tế này, giới chuyên môn lo ngại một cuộc chiến về giá đang hiện hữu. Theo GS Võ Tòng Xuân, tình trạng này sẽ dẫn đến việc Việt Nam sẽ phải tiếp tục hạ giá hơn nữa để tham gia vào thị trường, trong khi vốn giá đã quá rẻ mạt.
GS Xuân cho rằng, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân trồng lúa. Không riêng gì lúa mà các nông sản khác cũng vậy. Quy luật cung cầu trong kinh tế thị trường sẽ thống lĩnh hết. Trong khi Việt Nam cứ nói kinh tế thị trường mà không làm theo kinh tế thị trường, làm kiểu tự phát, mù tịt về thông tin.
“Nông dân cứ nhắm mắt thấy trồng gì bán được là đua nhau trồng dẫn đến hàng hóa ứ đọng. Tình trạng này thể hiện cách làm sản xuất mà không có tổ chức”, GS Xuân nhận định.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ông cho rằng, khuyết điểm lớn nhất là nhà nước nói mãi nhưng không thay đổi, không cung cấp thông tin thị trường cho người nông dân cũng như các tỉnh cứ để nông dân tự phát. Hai là người nông dân làm theo kiểu bắt chước thấy ai trồng gì bán được là làm theo mà không biết ai sẽ mua. Đến khi một mặt hàng trồng quá nhiều thì sẽ bị ứ đọng, rớt giá là dễ hiểu.
Một mặt khác, GS Xuân cho rằng, hiện Nhà nước đã sinh ra các hợp tác xã cộng với 2 Tổng Công ty lương thực miền Bắc và miền Nam với mong muốn các tổ chức này có hệ thống gắn liền với thông tin thị trường. Từ đó sẽ giúp được các các tỉnh.
Lẽ ra, họ phải đưa ra thông tin về dự báo thị trường: Trung Đông, Châu Phí, Trung quốc, Philippines đang cố gắng sản xuất như thế nào, Thái Lan năm tới dự kiến sản xuất bao nhiêu lúa gạo, Ấn Độ ra sao…Dựa vào nhu cầu thế giới mới tính được sắp tới Việt Nam cần trồng loại gạo nào, số lượng bao nhiêu.
Ngoài ra, hai Tổng công ty phải cử đại diện đi giao dịch , tìm hiểu các nước rồi đem mẫu lúa gạo đi giới thiệu... Từ đó, họ thiết lập các đầu mối trong nước, lập các vùng nguyên liệu, nhà máy, đầu tư, tổ chức nông dân làm.
"Chỉ như vậy mới không còn cảnh sản xuất mà không có đầu ra. Nhưng đáng tiếc là các tổng công ty hiện nay cứ ngồi đó rồi lâu lâu có thông tin chỗ nào đấu thầu thì chạy qua cạnh tranh, ăn chặn ăn bớt của nông dân khiến cho họ vốn đã nghèo rồi lại càng cơ cực thêm”, GS Xuân nhấn mạnh.
Phải thay đổi hết
Trước thực tế này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, đang trong giai đoạn tái cấu trúc ngành nông nghiệp thì nên tái cấu trúc 2 Tổng công ty lương thực thành 2 đơn vị chuyên môn. Hai đơn vị này có trách nhiệm đi mở, tìm thị trường cho gạo Việt Nam chứ không thể ngồi đó ăn chặn của người dân.
“Người phụ trách phải sành sỏi thị trường biết nhiều thứ tiếng thâm nhập thị trường đem đơn đặt hàng về giao cho công ty các tỉnh. Từ đó đặt hàng cho người nông dân”, GS Xuân gợi ý.
GS Xuân dẫn lại ví dụ từ năm 1993 khi Chính phủ cho công ty gạo của Mỹ vào Việt Nam. Họ đã phối hợp với Vinafood lập thành công ty liên doanh Việt - Mỹ. Họ đã cải tiến lại công ty này, đưa máy sấy lúa, tách màu hạt gạo, rồi lập vùng nguyên liệu tại Thốt Nốt và Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ. Tại đây người dân chỉ trồng giống IR64 dưới sự giám sát và hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật. Khi thu hoạch người dân đem đến các điểm thu mua của công ty này với giá cao hơn các doanh nghiệp khác.
“Tôi đã tìm hiểu và thấy nhờ máy sấy của họ giúp cho hạt lúa của bà con nông dân đạt tỉ lệ gạo cao hơn. Trong khi thị trường 2 lúa được 1 gạo thì họ dùng máy sấy này đúng phương pháp đã đạt tỉ lệ 66% gạo/lúa. Doanh nghiệp cũng chia sẻ phần dư ra giúp họ vừa có lãi hơn, vừa mua được giá cao hơn cho người nông dân”, GS Xuân nói.
Theo GS Xuân, sở dĩ ông đưa ra ví dụ này là muốn nói đầu tư công nghệ sau thu hoạch phải tối tân để hạt gạo, hạt lúa làm ra được nâng cao giá trị.
“Nhưng hiện nay ít nhà máy làm theo kiểu này mà chỉ nhận gạo nguyên liệu của thương lái, trong khi không có thương lái nào chịu đầu tư đầu tư công nghệ”, GS Xuân lo ngại.
Trả lời câu hỏi ai sẽ phải đứng ra bảo vệ, hướng dẫn người nông dân trồng lúa khi mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt?, GS Xuân cho rằng vai trò chính phải là doanh nghiệp.
“Tuy nhiên các doanh nghiệp này người đứng đầu phải có kiến thức và có tâm, quyết đứng vững trên thị trường để nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Họ phải ý thức được việc này thì mới đầu tư làm ra hạt gạo tốt”, ông nói.
Do vậy GS Xuân kiến nghị Nhà nước phải có chính sách kiểm soát các doanh nghiệp này, cung cấp tài chính với lãi suất thấp để họ cải tiến đầu tư máy móc thiết bị sau thu hoạch. Đồng thời cho lãnh đạo các doanh nghiệp này họ đi học, rồi có chính sách kết hợp nông dân lại với nhau để có một người nông dân lớn.
“Phải làm theo chuỗi sản phẩm chứ không thể mãi kiểu mạnh ai người đó làm như hiện nay. Phải công nghiệp hoá nông thôn Việt Nam – cũng có nghĩa là chấm dứt kiếp làm tôi mọi của nông dân vốn sản xuất nguyên liệu cho người khác hưởng – có ý nghĩa nhất lúc này là gắn hợp tác xã của nông dân với nhà máy chế biến của doanh nghiệp, có lời chia lời, có lỗ cùng chịu lỗ, nông dân không còn là nông dân đơn thuần mà là chủ nhà máy của doanh nghiệp mình”, GS Xuân đề xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo